Hà Nội: Có một góc ngập… rác

Khách đến Hà Nội nhận ra đặc điểm nổi bật của Thủ đô, trong khi dân Hà thành không mấy ai để ý: Rác có mặt khắp nơi: ngoài đường, trong ngõ, trên cạn, dưới nước. Khu đất trống nào cũng có thể thành một bãi rác, chốn đổ phế thải xây dựng.

Đường phố thành chỗ vứt rác…

Vốn được coi là một khu đô thị (KĐT) mới xanh – sạch – đẹp của Thủ đô nhưng từ lâu nay, môi trường và cảnh quan của KĐT mới Trung Hoà – Nhân Chính cũng đang bị rác sinh hoạt và phế thải xây dựng xâm lấn. Tại khu đô thị mới này, rẽ vào bất cứ con đường nào cũng bắt gặp những đống rác lớn nằm chình ình trước mắt.

Bà Trịnh Kim Hạnh ở khu cao tầng tái định cư nói: “Chẳng biết rác ở đâu ra mà nhiều thế, cứ vài hôm là bồn hoa, hành lang và đường đi lại đầy rác cho dù công nhân vệ sinh ngày nào cũng dọn rồi”.

Ngoài chuyện phải chịu đựng “sống chung” với rác thải sinh hoạt, người dân ở KĐT mới Trung Hoà – Nhân chính còn phải chịu cảnh phế thải sinh hoạt bị đổ khắp nơi. Ngay trên đường Hoàng Đạo Thuý, cạnh mấy khu công trường đang xây dựng, một bãi phế thải “tự phát” đang ngày càng phình to, bất chấp nỗ lực của các công nhân công ty vệ sinh môi trường.

Tương tự như ở KĐT mới Định Công, Linh Đàm, mỗi khu đất trống đều có thể bị coi là một bãi rác, bởi rác cũng tràn ngập ở mọi nơi. Anh Nguyễn Ngọc An – nhà CT4 cho biết: “Chỗ nào có đất trống là người ta vứt rác, có khi cả xác chó mèo chết cũng bị vứt ra ngay cạnh đường khiến ai đi qua cũng phải khó chịu”.

Trên tuyến đường Hào Nam đoạn đi qua Nhạc viện Hà Nội, cả một làn đường theo hướng Cát Linh – Đê La Thành đã bị biến thành bãi đổ phế thải xây dựng… không thu lệ phí. Rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng cũng bị vứt bỏ một cách bừa bãi, bốc mùi xú uế khiến cho người qua đường phải nhăn mặt, bịt mũi phóng vội. Bà Nhài bán nước trên đường Hào Nam bức xúc: “Ban đầu chỉ có mấy nhà dân đang xây dựng đổ phế phải ra đường, sau cánh xe tải cũng kéo đến đổ trộm mà chả thấy ai “hỏi han” gì. Chỉ sau 1-2 tháng, một nửa con đường biến thành bãi rác, ai muốn đổ thì đổ, chả buồn quan tâm đến vệ sinh môi trường”.

Tại khu vực phố cổ Hà Nội, rác thải cũng trở thành một “vấn nạn” gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan môi trường. Ngồi uống bia tại khu vực phố Hàng Giày, chỉ vào mấy đống rác trước mặt, anh Afdol Martin – du khách người Đức nói: “Ngay từ khi đặt chân xuống sân bay, tôi đã rất ngạc nhiên với hình ảnh rác ở khắp nơi. Giờ vào đến phố cổ Hà Nội, tôi mới thấy chuyện rác trên đường là bình thường đối với người dân ở đây”.

Ra ngõ gặp rác…

Ngay sát bức tường ngăn cách giữa Trường PTCS Thành Công và khu dân cư là một đống rác lớn phát sinh từ dãy nhà cao tầng đối diện. Thôi thì đủ loại, rau thối, chai lọ vỡ, thịt cá ươn… tất tật đều tấp đống và bốc mùi qua bức tường để vào trường học. Trường Thành – một học sinh trường PTCS nói: “Trong lớp lúc nào chúng cháu cũng ngửi thấy mùi rác thối!”.

Chỉ cách đống rác nói trên vài chục bước chân là hàng chục đống rác tự phát có quy mô… nhỏ hơn một chút phát sinh từ hàng chục hàng rong quanh chợ Thành Công. Ông Bình – người dân sống gần chợ Thành Công cho biết: “Tối nào cũng có mấy cô công nhân vệ sinh đẩy cả chục xe rác đi đổ nhưng sáng ra, ngõ xóm lại đã đầy rác và nước bẩn. Tất cả chung quy đều do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân, nhất là của những người bán hàng rong”.

Bình thường, một gánh hàng rong có thể xả ra một lượng rác lớn tương đương một gia đình. Thế nhưng, tại nhiều chợ nhỏ trên địa bàn Hà Nội như Thành Công, Thái Hà, Nghĩa Tân, Dịch Vọng, chợ Xanh Kim Liên… và thậm chí là cả những chợ đầu mối như Đồng Xuân, Hàng Da, chợ Mơ…, hàng rong luôn thản nhiên xả rác. Ở khu vực chợ rau đêm trên phố Hàng Khoai, sau mỗi phiên chợ, hàng chục đống rau quả thối được bỏ lại một cách tuỳ tiện khắp nơi. Đến sáng, người dân có nhà mặt phố lại nai lưng ra dọn cho đỡ mùi.

Sau hàng rong, chuyện xả rác, đổ phế thải ra đường phải kể đến ý thức của người dân ở các khu dân cư. Bà Trần Thị Hằng ở ngõ Quan Thổ nói: “Nhiều nhà ở tít trong ngõ cũng cố nhoi ra đầu đường để mở quán. Hàng quán bán cho học sinh, rác vứt linh tinh khắp ngõ. Hết hàng họ dọn đồ về, rác thì bỏ lại cho cả ngõ hưởng. Có hôm, dầu mỡ rán bánh thừa họ cũng đổ tất ra đường khiến nhiều người đi qua bị trượt, suýt ngã”

Rốt cuộc, công nhân vệ sinh môi trường hàng ngày phải đánh vật với một núi rác, cả trên cạn lẫn dưới nước. Một công nhân tên là Minh, khi đang vớt rác, buồn rầu kể: “Dầm nước bẩn vớt rác cả ngày, đến tối về chẳng dám ôm con vì sợ mùi nước bẩn sẽ ám sang người con”.

“Bao nhiêu cuộc vận động, bao nhiêu phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường được phát động rồi mà đâu lại vào đấy. Chẳng biết đến bao giờ người dân Hà Nội mới thực sự nói không với việc vứt rác, đổ phế thải bừa bãi”, anh Minh than thở.