Tan nát rừng Vạn Ninh

Vụ án phá rừng Dốc Mỏ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà bị phanh phui, một số quan chức ngành kiểm lâm và lâm trường phải vào tù “bóc lịch”. Tưởng rằng rừng ở đây sẽ yên ổn hơn, thế nhưng, những cánh rừng đầu nguồn của các con sông, hồ chứa nước tại Vạn Ninh vẫn tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng bởi một đội quân phá rừng chuyên nghiệp và “bán chuyên nghiệp” có ở khắp nơi.

Chiều 28/10/2007, vừa đến Hóc Chim, xã Vạn Phú, mới đi băng qua đập nước thuỷ lợi, đã gặp 3 thanh niên đang hì hục đẩy 3 khúc gỗ tươi rói lên dốc. Đi sâu vào phía trong khoảng 200m, lại đụng đầu một tốp  xe đạp chở 7 súc gỗ to đùng.
 
Tiếp tục quan sát, không bao lâu lại thấy xuất hiện 4 xe gỗ từ rừng sâu đi ra. Ông H.V.D, làm trang trại ở đây nói lên sự thật: “Đau lắm! Hàng  ngày phải chứng kiến cảnh rừng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề. Bây giờ còn ít, thời điểm giáp tết người ta đua nhau đi phá rừng mới dữ tợn. Có đến 2 trạm “chốt” luôn, bên này là trạm lâm trường, bên kia sông là trạm của kiểm lâm. Nhưng bây giờ không có người trực đâu”


Hàng quốc cấm bán công khai



Theo chỉ dẫn của ông H.V.D, đi trên con đường nhựa liên thôn rộng thênh thang vào xã Vạn Lương, thi thoảng phải nhường đường cho xe của các lâm tặc chở gỗ kềnh càng đi qua. Từ quốc lộ 1A đến thôn Mỹ Đồng, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe đạp chở gỗ đi ngược chiều.
 
Thông qua một “cò gỗ”, tiếp cận được một “đại ca gỗ” tên L.Q.S, ở thôn Mỹ Đồng. Thoạt đầu L.Q.S “đề phòng”: “Gỗ lạt bây giờ khó khăn, tui đã “gác kiếm” lâu rồi”. Lân la hỏi chuyện về hàng gỗ xuất ngoại, anh ta trở nên cởi mở: “Nói thật, loại đó bây giờ trở thành hàng “độc” rồi. Cách đây 5 năm, anh cần bao khối tui cũng có. Nếu anh chấp nhận, thì có gỗ non, mặt nhỏ, rác ăn theo nhiều. Hay anh chuyển sang “chơi” gỗ pơ mu đi, chỉ có 8 – 9 triệu đồng/khối. Bữa nay, là “mốt” thượng đẳng, chỉ có dân giàu mới “sờ” được nó”.


Theo lời S. kể thì mấy ông buôn bán gỗ ở ngoài thị trấn Vạn Giã lên đây mua gỗ pơ mu của hắn cả. S. có cả một đội quân làm gỗ pơ mu chuyên nghiệp. Gỗ khai thác ở đầu nguồn hồ chứa nước Đá Bàn, không “xuôi” theo các trục đường dọc vì rất nguy hiểm, toàn bộ gỗ đều “đi cắt” giữa rừng xuyên qua xã Xuân Sơn, rồi mới đi xuyên sang Vạn Lương. Riêng chuyện kéo được khúc gỗ pơ mu về được đây phải mất hết 2 ngày. “Hàng” giao ở đây, giá “mềm” hơn chút đỉnh”.
 
Quay ngược ra Vạn Giã, tìm đến cửa hàng bán gỗ lớn nhất huyện Vạn Ninh, của chủ tên Phấn, nằm bên đường quốc lộ 1A, thấy tại đây bán công khai đủ các loại gỗ bất hợp pháp, đặc biệt gỗ pơ mu đã thành phẩm.  
 
Rời Vạn Giã đến hồ chứa nước Hoa Sơn, phía Bắc huyện Vạn Ninh, cũng thấy cảnh tượng các lâm tặc dùng xe đạp chở gỗ từ rừng xuôi về quốc lộ 1A rất đông. Người ta ngang nhiên đi giữa ban ngày. Lâm tặc tên Tuấn, xã Vạn Long tiết lộ: “Rừng của Khánh Hoà cơ bản đã bị tụi tui làm thịt hết rồi. Nay “lấn” sang rừng Phú Yên làm cho nhiều gỗ, chỉ có điều đi hơi xa”.
 
Hiện không ai tính ra được số lượng người tham gia phá rừng ở huyện Vạn Ninh là bao nhiêu. Những con đường nào nối từ rừng về quốc lộ 1A  cũng đều có lâm tặc “oanh kích” một cách rất chuyên nghiệp. Họ sử dụng cả cưa máy, trâu kéo, xe đạp… số quân “tham chiến” đông, có “ông chủ” đứng ra tổ chức thành hệ thống hẳn hoi. Còn quân bán chuyên nghiệp, mang tính “du kích” là người làm theo thời vụ, rảnh việc ruộng đồng lúc nào, thì họ vác cưa lên rừng khai thác gỗ, số này hầu như xã, thị trấn nào cũng có.


Đào tận gốc, bứng tận rễ

 
Hiện nay, một số cơ quan nhà nước tại huyện Vạn Ninh chuộng “mốt” bứng cây cổ thụ trên rừng về trồng trong khuôn viên cơ quan, kiểm lâm không dám “thổi còi”. Nhà dân, các quán cà phê vườn cũng “ăn theo” đi lùng cây rừng về trồng. “Mất mát gì đâu, mình bỏ chút vốn, rủ thêm vài người có sức khoẻ, có “mắt” nhìn thế cây cùng nhau vào rừng lựa cây “ngon” đào cả gốc, bứng cả rễ, mang về trồng ở vườn “chơi”, gặp mối lái bán lại “ăn” vài triệu đồng, chia nhau chút đỉnh” – ông T, xã Vạn Lương chỉ tay vào số cây rừng đang trồng nói. Kiểu “chơi” như ông T, quả là phá hoại, nhà ông ta chỉ cấp bốn, nhưng phía trước có cả chục cây rừng cổ thụ.


Theo ông T để đào được một cây rừng, phải thẳng tay phá hàng trăm cây nhỏ khác, để mở đường cho xe ô tô vào đến tận nơi chở cây, rồi đào núi để trục cả bộ rễ to cho hoành tráng, ra vẻ dân chơi thứ thiệt.


Xã Vạn Thắng, có nhóm Tí Khá, tiềm lực mạnh, huy động cả xe xúc, xe ủi, xe reo vào “mổ thịt” bằng được cây nào có thế đẹp, gốc tù… trồng trên một vạt đất rất rộng sát đường quốc lộ 1A, nhìn giống như một khu rừng nhỏ. Cây rừng ở đây được chuyển đi các nơi bán, số chuyển ra phía Bắc, nhóm khác gặp mối chuyển vào TP Nha Trang, TP Hồ Chí Minh… bán nguyên gốc. Tuỳ theo chủng loại để định giá, nhưng thấp nhất cũng không dưới 2 triệu đồng, cao thì nằm giá 15 – 20 triệu đồng/cây.
 
Cấu tạo địa hình tự nhiên ở đây, chiều ngang rất hẹp, núi đồi có độ dốc cao. Với tốc độ phá rừng đầu nguồn như vậy, mùa mưa nước lũ sẽ đổ mạnh, mùa khô các con sông, hồ chứa nước không có nguồn nước dự trữ. Không lẽ, là người dân trong vùng cứ phải “lãnh đạn” của nạn phá rừng vô tội vạ?