Bộ trưởng TN&MT: Chưa giao biển để Nhiệt điện Vĩnh Tân thực hiện nhận chìm

ThienNhien.Net – “Bộ TN-MT đang chờ kết quả quan trắc, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại khu vực biển được cấp phép nhận chìm của Viện Hải dương học để làm cơ sở thực tế, xem xét có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không?”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Kiểm chứng hồ sơ của chủ dự án

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện tại, Viện Hải dương học Nha Trang thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – cơ quan chuyên môn nghiên cứu về hải dương và vấn đề các hệ sinh thái hải dương đang khẩn trương triển khai việc quan trắc, thu thập thông tin, số liệu về hiện trạng môi trường nền tại khu vực biển được cấp phép để nhận chìm.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà

“Nhân dịp này, Bộ TN-MT sẽ kiểm chứng lại toàn bộ số liệu khảo sát, đánh giá của chủ đầu tư liên quan đến đa dạng sinh học và các vấn đề liên quan khác. Khi và chỉ khi có báo cáo kết quả của Viện Hải dương học, lúc đó Bộ mới có quyết định có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay, kết quả, đánh giá của Viện Hải dương học cho thấy, san hô, hệ sinh thái ở vùng biển nhận chìm là phong phú thì không ai cho phép tiến hành đổ thải ở khu vực đó.

“Lúc đó, Bộ sẽ yêu cầu dừng và phải xem xét lại toàn bộ những báo cáo của chủ dự án đưa ra.”.

Chưa bàn giao biển

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay, theo đề xuất của Bộ TN-MT, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức rà soát lại các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động nhận chìm.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện theo luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo về việc cấp phép nhận chìm ở biển.

Cụm nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.

“Việc nhận chìm ở biển trên thực tế cũng đã diễn ra ở nước ta như: nạo vét để tạo đường cho tàu biển ra vào khi xây dựng cảng Cái Lân, gần khu vực cầu Bãi Cháy, vật, chất từ hoạt động nạo vét được nhận chìm ở gần đảo Long Châu, Hải Phòng. Gần đây nhất là việc nạo vét cảng trung chuyển Lạch Huyện, Hải Phòng với tổng khối lượng vật, chất nhận chìm gần 40 triệu tấn. Ở Nhật Bản, họ đã làm đảm bảo an toàn. Tiếp thu những kinh nghiệm của Nhật Bản, trong quá trình thẩm định, cấp phép, Bộ đã dự liệu những vấn đề có thể xảy ra và yêu cầu chủ dự án có giải pháp khả thi.”.

Nhấn mạnh về giấy phép đang gây nhiều tranh cãi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích: “Bây giờ mọi người hiểu khi được cấp phép, doanh nghiệp có thể triển khai ngay các hoạt động nhận chìm là chưa đúng. Theo quy định của Luật biển Việt Nam, để tiến hành hoạt động nhận chìm ở biển sau khi được cấp Giấy phép, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải được Bộ TN&MT giao khu vực biển để nhận chìm. Trong giai đoạn này, Giấy phép nhận chìm ở biển đã cấp chỉ là căn cứ để Chủ đầu tư tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển, thực hiện công tác chuẩn bị cho nhận chìm; là căn cứ để cơ quan giám sát độc lập thực hiện các hoạt động khảo sát môi trường nền, kiểm tra lại các số liệu, mô hình trong báo cáo để cơ quan quản lý nhà nước xem xét, quyết định việc giao khu vực biển”.

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, đơn vị này đang kiểm tra thực địa tầng nền đang được xin ý kiến để Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải. Thời gian thực kiểm tra khoảng 2 tuần.