Hoang mang trên… “đồi chết”

Đã hơn 30 năm nay, những gia đình ở thôn Hương Vân (xã Lạc Vệ – Tiên Du – Bắc Ninh) phải ăn, uống, sinh hoạt, sản xuất trên khu đất đồi bị nhiễm thuốc trừ sâu nặng. Nỗi sợ hãi, ám ảnh vẫn hằn rõ trên khuôn mặt của người dân nơi đây.

Thôn Hương Vân nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, 160 hộ (600 khẩu) sống quần tụ dưới chân một khu đồi thấp. Nhìn những hàng cây xanh tốt trên đồi không ai nghĩ nó có tên gọi thật hãi hùng… “đồi chết”.

Bỏ giếng vì có mùi thuốc sâu

Trưởng thôn Nguyễn Đức Trường chỉ tay về phía những căn nhà mái ngói cũ kĩ, tường không trát vữa rồi trầm ngâm: “ở đây, số nhà mái bằng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ai cũng muốn mình có nhà đẹp nhưng quanh năm chỉ trông vào vài sào ruộng, không có nghề phụ thì lấy tiền đâu ra. Nói thôn có trên 50% số hộ thuộc diện nghèo chắc hẳn người ta tưởng là một nơi nào đó trên… miền núi xa xôi”.

Nhà anh Hoàng Văn Loát nằm chon von trên sườn đồi. Hì hục dọn móng căn nhà đang xây, miệng đeo khẩu trang, chân đi ủng, tay xỏ găng trông anh giống như lão nông đang chuẩn bị đi phun thuốc trừ sâu! Đứng cách căn nhà chừng 10m nhưng mùi thuốc sâu vẫn xộc thẳng vào mũi thật khó chịu. Anh Loát chỉ xuống nền gạch than thở: “Nếu mở cái nắp này ra thì ai đến nhà cũng phải bịt mũi. Mấy năm trước tôi phải đi vay ngân hàng 4 triệu đồng để khoan giếng. Nhưng khi khoan đến mạch nước thì mùi thuốc sâu nồng nặc quá nên đành bỏ dở”. Đầu năm 2006, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Bắc Ninh về khoan thăm dò tại một điểm trong thôn, lấy mẫu nước xét nghiệm và đưa ra kết luận: nước tại điểm khoan bị nhiễm thuốc trừ sâu.

Mỗi khi mưa xuống, mấy chục hộ dân sống quanh đồi vừa mừng vừa lo. Nơi đây nguồn nước ngầm hiếm nên nước mưa rất quý nhưng sau mỗi trận mưa như thế, gia cầm, thuỷ sản cứ tự nhiên lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Trâu, bò buộc ngoài trời, dầm nước mưa thì bị sùi móng, ốm yếu.

Những người cao tuổi biết rõ nhất về hiểm hoạ này. Bà Nguyễn Thị Duyên cho hay, những năm 1966 – 1973 đồi Hương Vân là nơi tập kết hàng ngàn thùng thuốc Vôphatốc, DDT, Bát Đăng. Những thùng phuy này để ngoài trời, dàn trải trên diện tích vài ngàn mét vuông. Do không được bảo vệ cẩn thận, theo thời gian nhiều thùng bị hoen gỉ, bục vỡ. Không ít người dân còn đổ thuốc sâu để lấy thùng về… đựng thóc! Một lượng lớn thuốc rơi vãi, phát tán khắp nơi.

Nối dài danh sách “làng ung thư”

Bây giờ thì 4 nhà nằm ở vị trí để các thùng phuy trước kia như ngồi trên đống lửa. Mặc dù biết nơi này bị ô nhiễm nhưng họ không biết chuyển đi đâu. Lượng thuốc sâu phát tán bừa bãi không chỉ ở thôn Hương Vân mà lan ra cả xã Lạc Vệ.

Ông Nguyễn Đức Quán, Trạm trưởng Trạm y tế xã lo ngại khi thấy số người trẻ tuổi trong thôn Hương Vân mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều. Trung bình mỗi năm có gần chục người mắc bệnh và tử vong mà chưa rõ nguyên nhân, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư của thôn cao nhất huyện Tiên Du. Còn các bệnh về đường hô hấp và tiêu hoá thì người Hương Vân chiếm 90% trong toàn xã. Sự hoang mang đang bao trùm lên cuộc sống vốn khốn khó của bà con.

Nhiều người trong thôn vẫn liều lĩnh sử dụng nguồn nước giếng khoan, bất chấp lời cảnh báo là nước bị ô nhiễm. Một số hộ phải đi xin nước cho từng bữa ăn. Hôm chuẩn bị đám hỏi cho con, ông Hoàng Thế Thịnh bố trí hẳn một “đội quân” gánh nước từ hàng xóm về. Còn anh Loát thì lắc đầu ngán ngẩm khi nghĩ đến những tháng mùa đông sắp tới. Chiếc bể nhà anh mới xây là để chứa nước đi xin và nước ở… ngòi.

Đầu năm 2007, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản về việc giải quyết nước sạch cho Hương Vân nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Du khuyến cáo: Trước mắt, nếu người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước ngầm thì phải khoan sâu vượt địa tầng ô nhiễm, sau đó dùng thiết bị hiện đại để lọc, tách bỏ hàm lượng thuốc sâu mới có thể dùng được. Tôi chợt nghĩ: đối với những gia đình nghèo, cuộc sống còn khó khăn thì lời khuyến cáo trên chẳng khác gì… “sấm ở trên trời”.