Cần đề phòng dịch bệnh sau lũ

ThienNhien.Net – 61 người chết, hàng chục nghìn người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, hàng trăm nghìn héc ta lúa và hoa màu bị mất trắng…đó là những ước tính sơ bộ về hậu quả của trận lũ quét sau cơn bão số 5 có tên Lekima. Tuy nhiên, đáng lo ngại là sau khi lũ rút, các địa phương sẽ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và khả năng bùng phát dịch bệnh.

Sau lũ, người dân thường gặp khó khăn về nguồn nước cho nhu cầu ăn uống và sinh hoạt tối thiểu. Hầu hết những nguồn nước mặt thông thường như giếng, bể chứa và sông, suối đều bị ô nhiễm nặng. Đây là nguyên nhân cơ bản gây các bệnh diện rộng hoặc bùng phát thành dịch như đau mắt đỏ, viêm da bội nhiễm, tiêu chảy, tả lỵ, sốt xuất huyết.

Mặc dù trong mùa bão năm nay, trên cả nước chưa có dịch bệnh lớn bùng phát do hậu quả của lũ để lại. Tuy nhiên, việc phòng tránh là cực kỳ cần thiết, không thể lơ là. Bài học cảnh báo đối với Việt Nam còn đó khi Băng-la-đét trong tháng 8 vừa qua, đã có khoảng 100.000 người bị nhập viện sau bão lũ, trong đó phân nửa số bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy. Tại Ấn Độ sau đợt lũ hồi tháng 9 cũng đã xảy ra tình trạng tương tự và làm chết ít nhất 250 người.

Theo chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng, ngành y tế tại các địa phương cần hướng dẫn và cùng nhân dân đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng dịch để bảo vệ sức khỏe, chủ động đề phòng bệnh tật, phục hồi nhanh chóng sinh hoạt bình thường. Khi lũ rút đến đâu cần dọn vệ sinh đồ đạc, nhà cửa, ngõ xóm đến đó, chôn xác súc vật chết hợp vệ sinh, khơi thông cống rãnh và các vũng nước đọng có thể trở thành ổ phát sinh muỗi, đi vệ sinh tập trung vào nơi quy định.

Trước khi sử dụng nước, cần xử lý nguồn nước giếng bằng phèn, Cloramin B (5g cloramin B/1m3) hoặc lọc nước qua hệ thống bể lọc bằng cát. Nước đã được khử trùng cần đun sôi trước khi uống. Trường hợp không có cloramin B, có thể sát khuẩn nước bằng vôi sống hoặc vôi tôi: 20 -25 g vôi tôi/1m3 nước, hoặc 10g vôi sống/1m3. Pha vôi vào một chậu nước, hòa tan đều rồi đổ xuống giếng, dùng sào khuấy đều, để yên trong 12 giờ. Sau đó tát cạn nước giếng, đợi nước mới dâng lên sẽ dùng.

Bên cạnh nguồn nước, thực phẩm sau bão lụt cũng dễ bị ô nhiễm, phát sinh các bệnh qua đường tiêu hóa. Để phòng tránh, mọi người cần thực hiện ăn chín, uống sôi; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không ăn rau sống.

Khi phát hiện có nhiều người bị sốt, tiêu chảy,… người dân cũng nên báo ngay cho cơ sở y tế để ngành y tế xác định và khoanh vùng thực hiện tiêu độc khử trùng, điều trị và hạn chế số người mắc bệnh, tránh để dịch bệnh lây lan.