Kon Tum: "Báo động đỏ" ô nhiễm thuốc độc

Từ năm 2000 đến năm 2003, Chi cục Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV&KDTV) tỉnh đã tiến hành kiểm tra các kho chứa thuốc bảo vệ thực vật của các hợp tác xã cũ, các đại lý bán thuốc của các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh…

Qua kiểm tra, phát hiện một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật đang lưu hành đã quá hạn sử dụng, hoặc thuốc không đúng trong danh mục cho phép lưu hành… Ông Trần Ngọc Luận – Trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục BV&KDTV – cho biết, khối lượng chai lọ, bao bì thuốc độc mà chúng tôi đã thu giữ được đưa vào kho ngay sau phòng làm việc của cơ quan chờ ngày xử ly (tổng cộng gần 500kg).

Song thời gian chờ đợi đã lâu, nhưng không thấy các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí. Bất đắc dĩ, chúng tôi đã đào một hố sâu khoảng 1m3, đổ bêtông và thành xây gạch. Sau đó, mua bao nylon bỏ toàn bộ chai lọ, bao bì thuốc độc buộc thật chặt vứt xuống hố, phủ đất và dùng bạt phủ lên trên.

Chúng tôi đến Chi cục BV&KDTV để được “mục sở thị” thì khu “xử lý thuốc độc” này nằm lọt trong khu dân cư. Và nguy cơ thấm thuốc độc xuống đất ảnh hưởng đến mạch nước ngầm là rất lớn. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Quang San-Chi cục trưởng Chi cục BV&KDTV tỉnh bức xúc nói: “Năm nào chúng tôi cũng có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở NNPTNT, Sở Tài chính đề nghị hỗ trợ kinh phí xử lý.

Song, chúng tôi chẳng nhận được bất kỳ một hồi âm nào. Được biết ngày 19/12/2006, Chi cục BV&KDTV đã dự toán kinh phí tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng là gần 30 triệu đồng để gửi đến các cơ quan chức năng.