Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh

Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Bảo vệ môi trường thành phố Hạ Long sử dụng tín dụng ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản. Đây là một tin vui cho người dân Quảng Ninh, nơi nhiều năm đã có thành tích “phổ cập” giáo dục môi trường ở tất cả các cấp từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, và đưa các nội dung giáo dục môi trường vào các hoạt động của Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên.

Quảng Ninh là vùng than, lại có Vịnh Hạ Long đang được quốc tế vận động bình chọn để công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới, nên việc bảo vệ môi trường được cả nước quan tâm theo dõi. Việc lồng ghép giáo dục môi trường vào các môn học của học sinh mà Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh tiến hành gần đây được sự chú ý đặc biệt của ngành giáo dục cả nước và nhân dân.
Trong các tiết học ngoại khóa, thầy cô giáo đã đưa học sinh tham gia vào nhiều hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương như tổ chức cho học sinh trồng cây phủ xanh các bãi than, phối hợp với Hội chữ thập đỏ Quảng Ninh trồng cây ngập mặn ven biển, tham gia bảo vệ động vật biển quý hiếm và làm sạch bờ biển Vịnh Hạ Long.
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban quản lý Vịnh Hạ Long xây dựng và biên soạn một bộ sách làm tài liệu giảng dạy cho giáo viên về Bảo tồn di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long, gồm 12 cuốn, cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung đều xoay quanh những vấn đề về môi trường Vịnh Hạ Long như cảnh đẹp, các động vật quý hiếm trong Vịnh, rừng ngập mặn, nước, chất thải và xử lý chất thải, bảo vệ đa dạng sinh học v.v.. Mặc dù là chương trình ngoài giờ, nhưng những tiết học lý thú này luôn được các em quan tâm tìm hiểu. Và không quá khi nói rằng ý thức bảo vệ môi trường của người dân thành phố Hạ Long ngày nay được nâng lên rõ rệt nhờ chính các em học sinh tham gia tuyên truyền, gương mẫu thực hành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu gương sáng trong việc xây dựng, bảo vệ môi trường. Người đặt vấn đề phải đấu tranh chống lại những tai họa của thiên nhiên bằng cách quan tâm đến việc trồng cây và bảo vệ rừng, cấm phá rừng. Người từng kêu gọi “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” và chính Người đã gương mẫu đi đầu trong phong trào ấy. Người xây dựng một phong tục tập quán mới cho dân tộc “Tết trồng cây”. “Tết trồng cây” đã trở thành một phong tục đẹp của người dân Việt Nam mỗi độ Tết đến xuân về. Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, đoạn nói về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “… Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Lời dạy của Bác đến nay vẫn còn giàu tính thời sự, khoa khọc kỹ thuật càng phát triển chúng ta càng nhận thấy rằng : con người sống không thể tách rời thiên nhiên, không thể thiếu trời mây, cây cỏ-những “tặng phẩm” vô giá mà thiên nhiên dành cho con người. Ngày nay khi tài nguyên rừng, tài nguyên biển bị xâm hại nghiêm trọng, ở Việt Nam cùng với nhiều nơi khác trên thế giới, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “rừng vàng biển bạc”, “chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”.
Vịnh Hạ Long là hòn ngọc quý của thế giới, là thắng cảnh thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam hai lần được công nhận là di sản thế giới. Việc giữ gìn bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long là trách nhiệm của mọi người trên thế giới, trong đó chính người Việt Nam ta phải đi đầu trong việc bảo vệ gìn giữ này. Tin rằng với tín hiệu tốt trong công tác giáo dục bảo vệ môi trường như học sinh Quảng Ninh hiện nay, chúng ta sẽ dần hạn chế, đẩy lùi được nạn ô nhiễm môi trường. Mỗi hành động bảo vệ môi trường của chúng ta hôm nay sẽ giúp gìn giữ non sông gấm vóc để thế hệ con cháu chúng ta được hưởng dụng “rừng vàng, biển bạc”.