Tản mạn ngày lễ Vu Lan

ThienNhien.Net – Đại lễ Vu Lan (rằm tháng 7) hàng năm còn được biết đến với cái tên ngày xá tội vong nhân, là phong tục lâu đời của người Việt. Đây là một nét văn hoá tâm linh đặc trưng, thể hiện lòng thành kính, sự quan tâm của người trần thế đối với những vong linh chưa được siêu thoát. Nét đẹp truyền thống ấy giờ không còn nguyên vẹn như xưa, phần nào đã “hao mòn” khi quan niệm sống của một bộ phận dân cư đã bị chi phối bởi lợi ích kinh tế hay họ chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa của dịp lễ này.

Hàng năm, từ ngày mồng 10 đến 15/07 âm lịch, không khí “náo nhiệt” của ngày lễ Vu Lan có mặt trên từng cây số, con đường và mọi miền quê. Dù bận bịu thế nào đi nữa, mọi người đều tranh thủ để cầu cúng cho người thân, cũng như các vong hồn chúng sinh. Từ ý nghĩa cao đẹp, từ lòng thành kính tâm linh thì giờ đây nhiều người đã biến lễ Vu Lan thành lễ “cầu được ước thấy”, điều đó thể hiện qua việc họ ra sức cúng lễ, đốt vàng hương, tiền đô, nhà lầu, xe hơi…với hy vọng “các cụ” sẽ phù hộ con cháu nhiều hơn nữa.

 
 Cơ sở kinh doanh vàng mã của gia đình anh Chí (tại Đông Hồ, Bắc Ninh): “Trần có gì thì âm có thứ đó, chẳng thiếu gì. Người dân cần thì chúng tôi phục vụ”, vừa sắp đồ lên xe tải chuẩn bị đi giao hàng, anh vừa trả lời chúng tôi. Gia đình anh là một cơ sở lớn tại làng Đông Hồ. Trước đây, họ làm tranh còn bây giờ đa phần đều làm vàng mã cả, có nhà cũng phất lên nhờ vàng mã.
 
Về Đông Hồ vào những ngày này, cảnh tấp nập ở các gia đình, cảnh buôn bán, giao hàng trên từng ngõ nhỏ của làng… bận như Tết.
 
Các em nhỏ cũng tranh thủ giúp bố mẹ vận chuyển hàng, “không chạy nhanh thì xe đi mất chị ơi”, cậu bé với “những toà nhà lầu” vừa chạy vội đến điểm giao hàng vừa trả lời tôi.
 
Mọi diện tích, không gian được tranh thủ tối đa trong những ngày này, cửa đền ở làng Đông Hồ cũng là một sân phơi lý tưởng?
 
Phố Hàng Mã (Hà Nội) – “thủ phủ” của vàng mã, vào chiều ngày 13/08 (âm lịch), lại tắc đường, cảnh mua bán diễn ra tấp nập, ai cũng tranh thủ, vội vã. Từ bao năm nay, con phố này vẫn thế, “nó” bận bịu cùng các dịp lễ tết.
 
 Những gánh hàng rong quen thuộc trên các con phố, và hàng mã cũng có hàng rong!
 
  “Việc mua bán nhờ những gánh hàng rong cũng trở nên thuận tiện hẳn” – lời một khách hàng.
 
Trong tiềm thức mỗi người, ai cũng cầu mong cho vong linh người thân được siêu thoát. Đốt vàng mã là tục lệ đã có từ lâu đời, đã trở thành phong tục của người Việt nhưng vấn đề “sợ đốt ít” vẫn còn hiện hữu trong rất nhiều người.
 
Ngày đại lễ Vu Lan cuối cùng (sau 3 ngày hành lễ) tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Phật tử các nơi về thỉnh kinh rất đông, họ được nghe giảng đạo và quán triệt tư tưởng “thành tâm” không nên đốt quá nhiều vàng mã, gây lãng phí.
 
Người mua hàng mã mải cầu cúng, người bán hàng mã mải kiếm tiền, họ không để ý đến xung quanh mình. Cống làng Đông Hồ nhuộm màu nước sơn vàng mã. Cống sẽ đổ thẳng ra sông và các kênh mương.
 
Đường làng, ngõ xóm ngập rác.
 
Ông Nguyễn Thanh Hải, người làng Cót (Yên Hoà, Cầu giấy): “Tôi hay lên chùa, thấy người dân đốt vàng mã bừa bãi làm mất mĩ quan cảnh chùa nên đã quyết định phúng xây dựng một nơi hoá đốt. Nhưng tôi thấy cũng lạ, có nhiều nhà đổt vàng mã đến bạc triệu, tiếc thật, tiền đấy làm được bao nhiêu việc, người nghèo vẫn đầy ra đó. Làm thế chắc gì người chết đã mừng!”



Một phật tử tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã nói rằng: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhưng nhiều gia đình lãng phí quá. Tôi thấy việc đốt nhiều như vậy có lợi gì đâu, trong kinh Phật cũng không dạy điều đó. Đúng là trong cuộc sống ai cũng mong cầu điều lành, hạnh phúc và no đủ nhưng mọi thứ phải đúng chừng mực. Có nhiều nơi tôi thấy họ hoá vàng mã chẳng có ý gì cả, mang ra giữa đường, khói nghi ngút, tàn nhang bay tứ tung. gây mất mĩ quan khu phố, người ngoài nhìn vào nghĩ sao?
 
Chúng tôi xin mượn lời cụ Ba (một trong những người làm vàng mã lâu đời tại làng Cót, Yên Hoà, Cầu Giấy) năm nay đã 83 tuổi thay cho lời kết của phóng sự này: “Các anh các chị bây giờ có nhiều tiền nên dễ dàng quá, cứ nghĩ “cung phụng” cho ông bà tổ tiên nhiều sẽ được phúc. Sao họ không nghĩ lúc chúng tôi còn sống thì hãy đối xử tốt với chúng tôi, chết đi rồi vàng mã nhiều nói lên điều gì?”.