Cây xanh trăm tuổi được trân quý như con người

ThienNhien.Net – Cây xanh không chỉ đơn thuần che bóng mát, góp phần bảo vệ môi trường, cây còn có những giá trị lớn lao đối với con người, nhất là giá trị tinh thần.

Chính vì điều đó nên tại nhiều địa phương ở ĐBSCL có những cây xanh được các thế hệ  nông dân tay lấm, chân bùn trân trọng, yêu quí, gìn giữ từ đời này sang đời khác không cho bất kỳ ai đến xâm phạm hay đối xử tệ bạc với cây.

Tại ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, có một cây gừa phát triển xanh tốt với rất nhiều chi, cành, đan xen nhau tạo thành giàn lớn với diện tích tán gần 3 ngàn m², chiều cao trung bình khoảng 12 mét nên người dân trong vùng quen gọi là Giàn Gừa.

Giàn gừa ở huyện Phong Điền, Thành phố Cần Thơ. (Ảnh: VOV.VN)
Giàn gừa ở huyện Phong Điền, Thành phố Cần Thơ. (Ảnh: VOV.VN)

Nhiều lão nông ở đây cho biết, vào giữa thế kỷ thứ 19, có một người đàn ông tên Nguyễn Văn Thành, mà mọi người gọi là Cả Thành từ miệt sông Tiền xuôi về vùng này đắp đập làm ruộng rẫy. Từ lúc đặt chân về đây khai khẩn đất hoang, ông Cả Thành đã trồng cây gừa này.

Tính đến nay cây gừa đã hơn 150 năm tuổi và dòng họ Nguyễn đã trải qua 6 thế hệ. Con cháu đầy đàn, có người ở lại, có người đi về xứ khác làm ăn nhưng dòng họ Nguyễn vẫn thay nhau giữ gìn, chăm sóc giàn gừa. Hằng năm cứ đến ngày 28 tháng 2 âm lịch, bà con dòng họ và người dân gần xa lại tụ họp về bên dưới giàn gừa dâng hương, làm lễ cúng tại miếu Bà Thượng Động Cố Hỷ – vị nữ thần được nhiều người tôn kính để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt và tưởng nhớ cha, ông những người đã có công khai hoang, lập nghiệp ở vùng đất này.

Ông Nguyễn Văn Liên- cháu ông Cả Thành cho biết: “Giàn Gừa này gìn giữ chung trong kiến họ, hàng năm 28/2 thì con cháu tụ tập về đây cũng như ngày đại lễ, vừa cúng bà, vừa thăm hỏi để nhìn lại dòng họ bởi ngày một tha phương đi xa, có dịp này mới tụ tập lại, dòng họ khắng khít hơn. Nhìn cây gừa thì nhớ ông cố”.

Cạnh chùa Ông Bổn, thuộc ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu có một cây xoài đại thụ hơn 300 năm tuổi nên người dân quen gọi là cây xoài 300 năm. Cây hiện có chiều cao 15 mét, đường kính gần 2 mét, gốc to khoảng 5-6 người ôm, có 20 cành, cành dài nhất 20m, tán tỏa bóng mát rộng đến 300 m2. Đây là loại cây xoài cổ thụ độc nhất Khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các vị cao niên kể, vào cuối thế kỷ XVII, nhiều lưu dân người Hoa thời nhà Minh không phục nhà Thanh đã di cư đến các vùng ven biển Tây Nam bộ để tìm nơi cư trú; họ chọn những vùng đất cao ráo, thuận lợi giao thương để định cư, lập nghiệp lâu dài. Trong số những gia đình di cư ấy, có dòng họ của ông Lý Kỳ Kia đã chọn giồng đất hữu ngạn cao ráo ven cửa sông Mỹ Thanh, nay là ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông để định cư. Khi gia đình đến đây khai phá, dựng nhà để ở thì đã thấy cây xoài lớn hơn một người ôm. Đây là vùng ven biển nước mặn quanh năm, nhưng ở dưới gốc cây Xoài lại có mạch nước ngọt ngầm giúp cho cây xoài xanh tốt quanh năm. Hiện nay, cây xoài 300 năm là địa chỉ hấp dẫn thu hút biết bao du khách.

Cây xoài 300 năm ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: VOV.VN)
Cây xoài 300 năm ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: VOV.VN)

Ông Trần Văn Mạnh -Thư ký Ban trị sự chùa ông Bổn cạnh cây xoài 300 năm cho biết: “Chúng tôi ở đây có Ban trị sự lãnh đạo, rồi có bảo vệ hàng ngày chăm sóc không có ai dám đề nghị xin mua, hay chọc phá xâm phạm cây xoài này, từ đó đến nay cây vẫn xanh tốt bình thường. Hàng năm vào ngày 28/7 âm lịch dân chúng địa phương lấy đồ vật về đây cúng để tưởng nhớ ông bà cha mẹ đã về đây khẩn hoang lập nghiệp”.

Riêng tại ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có cây lộc vừng khoảng 300 năm tuổi. Cây lộc vừng cổ thụ này có chiều cao hơn 20m, chu vi gốc hơn 6m. Theo các lão nông, từ nhỏ đã trông thấy cây lộc vừng sừng sững, to lớn hiện diện ở đây. Con rạch phía trước gần cây lộc vừng sinh sống dài khoảng 3km cũng được đặt tên là Rạch Cây Vừng. Cứ vào mùa xuân cây lại trút hết lá già, khoe những lá non xanh mơn mởn cùng hàng ngàn chùm hoa đỏ thắm làm rực cả một vùng quê.

Lão nông Cao Văn Đáng – 86 tuổi sinh sống gần cây lộc vừng kể: “Ông cố tôi nói lại ông nội tôi là hồi đó có 4 người lại đây khai hoang rồi mới dòm không biết cảnh vật tên gì, rồi ra dòm thấy cây lộc vừng bự quá thôi 4 thầy trò mình đặt rạch cây vừng. Từ đó về sau con cháu noi gương theo lập cái miếu thờ bên dưới tới mùa 16/3 cúng. Từ đó đến giờ dân ở đây tin tưởng, làm ăn gì cũng lợi cây lộc vừng này vái”.

Trân trọng, yêu quí nên cây lộc vừng cổ thụ được người dân nơi đây thay nhau chăm sóc, bảo vệ từ bao đời nay. Và hiển nhiên, cây lộc vừng không chỉ đơn thuần là cái cây vô tri, vô giác thuộc quyền sở hữu của riêng người chủ đất mà từ lâu đã trở thành cái cây tinh thần chung của mọi người dân ở vùng đất này. Chính quyền địa phương đã từng chứng kiến sự phản kháng dữ dội của người dân khi bắt gặp những kẻ có ý đồ xâm phạm đến cây lộc vừng này.

Ông Phan Minh Trí- Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, huyện Phụng Hiệp, nhớ lại: “Mấy năm trước đây thì cũng có một số dân thương gia xài cây hoa kiểng có đến kênh Cây Vừng để ngã giá mua cây lộc vừng nhưng mà đông đảo bà con nhân dân phản đối. Bà con có làm đơn ra UBND xã gặp chúng tôi không cho bán cây lộc vừng này ra khỏi địa bàn xã Long Thạnh. Ủy ban xã cũng có tiếp nhận cái đơn , cũng có vô khảo sát, xác minh thực tế và đặc biệt động viên chủ đất không nên bán để gìn giữ cây vừng này bởi vì cây vừng này có từ mấy đời ông cha ta để lại. Cuối cùng thì chủ đất cũng đồng ý là không bán để lại tới bây giờ”.

Cây lộc vừng ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: VOV.VN)
Cây lộc vừng ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: VOV.VN)

Có thể khẳng định, cây xanh đã gắn bó với đời sống con người, chứng kiến những thăng trầm, buồn vui của bao đời người, vùng đất. Bởi vậy, nhiều người quan niệm cây không phải là một thực thể vô tri vô giác mà có linh hồn, bởi đời cây không chỉ ghi bao dấu ấn giá trị về lịch sử, văn hóa, mà còn ẩn chứa hình bóng tổ tiên. Chính vì vậy nhiều nơi người ta thờ cúng cây; những lúc vui buồn đều đến tâm sự, khấn vái dưới cây; mỗi khi cây rũ lá ra đi thì người ta thổn thức đau đớn như thể người thân lìa đời. Cái ý thức, cái quan niệm đó đã được nhiều người dân ở vùng ĐBSCL truyền dạy cho con cháu mình từ đời này sang đời khác để gìn giữ cho cây xanh sừng sững giữa đất trời mặc cho vùng đất đó có những đổi thay, để những cây này giờ đây trở thành Cây Di sản Việt Nam. Chính ý thức ấy đã khiến cho nhiều địa phương ở nơi đây khi xây dựng một công trình, hay dự án gì chạm đến cây xanh đều đắn đo, trăn trở. Nhiều nơi phải xin ý kiến người dân trong việc đốn hạ cây nếu dân không đồng tình thì phải tìm cách chỉnh sửa công trình để né cây như ở Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh hay quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ.

Xin mượn lời tâm sự của nhà  văn Nguyễn Ngọc Tuyết  ở Thành phố Cần Thơ như một đúc kết về giá trị của cây xanh để kết thúc phóng sự này:  “Cây xanh có nhiều giá trị tốt đẹp đối với cuộc sống chúng ta. Cây xanh không những bảo vệ môi trường, tỏa bóng mát, cây xanh trong cuộc sống chúng ta nó còn là cái nơi lưu giữ ký ức, nơi lưu giữ kỷ niệm cho con người. thí dụ với tôi, tôi đã lớn lên trong trưởng Phan Thanh Giản trước đây, bây giờ là trường Châu Văn Liêm, tôi có may mắn học trong trường đó, rồi trở về dạy lại trong trường đó, thì ở góc trường có một cây bồ đề già mà chúng tôi rất yêu thương bởi vì nó đã chứng kiến cả một thời tuổi thanh xuân đẹp nhất của chúng tôi, mà bây giờ nó vẫn còn nằm ở đó tiếp tục lưu giữ những kỷ niệm đẹp tươi sáng của rất nhiều thế hệ học trò. Nói như vậy có nghĩa là nếu chúng ta không biết cách đối xử một cách trân trọng với cây xanh, nếu chúng ta tàn nhẫn với nó, nếu chúng ta chặt phá nó một cách vô tội vạ thì nó không chỉ làm hại đến môi trường sống chúng ta, mà còn tổn thương đến tâm hồn chúng ta”.