Sông Hồng trước nguy cơ “đổi màu”

Sông Hồng – cái tên đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân thủ đô Hà Nội và nó cũng phản ánh một nét đặc trưng của dòng sông này: sông màu phù sa. Thế nhưng, theo thời gian, sông Hồng giờ đang đứng trước nguy cơ phải “đổi tên”, bởi dòng nước “nặng đỏ phù sa” đang dần bị thay thế bằng màu đen của nước thải và rác sinh hoạt từ các hộ dân sinh sống hai bên bờ…

Từ sông Tô Lịch tới sông Hồng
Giữa hai dòng sông này có mối liên hệ nào không? Nhiều người nói chúng không có mối liên hệ gì, có chăng chỉ là cùng “vắt” qua vùng đất Hà thành này. Đúng là sông Hồng với sông Tô Lịch không có gì liên quan lại càng khác xa nhau về hiện trạng nhưng mấy ai biết rằng: Sông Hồng đang từng bước tiến theo “vết xe đổ” của dòng sông Tô Lịch thuở nào.
Sông Tô Lịch hiện thời thế nào thì ai cũng rõ cả, không cần nói mọi người cũng hiểu. Sông Tô Lịch chỉ còn “sống” bằng cái tên còn “chất” thì từ lâu đã là nơi để người dân Hà Nội chứa rác thải sinh hoạt và chất thải từ các xí nghiệp, nhà máy. Và trong một thời gian không xa nữa, rất có thể sông Tô Lịch sẽ có thêm một “người bạn” đồng cảnh ngộ. Đi qua sông Hồng thời gian này, người ta ít cảm nhận được sự “xuống cấp” của dòng nước bởi đang là mùa nước lên nên mọi thứ rác rưởi đều được quy cho từ đầu nguồn đưa về. Tuy nhiên, chỉ cần dạo quanh hai bên bờ sông Hồng người ta đã có thể thấy tình trạng xả rác bừa bãi diễn ra nghiêm trọng đến mức nào.
Đằng sau chợ Long Biên là một khu nhà ở tồi tàn, rách rưới của những gia đình ngụ cư. Điều đáng nói là tại những khu nhà ở này không hề có đường ống thoát nước hay xử lý nước thải nào (thực tế tại Hà Nội chỉ có khoảng 5% nước thải được xử lý đảm bảo trước khi đổ ra các sông, mương…) mà người dân trực tiếp đưa nước và rác thải ra đường cống đổ thẳng ra sông Hồng. Hàng tấn nước, rác thải sinh hoạt của người dân vẫn ngày đêm được “gửi” vào dòng sông.
Không chỉ vậy, tại khu vực bãi giữa sông Hồng giờ đây đã hình thành một “xóm nhà lá” với các nhà dân xung quanh khu vực sông và những gia đình thuộc làng chài nhập cư. Họ ăn ở, sống tại rìa các bờ bãi và tất nhiên thải trực tiếp mọi thứ xuống sông. Khi nào cảm thấy chỗ ở đã quá ô nhiễm, những thuyền chài này lại chuyển sang chỗ khác và cứ thế góp phần đẩy sông Hồng vào tình cảnh “sống dở chết dở”.
Vào mùa khô, cả khu vực sông ở mé trong (gần bờ, do bãi giữa đã chia đôi sông Hồng thành hai dòng) đã gần như “đổi màu” thành dòng mương đen hơn là một dòng sông. Khi mùa nước lên, người ta vẫn thấy rõ những dòng nước đen được tuồn thẳng ra sông cùng những “núi rác” trôi bồng bềnh hai bên bờ.
Trong dự án quy hoạch của thành phố, tương lai Hà Nội sẽ phát triển và mở rộng hơn nữa về hai phía bờ sông Hồng. Khi ấy, sông Hồng sẽ nằm gọn trong lòng một đô thị cực kỳ phát triển và cũng lắm nguy cơ hơn về tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong khi hàng trăm nhà máy, khu công nghiệp tại Hà Nội vẫn chưa có các biện pháp xử lý chất thải một cách hữu hiệu thì với tốc độ phát triển và gia tăng các nhà máy một cách nhanh chóng hiện nay, không hiểu sông Hồng sẽ chịu đựng được đến lúc nào?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Một cụ già tại khu nhà gần bờ sông cho biết: “Nước sông lên to cũng thấy sợ nhưng cũng còn đỡ vì không khí cảm thấy mát mẻ trong lành. Chứ tầm tháng 3, tháng 4, trời vừa nắng, sông thì cạn, mùi rác rưởi, nước sinh hoạt thải ra sông theo gió đưa vào chịu không nổi. Ngay cả bây giờ chú ra bờ sông vẫn thấy đầy rác rưởi, những chỗ ống cống đổ ra sông thì khỏi nói. Sông Hồng rồi cũng sẽ chung số phận như các sông, hồ trong nội thành thôi”.
Bác cũng cho biết, nhiều gia đình ở đây, thậm chí ở xa cũng mang rác ra sông vứt vì nó tiện và cho rằng chẳng hại đến ai. Nhiều gia đình dọc theo đê Gia Thượng cũng với suy nghĩ vẫn ngày ngày xả thẳng rác ra ngoài sông Hồng, sông Đuống. Ngoài ra, nguy cơ lớn nhất thuộc về các công ty đang khai thác khoáng sản dọc hai bên bờ sông với mức độ xả rác đang ở mức báo động. Trong khi đó, các nhà làm môi trường dường như vẫn đang án binh bất động. Không hiểu mức độ ô nhiễm của sông Hồng chưa đủ đến mức báo động hay chưa ai biết mà đến nay vẫn chưa có biện pháp nào để chấm dứt tình trạng xả rác ra sông.
 
Nếu mọi chuyện vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay, thì trong một tương lai không xa, dòng sông Nhị Hà đẹp như tranh vẽ thuở nào sẽ chỉ còn tồn tại trong những câu chuyện cổ, trong sách vở hay những bức tranh vẽ… Đến lúc đó, có muốn hối hận thì chắc cũng đã muộn quá rồi…