Cứu hộ "mèo gấu"

Một cá thể cầy mực (<i>Arctictis binturong</i>, còn được gọi là mèo gấu) hiện đang được cứu hộ sau hơn mười năm bị nuôi nhốt trái phép. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ (SCP), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định.

 
Cá  thể cầy mực này đã bị nuôi nhốt ngay từ nhỏ trong chuồng có diện tích nhỏ khoảng hai mét vuông để làm vật cảnh. Đây là một chuồng có diện tích quá nhỏ cho cầy mực, trong khi đó cá thể trưởng thành có thể đạt chiều dài là ba mét và có trọng lượng là 20 kilôgam. 
 
Anh Trần Quang Phương, cán bộ quản lý SCP cho biết: “Cầy mực đang phải đối mặt nghiêm trọng với nạn săn bắt quá mức, buôn bán bất hợp pháp và phá huỷ môi trường sống. Chúng được liệt kê là loài sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, nhưng quần thể của chúng dường như vẫn đang bị suy giảm một cách nhanh chóng. Trong giai đoạn 2000 – 2004, các nhà khoa học cho biết chỉ bắt gặp cầy mực 8 lần trong tự nhiên, 18 lần ở giai đoạn từ 1995-1999”  
 
Anh Nguyễn Văn Thái cho biết: “Trong quá trình được cứu hộ, động vật có dấu hiệu căng thẳng do bị giam giữ trong chuồng nhỏ và có vấn đề về sức khoẻ do chế độ dinh dưỡng kém. Hiện tại, dưới sự chăm sóc của các chuyên gia SCP, cầy mực được bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng đặc biệt và có biểu hiện tiến triển rất tốt”. 
 
Mặc dù vẫn còn chậm chạp nhưng cá thể này đang dần hồi phục, có thể trèo lên những cành cây, đi lại trên lá khô và đằm mình trong bể bơi ở trong chuồng mới. 
 
SCP trực thuộc Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn Động thực vật hoang dã quý hiếm Cúc Phương đã và đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thú ăn thịt nhỏ ở Việt Nam được hơn 10 năm. Trong những năm qua, họ đã và đang tiến hành cứu hộ một số loài thú ăn thịt nhỏ nhưng đây là lần đầu tiên họ được chăm sóc một cá thể cầy mực.
 
Việc cầy mực cứu hộ đầu tiên là một dấu hiệu tốt về việc thi hành pháp luật của lực lượng kiểm lâm và chứng minh thành quả của sự phối kết hợp giữa các cơ quan.
 
Anh Nguyễn Văn Thái còn cho biết “Chủ khách sạn, người nuôi nhốt trái phép cầy mực không được hiểu biết về pháp luật bảo vệ động vật hoang dã hoặc không biết rằng đây là động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Điều rõ ràng ở đây là cần tiếp tục nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về pháp luật và những loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam”.