Loài vật ăn thịt nhỏ nhất thế giới đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng

Một số loài chồn, bao gồm một loài được biết đến là loài động vật ăn thịt nhỏ nhất thế giới, đang suy giảm mạnh trên khắp khu vực Bắc Mỹ và có nguy cơ tuyệt chủng.

Triết bụng trắng (triết nâu). Ảnh: AFP

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos One, triết bụng trắng (Mustela nivalis), chồn đuôi dài (M. frenata) và chồn hôi (M.erminea) là những loài chồn phân bố trên hầu hết Bắc Mỹ, tuy nhiên, trong thời gian gần đây rất khó để nhìn thấy chúng trong những phạm vi từng là nơi sinh sống của chúng.

Triết bụng trắng (triết nâu) là loài nhỏ nhất trong họ chồn và cũng là loài nhỏ nhất trong bộ ăn thịt. Loài chồn này chỉ dài khoảng 12-25cm và thường ăn thịt thỏ, cá, ếch, chim, trứng chim.

Năm 2008, triết bụng trắng được liệt kê trong danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế là loài “ít được quan tâm nhất” trong số các loài bị đe dọa. Nhưng nghiên cứu mới đã cho thấy rằng loài này đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Hình ảnh hiếm hoi về một con chồn đuôi dài được Khảo sát Chồn North Carolina (NCSU) chụp lại vào năm 2019.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang North Carolina, Mỹ, đã phân tích dữ liệu Khảo sát Máy ảnh Đường mòn Quốc gia và nhận thấy không có máy ảnh nào ở miền Nam ghi hình được bất kỳ một con chồn nào. Chỉ có các máy ảnh đặt ở vĩ độ 40 độ phía Bắc mới ghi được. Thông tin từ dữ liệu bẫy cũng cho thấy một sự sụt giảm đáng kể của loài chồn.

Nhóm nghiên cứu cho biết, sự suy giảm này có thể là do biến đổi khí hậu, động vật ăn thịt, thuốc trừ sâu và thuốc diệt chuột. Cũng có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

Đồng tác giả nghiên cứu Roland Kays từ Bảo tàng Khoa học Tự nhiên North Carolina cho hay, đôi khi chồn được coi là một loài gây hại nhưng chúng cũng là một phần quan trọng của hệ sinh thái. Vì vậy Kays cùng nhóm của ông sẽ theo dõi chặt chẽ và thực hiện các cuộc khảo sát chất lượng hơn về loài chồn.