Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố môi trường

Phát triển bền vững là phải đảm bảo cả phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường (BVMT). Để đạt được sự phát triển bền vững, thành phố Đà Nẵng đang quyết tâm trở thành thành phố môi trường.

Ông Nguyễn Đình Anh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng – trao đổi thêm với phóng viên về một số vấn đề xung quanh quyết tâm trở thành thành phố môi trường của Đà Nẵng.
* Sự phát triển KT-XH của thành phố Đà Nẵng đã tác động như thế nào đến môi trường?
– Ông Nguyễn Đình Anh: Sự phát triển bao hàm trong nó cả 3 yếu tố là kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, thành phố Đà Nẵng cần phải xem xét, chọn lựa mức quan tâm hợp lý đến cả 3 yếu tố trong quá trình phát triển, đặc biệt là ngay từ khâu lập quy hoạch và kế hoạch phát triển.
Nói như vậy cũng có nghĩa là nếu chúng tôi chưa quan tâm một cách hợp lý đến yếu tố môi trường thì chúng tôi sẽ phải đương đầu với những vấn đề về ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên khó giải quyết. Đó chính là những điều mà chúng tôi cần phải nhận biết và phải tìm cách hạn chế mức độ tác hại của chúng trong những năm tới.
Có thể kể ra đây một số tác động chính do thực hiện các dự án phát triển đến TN & MT. Ví dụ, các khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch và phát triển quá nhanh chóng đã dẫn đến tình trạng phát triển “nóng” dẫn đến việc quản lý môi trường tại các KCN đã không theo kịp với tốc độ phát triển. Một vài năm qua, có nhiều KCN được hình thành nhưng lại chưa có nhà máy xử lý nước thải công nghiệp nào được đưa vào hoạt động, chưa hình thành các tổ chức BVMT trong các KCN. Điều này đã gây ra các tác động trực tiếp tới chất lượng môi trường sống, làm suy thoái nguồn nước mặt, nước ngầm và ảnh hưởng tới các hệ sinh thái. Do đó, chúng tôi buộc phải quan tâm, xem xét lại việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải cho các KCN.
Việc phát triển đô thị ở Đà Nẵng trong những năm qua cũng đã diễn ra hết sức nhanh chóng. Điều này gây ra tình trạng ô nhiễm bụi, ngập úng khi mưa, ô nhiễm chất thải do thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản (các công trình điện, cấp – thoát nước và xử lý chất thải đô thị).
Ngoài ra, tùy thuộc vào quy mô, tính chất của mỗi dự án phát triển mà các tác động môi trường thể hiện rất khác nhau. Nó có thể gây ra tác động trực tiếp hay gián tiếp; tác động tạm thời hay lâu dài; tác động trên diện hẹp hay diện rộng lên tài nguyên, môi trường, sức khỏe. Qua đó, nó gây ra các thiệt hại về kinh tế.
Hiểu biết về các tác động môi trường là một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện phát triển một cách bền vững. Chúng tôi tin tưởng là sẽ nắm bắt, khắc phục được các tác động môi trường này trong thời gian tới.
* Những thách thức trong việc thực hiện Đề án thành phố môi trường?
Ông Nguyễn Đình Anh: Để đánh giá được sự thành công của Đề án thành phố môi trường, chúng tôi sẽ phải đưa ra những chỉ tiêu phát triển mới và phải xem xét nâng cao mức chỉ tiêu đã có. Ví dụ, chỉ tiêu cây xanh trên đầu người cần phải đạt mức từ 1m2/người trong vài năm tới; hoặc cần phải bổ sung chỉ tiêu về tỷ lệ chất thải được thu gom và xử lý đạt ở mức từ 80% đối với chất thải công nghiệp và 90% đối với chất thải đô thị.
Các chắn thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn lớn như thiếu nguồn tài chính, thiếu sự phối hợp đồng bộ, thiếu cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm, thiếu cơ chế,… khi thực hiện đề án này. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc làm như thế nào để đạt được các tiêu chí trên trong điều kiện hiện có của chúng tôi mới thực sự là một thách thức lớn. Nhân tố then chốt để đảm bảo thực hiện được tiêu chí này là phải có sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo thành phố và sự thông suốt trong tổ chức thực hiện ở tất cả các ngành, các cấp.
Thách thức lớn thứ hai là vấn đề quy hoạch dài hạn và cái nhìn xa về tương lai của thành phố Trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều quy hoạch ngắn hạn về phát triển KT – XH, phát triển đô thị, phát triển ngành và đã đạt được nhiều thành quả ngắn hạn. Để theo kịp các thành phố trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, rõ ràng, chúng tôi còn thiếu quy hoạch dài hạn cho thời gian 20 – 30 năm hay dài hơn nữa; thiếu một viễn cảnh về Đà Nẵng tương lai và thiếu khung chiến lược phát triển để thực hiện quy hoạch và tầm nhìn dài hạn đó.
Thách thức lớn thứ ba là việc huy động được sự tham gia, góp sức, góp vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố khi đã có quy hoạch dài hạn và viễn cảnh. Sự tham gia của các nhân tố này sẽ làm tăng nhanh chóng năng lực thực hiện các quy hoạch phát triển của thành phố
Ngoài ra, còn có những thách thức khác như tổ chức thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển của thành phố; thách thức đối với các nhà quản lý trong việc khai thông hành lang pháp lý cho việc đầu tư phát triển; thách thức đối với cả cộng đồng trong việc đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện các nội dung của Đề án thành phố môi trường.
Tuy nhiên, từ sự quyết tâm của Lãnh đạo thành phố, sự phối kết hợp giữa các ngành, sự hưởng ứng của cộng đồng, nhất định Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố môi trường, thành phố phát triển bền vững.