Giữ cho hành tinh xanh: Cách duy nhất để con người tồn tại

Ngày 06/04, Tiểu ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu LHQ (IPCC) công bố báo cáo 1.400 trang về “sinh mạng” hành tinh xanh. Một lần nữa, ý thức xanh lại được nhấn mạnh là cách duy nhất cần tiến hành để con người có thể tồn tại.

Các nước nghèo sẽ gánh chịu nặng nhất

Vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng phức tạp bởi không chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế mà cả “an ninh quốc gia”. Việc Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích Mỹ và Australia thờ ơ với Nghị định thư Kyoto bởi sự “ích kỷ” vì lợi ích quốc gia là một thí dụ. Tháng 03/2007, cả 27 thành viên EU đã đồng ý trước năm 2020 sẽ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (HƯNK) ít nhất 20% so với mức năm 1990. Trong khi đó, mức khí thải ở Mỹ hiện lại cao hơn mức năm 1990 đến 16%.

Các nước nghèo phải gánh chịu tác động của HƯNK nghiêm trọng hơn các nước giàu. Mỹ, nơi nông nghiệp chỉ chiếm 4% nền kinh tế, sẽ chống chọi tốt hơn trước tình trạng khí hậu trở chứng so với Malawi, nơi 90% dân số sống ở nông thôn và 40% thu nhập từ nông nghiệp (theo IHT ngày 02/04). Khi nước biển dâng cao bởi tình trạng băng tan, các lưu vực sông tại Đông Nam Á và Bắc Phi là những nơi phải đối mặt với nguy cơ lũ tràn nặng nhất.

 châu Phi
 Trái đất nóng dần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với nước nghèo

Báo cáo IPCC cho biết: 1,1 đến 3,2 tỷ người sẽ bị thiếu nước và hàng triệu người sẽ phải đối mặt với nạn đói cũng như nhiều thảm họa thiên nhiên. Băng trên đỉnh Himalaya đang tan cực nhanh, khiến diện tích vùng băng tuyết có thể thu hẹp từ 500.000km2 xuống còn 100.000km2 trước năm 2030.

Henry Miller thuộc Viện nghiên cứu Hoover (Đại học Stanford) cho rằng: “Tương tự vụ đắm tàu Titanic, chẳng hề có khái niệm dân chủ trong thảm họa. Một tỷ lệ cao hơn nhiều đối với hành khách vé rẻ nằm dưới hầm tàu sẽ bị thiệt mạng trước tiên. Chúng ta sẽ chứng kiến hiện tượng tương tự với tình trạng trái đất nóng dần”.

Xanh hay là chết!

Hiện tượng trái đất “hầm hập sốt” cũng làm thay đổi sinh quyển và hệ sinh thái, khiến 20%-30% loài động thực vật bị đe dọa tuyệt chủng nếu nhiệt độ tăng thêm từ 1,5OC đến 2,5OC. Trong khi đó, báo cáo IPCC cảnh báo rằng nhiệt độ có thể tăng từ 1,8OC đến 4OC vào cuối thế kỷ này.

Tại rừng nhiệt đới Puerto Rico, nhà sinh học Rafael Joglar từng phát hiện sự bất thường lần đầu tiên trong 5 năm không nghe tiếng ếch kêu. Nhiều ghi nhận tương tự đối với loài ếch cũng được báo cáo khắp thế giới, đặc biệt tại Trung và Nam Mỹ. Cuối cùng, người ta tìm ra được thủ phạm: sự thay đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng khiến nhiều vùng trở nên khô hạn và ếch hết đường sống. Vắng ếch, hệ sinh thái sẽ đối mặt nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng số lượng chim và nhiều động vật sống bằng thịt ếch, xóa sổ nhiều loại côn trùng và cuối cùng phá vỡ hệ sinh thái ở mức độ khó có thể hình dung.

Sự thay đổi nhiệt độ 2OC còn đem lại nhiều chuyện “khóc dở mếu dở” khác. Bọ chét đang lan tràn tại các quốc gia Scandinavia, sinh sôi nảy nở ở động vật nuôi và đe dọa cả con người với nhiều mầm bệnh truyền nhiễm. Bọ chét lại tung hoành ở vùng lạnh như Scandinavia có thể là một hậu quả khó lường của HƯNK, theo giáo sư Thomas Jaenson (Đại học Uppsala)… Nhóm nghiên cứu gấu Bắc cực quốc tế cho biết, số lượng gấu tại vịnh Hudson (Canada) đã giảm 20% kể từ thập niên 1980. Bi kịch tương tự cũng xảy ra với cá tuyết. Nhiệt độ khu vực Biển Bắc tăng 1OC trong hơn 100 năm qua đã làm thay đổi dòng chảy, cuốn đi nhiều nguồn thức ăn khiến cá tuyết chết đói.

Đó chỉ là vài ghi nhận từ báo cáo IPCC. Tất cả chẳng phải là chuyện “trên trời dưới đất” nữa mà đều đang trực tiếp ảnh hưởng đến con người từng ngày, từng giờ.