Đám mây màu nâu đang đe dọa môi trường châu Á

Một đám mây bụi mà giới khoa học gọi là "mây nâu châu Á" đang làm tan nhanh các sông băng ở dãy núi Himalaya , đe dọa bất ổn môi trường cho nhiều nước châu Á. Tạp chí uy tín Nature, ngày 02/08 đã đăng tải nghiên cứu này.

Đám mây bụi bao trùm châu Á đang làm tan nhanh các sông băng ở dãy núi Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn), gây ra những hậu quả không thể lường trước cho Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác có những con sông bắt nguồn từ dãy núi này.
Đó là lời cảnh báo của các nhà khoa học trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ở Anh, ngày 02/08/2007.
Mây nâu làm nhiệt độ tăng trong 50 năm qua
Các chuyên gia cho biết những đám khói bụi khổng lồ – được gọi là “mây nâu châu Á” (Asian brown cloud) – chính là tác nhân quan trọng tương đương với khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ ở khu vực Himalaya tăng lên trong suốt nửa thế kỷ qua.
Việc băng tan nhanh trong số 46.000 sông băng trên cao nguyên Tibetan, sông băng lớn nhất thứ ba trên hành tinh, đã và đang gây ra ngập lụt ở hạ nguồn nhiều con sông ở châu Á vào cuối mùa hè. Nhưng mối lo ngại về lâu dài chính là sự đe dọa của hạn hán vì các sông băng ngày càng thu nhỏ lại.
Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Veerabhadran Ramanathan, giáo sư khoa học khí quyển của Viện Hải dương học Scripps ở California, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật sáng tạo để khảo sát “Mây nâu châu Á”.
Làn khói bụi đang bao trùm Nam Á, Đông Nam Á và phía Bắc Ấn Độ Dương, phát sinh từ khí thải phát ra từ các động cơ xe cộ, xí nghiệp công nghiệp, nhà máy điện, rừng hoặc ngay ở các cánh đồng, nới mà người dân đốt cỏ đề lấy đất cho sản xuất nông nghiệp, và cả từ gỗ và phân thú vật bị đốt để khai thác nhiên liệu.
Các loại khí thải có chứa carbon từ lâu đã được biết là nguyên nhân quan trọng gây hiệu ứng nhà kính, làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên, trong khi vai trò của ô nhiễm bụi, chẳng hạn như những đám mây nâu, thì vẫn chưa được biết rõ.
Những khối mây phân tử bụi, được ví như những chiếc “bình phun” (aerosol), có tác dụng làm nguội mặt đất hoặc biển ở bên dưới, bởi vì chúng đã ngăn cản ánh sáng Mặt Trời – một quá trình được gọi là “sự mờ tối toàn cầu” (global dimming).
Nhưng ảnh hưởng của chúng đối với không khí thì chưa được nghiên cứu đến nơi đến chốn. Một số “bình phun” hấp thụ ánh sáng Mặt Trời và do đó làm ấm cục bộ bầu khí quyển, trong khi những “bình phun” khác lại phản chiếu và khuếch tán ánh sáng đó.
Thu thập dữ liệu bằng máy bay không người lái
Nhóm của ông Ramanathan đã sử dụng 3 máy bay không người lái – loại mà quân đội và cảnh sát thường dùng cho việc quan sát – có lắp 15 thiết bị để giám sát nhiệt độ, mây, độ ẩm và mây bụi.
Cất cánh từ đảo Hanimaadhoo của đảo quốc Maldives, những máy bay này đã thực hiện 18 phi vụ trong tháng 3 năm 2006 trong những khu vực đầy khói bụi trên bầu trời Ấn Độ Dương. Các máy bay đã bay xuyên qua các khối mây nâu ở các độ cao 500 mét, 1.500 mét và 3.000 mét.
Các dữ liệu thu thập được cho thấy những phân tử bụi trong mây nâu đã hấp thụ ánh nắng Mặt Trời và làm sức nóng trong bầu khí quyển xung quanh nó tăng gần 50%.
Sau đó, nhóm nghiên cứu phân tích, so sánh dữ liệu từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính và từ những đám mây nâu đó trên máy vi tính chuyên dùng cho việc giám sát sự thay đổi khí hậu. Kết quả mô phỏng cho thấy rằng kể từ năm 1950, bầu khí quyển Nam Á đã nóng lên khoảng 0,25 độ C (0,5 độ F) mỗi thập kỷ, ở cao độ từ 2.000 mét đến 5.000 mét tính từ mực nước biển – trùng với độ cao của hàng ngàn sông băng trên dãy Himalaya.
Trao đổi với phóng viên AFP qua điện thoại từ trạm quan sát băng dãy Himalaya, ông Ramanathan cho biết 50% của tình trạng nhiệt độ tăng xuất phát từ những đám mây nâu.
Ông nói: “Thật là đáng lo, nhưng tôi cũng xem xét đến mặt tích cực của vấn đề, đó là việc chúng tôi đã tìm ra lời giải cho bài toán hóc búa về nhiệt độ tăng”.
Khoảng 60% mây bụi ở Nam Á xuất phát từ việc nấu nướng bằng dầu sinh học và đốt cháy khí biomass. Tình trạng này có thể được khắc phục bằng cách giúp nông dân nghèo sử dụng các bình khí đốt (ga) hoặc lò nấu bằng năng lượng Mặt Trời.
Các dữ liệu của ông Ramanathan đã được chính thức công nhận qua các số liệu đo đạc trên mặt đất tại Hanimadhoo và trong không trung bởi vệ tinh CALIPSO của NASA chuyên dùng để giám sát Trái Đất.
Tương lai ảm đạm: Himalaya sẽ không còn băng tuyết
Nghiên cứu mới này đã dẫn đến một lời thỉnh cầu được gửi đến ông Achim Steiner, Giám đốc Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), và ông Achim đã thúc giục cộng đồng quốc tế “phải hành động mạnh hơn bao giờ hết” để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu.
Ông Steiner của UNEP nói rằng chính sự lệ thuộc phổ biến vào nhiên liệu có chứa carbon là nguyên nhân tạo ra mối liên quan giữa Mây nâu châu Á và khí thải gây hiệu ứng nhà kính.  

Ông nói: “Những phát hiện mới này sẽ thúc đẩy cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là tại cuộc hội nghị kết tiếp về thay đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Indonesia vào tháng 12 năm nay”.
“Để có thể hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chúng ta phải giải quyết 2 thử thách song hành, đó là sự thay đổi khí hậu và những đám mây nâu, và nếu làm được việc đó, chúng ta sẽ thu được những lợi ích rộng lớn hơn, từ việc giảm ô nhiễm không khí đến việc cải thiện năng suất nông nghiệp”.
Các sông băng ở Himalaya cung cấp nguồn nước cho 9 con sông lớn nhất ở châu Á – nguồn sống quan trọng của 1,3 tỉ người ở hạ nguồn của những con sông này.
Tháng 6 vừa qua, tại một hội nghị của các nhà nghiên cứu sông băng tại Kathmandu, Nepal, nhiếu báo cáo cho thấy với xu hướng hiện nay thì các sông băng sẽ biến mất trong vòng 50 năm nữa.
Ông Surendra Shrestha, giám đốc Trung tâm Tài nguyên khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNEP, phát biểu: “Nếu nhiệt độ cứ tiếp tục tăng như hiện nay thì tuyết và băng sẽ không còn hiện diện ở Himalaya trong vòng 50 năm nữa”.