Hành động đẩy lùi hiểm họa hạt nhân

Cách đây 62 năm, ngày 06/08/1945, cả thế giới bàng hoàng khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống TP Hiroshima (Nhật Bản). Chỉ ba ngày sau, TP Nagasaki cũng phải gánh chịu một thảm họa tương tự. Ước tính, đến cuối năm 1945, những vụ ném bom này đã làm khoảng 140 nghìn người chết. Năm 2006, thêm 5.350 người được đưa vào danh sách nạn nhân, nâng tổng số người chết liên quan thảm hoạ này lên đến 247.787 người. Hiểm hoạ hạt nhân không chỉ gây ra những cái chết thương tâm cho con người mà nó còn gây ô nhiễm phá huỷ môi trường và hệ sinh thái, để lại những hậu quả khó lường.

Việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào những ngày cuối cùng của chiến tranh thế giới lần thứ hai trên thực tế đã đẩy thế giới vào cuộc chạy đua hạt nhân khốc liệt. Danh sách các quốc gia có khả năng hạt nhân  được mở rộng. Ngày nay, tuy chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhiều hiệp định về việc cấm thử bom hạt nhân, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, hạn chế sản xuất, tàng trữ vũ khí hạt nhân, xây dựng các khu vực không có vũ khí hạt nhân… được nhiều nước trên thế giới ký kết thì có một thực tế là nguy cơ hạt nhân vẫn không hề giảm sút, vẫn đang tồn tại một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ cùng với các chiến lược hạt nhân đầy tham vọng.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, hiện nay có các nhóm nước sau có khả năng hạt nhân:
Các cường quốc hạt nhân, cũng là năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, gồm: Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc. Nhóm năm quốc gia này được gọi là “Câu lạc bộ hạt nhân”. Có thể coi “Câu lạc bộ hạt nhân” là lực lượng hạt nhân chi phối toàn cầu và có ý nghĩa quyết định về an ninh hạt nhân trong thế giới hạt nhân.
Các quốc gia hạt nhân non trẻ, gồm những nước có tiềm năng đáng kể về kinh tế và kỹ thuật, đã tự chế tạo thành công vũ khí hạt nhân. Tiêu biểu trong nhóm này là Ấn Ðộ và Pakistan. Tuy nhiên, do tiềm năng còn hạn chế, nhóm này có tác động chủ yếu trong phạm vi khu vực.
Các quốc gia bên ngưỡng cửa hạt nhân là những nước đã đầu tư nghiên cứu và đang từng bước làm chủ vũ khí hạt nhân. Trong số các quốc gia này đáng kể là Iran và CHDCND Triều Tiên.
Một số quốc gia hạt nhân không lộ diện là các nước có tiềm năng hạt nhân, song vì nhiều lý do nên chưa công khai vũ khí hạt nhân của mình. Tiêu biểu cho nhóm này là Israel
Cho đến nay, kho vũ khí hạt nhân của thế giới được đánh giá là đa dạng trên cả hai phương diện: bom, đạn và phương tiện. Số bom, đạn hạt nhân chủ yếu thuộc loại chiến lược là các loại bom H, bom 3F, bom 3R, bom N, với các công suất khác nhau. Ước tính, trên thế giới hiện đang tàng trữ hơn 22 nghìn bom, đạn hạt nhân, đủ phá hủy nhiều lần toàn bộ bề mặt trái đất. Về phương tiện, ngày nay, các cường quốc hạt nhân ngay từ lãnh thổ của mình có thể phóng tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ điểm nào trên trái đất, đủ sức thiêu hủy hàng chục thành phố lớn của một quốc gia trong thời gian chớp nhoáng.
Một chuyên gia của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế  Stokholm (SIPRI) cảnh báo rằng: “Ðáng lo là ở chỗ các nước bắt đầu nhận thấy những loại vũ khí này có thể sử dụng được, trong khi dưới thời chiến tranh lạnh, họ xem chúng chỉ là vũ khí để ngăn chặn”. Báo cáo của SIPRI ước tính rằng đến đầu năm 2007 các cường quốc hạt nhân đã có 11.530 đầu đạn sẵn sàng phục vụ cho các tên lửa và máy bay.
Theo SIPRI, năm 2006, Mỹ vẫn là nước chi cho quốc phòng nhiều nhất thế giới với chi phí khoảng 529 tỷ USD cho lực lượng quân sự của mình. Sau Mỹ là Anh và Pháp. Trung Quốc vươn lên vị trí thứ tư thế giới với gần 50 tỷ USD. Nhật Bản xếp ở vị trí thứ năm với 43,7 tỷ USD. Nga chi 34,7 tỷ USD cho quốc phòng.
Tất cả các quốc gia hạt nhân đều cam kết không sử dụng trước đòn đánh hạt nhân, song đều dành cho mình quyền giáng trả hạt nhân cho lực lượng tiến công xâm lược. Theo các thỏa thuận song phương, cả Nga và Mỹ  đều đang cắt giảm kho vũ khí của mình, nhưng lại đang phát triển vũ khí mới để hiện đại hóa lực lượng quân đội.
Vấn đề đang nổi lên hiện nay là mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ chung quanh kế hoạch triển khai hệ thống phòng chống tên lửa NMD của Mỹ ở châu Âu.Trong khi Mỹ ra sức khẳng định kế hoạch triển khai NMD là “nhằm đối phó với nguy cơ tiến công bằng tên lửa từ Iran”, giới quân sự Nga đã chứng minh rằng nguy cơ này hoàn toàn không có cơ sở, và cho rằng kế hoạch của Mỹ đe dọa an ninh quốc gia Nga, phá vỡ hệ thống an ninh chiến lược hiện hành và tạo thêm những đường phân chia mới trên lục địa châu Âu. Tổng thống Nga V.Pu-tin khẳng định rằng các đơn vị tên lửa và căn cứ mới của Mỹ ở châu Âu sẽ phá vỡ thế cân bằng lực lượng ở châu lục này. Những cuộc thảo luận giữa NATO và Nga về NMD cũng như về Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) gần đây vẫn không giải tỏa được bất đồng, đe dọa sự hồi sinh của bóng ma chiến tranh lạnh.
Có thể nói, thế giới đang đứng trước hiểm họa hạt nhân to lớn và đầy tiềm ẩn. Giải trừ vũ khí hạt nhân luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, bao gồm nhiều nội dung khác nhau. Cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Hiệp ước về một khu vực Ðông-Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), đã thông qua Kế hoạch hành động toàn diện về SEANFWZ nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực chống vũ khí hạt nhân và mở rộng cơ hội cho các nước thành viên ASEAN tham gia những nỗ lực quốc tế chống lại loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Các nước ASEAN cũng đề nghị năm cường quốc hạt nhân tham gia hiệp ước SEANFWZ.
Kiên trì cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện, xây dựng các khu vực không có vũ khí hạt nhân, giảm triệt để số vũ khí hạt nhân hiện có và duy trì thế cân bằng chiến lược hiện tại… là những vấn đề then chốt để thế giới trở nên an toàn hơn, để những thảm họa như Hiroshima và Nagasaki không bao giờ tái diễn.