Rừng ngập mặn: hệ sinh thái bị đánh giá thấp

ThienNhien.Net – Từ trước tới nay, tại Châu Phi, rừng ngập mặn luôn bị coi là những “vùng đất hoang cằn cỗi” hay “vùng đầm lầy vô giá trị” bởi những chính sách phát triển kinh tế địa phương hay các nhà đầu tư. Nhưng họ đâu biết rừng ngập mặn thực chất là một trong những tài nguyên hấp dẫn nhất của các nước tại châu lục này.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn
Cây cối mọc ở ven bờ giữa các con sông úng lụt, những đợt sóng thủy triều tràn về mang theo dòng nước mặn, những vùng đất khô hình thành nên vùng đất canh tác mới và các vùng ven rừng thì có vô số các loài cá, các loài chim, rừng cây và nhiều tài nguyên khác cư trú. Cuối cùng, giá trị của rừng ngập mặn cũng bắt đầu được khám phá.
Rừng ngập mặn có nét đặc trưng của sinh cảnh rừng tại các cửa sông nhiệt đới và vùng thủy triều. Rừng ngập mặn tạo nên một cơ chế thích nghi lạ thường để phù hợp với điều kiện môi trường: cho dòng nước mặn từ biển chảy vào và cho dòng nước ngọt từ ven sông thoát ra. Đây chính là khu vực có khả năng sinh sôi và phát triển nhanh chóng nhưng ở nhiều nơi rừng ngập mặn vẫn là một tài nguyên chưa được phát triển hết. Chúng xuất hiện phổ biển dọc theo bờ biển Tây Phi từ Senegal tới Congo và ở vùng Đông Phi.
Rừng ngập mặn được tìm thấy ở bờ đại dương nhiệt đới nơi mà úng lụt thường xuyên xảy ra.  Chiều cao của cây rừng ngập mặn vô cùng đa dạng từ những cây bụi cho đến những cây cao tới 40 mét. Tuy nhiên, xét về mặt đa dạng thực vật, nếu đem so sánh với những khu rừng nội địa ở vùng nhiệt đới, hệ thực vật của rừng ngập mặn bị đánh giá là vô cùng nghèo nàn. Chỉ một vài loài chi phối toàn bộ những vùng rừng rộng lớn. Điều này là do rất ít loài thực vật có thể chịu đựng được môi trường khắc nghiệt và thực sự mọc sum sê ở đây- bùn bị bão hòa với muối và thường xuyên bị nước sông và nước đại dương bao phủ.
Muối mặn khiến các loài thực vật sống ở vùng đất canh tác không thể tồn tại nhưng rừng ngập mặn có khả năng lọc bỏ loại muối này. Đa số các loài thực vật sẽ chết nếu rễ của chúng bị ngập trong nước do không nhận đủ oxy để thở và trong đầm bùn của rừng đầm lầy ngập mặn, lá thối rữa thường tiêu thụ hết lượng oxy sẵn có. Tuy nhiên, cây rừng ngập mặn đã phát triển một loại rễ đặc biệt mọc thẳng đứng- trồi lên khỏi đầm bùn và đón nhận không khí- để lấy oxy.
Rễ của cây rừng ngập mặn giống như một cái chĩa, mọc lên từ phần dưới của thân cây và được cây rừng sử dụng như nguồn hỗ trợ bổ sung. Những rễ chống đỡ hay rễ phụ ký sinh không chỉ bẫy các mảnh vụn cung cấp chất nuôi dưỡng cho cây mà còn góp phần quan trọng duy trì sự vững chắc của dải đất ven bờ. Sống ở ven bờ- giữa sông, đất và đại dương- rừng ngập mặn cũng chủ động tạo cho mình một môi trường sống riêng phù hợp với các loài sinh vật bằng việc không ngừng bồi đắp đất giàu phù sa và tạo ra một vùng ven đất canh tác mới.
 Động vật hoang dã
Rừng ngập mặn là một sinh cảnh có khả năng sinh sôi và phát triển nhanh chóng và có hệ động vật hoang dã đặc hữu, đa dạng và phong phú. Rừng cây ngập mặn và đầm lầy mặn cung cấp thức ăn cho động vật hoang dã và trở thành nơi cư trú cho các loài cá, động vật có vỏ, động vật thân mềm, chim săn bắn và động vật biển đang bị đe dọa. Phần lớn trong số các loài sinh vật này là đặc hữu với rừng ngập mặn, nghĩa là chúng không thể sinh sống ở bất kỳ nơi nào khác. Đa số các loài đặc hữu này là những loại cua lớn khác nhau.
 Tuy nhiên, có những loài chỉ sống ở rừng ngập mặn vào một thời điểm nhất định. Vào mùa di trú, vịt, ngỗng và nhiều loài chim rừng khác dừng chân ở những khu đầm lầy ven biển- chủ yếu là ở rừng ngập mặn. Cá bơn và cá lam sử dụng các đầm lầy như những vườn ươm, nơi trú ngụ mùa đông và đôi khi như những bãi nuôi. Rừng ngập mặn còn cung cấp vườn ươm và bãi nuôi cho đời sống nước ngọt và biển- đặc biệt là tôm.
Lợn biển là một ví dụ điển hình cho loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở rừng ngập mặn Châu Phi. Lợn biển Tây Phi (hay còn được gọi là bò biển,  tên khoa học là Trichechus senegalensis) sống ở sông, vịnh, cửa sông và khu vực ven biển.
Mặc dù là loài động vật biển nhưng lợn biển không có mối quan hệ với cá voi, hải mã hay cá heo. Ngạc nhiên thay, họ hàng thân thiết nhất của chúng lại là voi. Lợn biển di chuyển tự do giữa môi trường sống nước ngọt và nước mặn. Đây là loài di chuyển chậm chạp và ăn thảm thực vật biển. Một con lợn biển trưởng thành có kích thước từ 2.5 đến 4.5 mét và có trọng lượng gần 700 kg.
Lợn biển trưởng thành không có kẻ thù trong tự nhiên nhưng ở một vài khu vực chúng bị săn bắt ráo riết để lấy thịt, da và dầu. Khi thuyền chuyên chở trở nên quá nặng, những con lợn biển chậm chạp thường bị chân vịt tàu gây thương tích hoặc giết chết. Luật bảo vệ loài lợn biển này đã được thông qua do tầm quan trọng của chúng trong việc giữ cho luồn lạch sạch thảm thực vật biển. Lợn biển Tây Phi phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường sống rừng ngập mặn nhưng kiến thức về loài động vật quý hiếm này vẫn còn rất ít ỏi do chúng vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Bên cạnh lợn biển, loài sinh vật đặc trưng nhất của rừng ngập mặn là chim biển. Rừng ngập mặn là nơi trú ẩn lý tưởng cho các loài chim, đa số các loài chim này là chim di trú. Rừng cây ngập mặn khép kín cung cấp tổ an toàn và nơi sinh sống cho loài chim cao cẳng, nhạn biển và chích bắt ruồi.
Theo danh sách công bố của FAO, tổng số loài chim sống ở rừng ngập mặn là từ 150 đến 250 loài. Trên toàn thế giới, 65 loài đã bị liệt vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng hay dễ bị làm hại như loài sến sữa (tên khoa học là Mycteria cinerea) sống ở các con sông trong rừng ngập mặn.
Vì vậy, khu bảo tồn trong rừng ngập mặn đã trở thành thiên đường cho những người có sở thích đi ngắm chim và khách du lịch có thể quan sát bồ nông, chim hồng hạc, cò và nhiều loài chim khác. Do đó, trong rừng ngập mặn ở tỉnh Casamance phía Nam Senegal, những đoàn người đi ngắm chim đã trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Và chính quyền  Guinea-Bissau, Sierra LeoneGabon hi vọng sẽ lặp lại thành công câu chuyện của Senegal.