Khi cát là… cơm

ThienNhien.Net – Cuối tuần qua, khi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, một số địa phương vùng ĐBSCL đề xuất giải pháp khắc phục việc thiếu nguồn cát xây dựng: nên chủ động khai thác cát mà không cần ý kiến dân.

Bởi theo quy định hiện hành (Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường) thì muốn tận thu khoáng sản, phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), muốn nạo vét thông luồng phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư.

Lãnh đạo địa phương cũng có lý riêng, bởi theo họ, nếu lấy ý kiến thì gần như 100% người dân đều không đồng ý cho khai thác cát vì sợ sạt lở. Trong khi nguồn cát dưới sông không thiếu, ngưng khai thác chờ dân đồng ý thì khan hiếm, khiến cát tăng giá ào ào, lên 200 – 300% như tháng vừa qua.

Khai thác cát trên sông Hậu

Đáp lại, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ lưu ý, các tỉnh phải cương quyết chống nạn khai thác cát bừa bãi gây ảnh hưởng đến dòng sông, bờ sông, thiệt hại tài sản của người dân…

Đúng là phải cương quyết chống nạn khai thác cát bừa bãi, mà thực tế thời gian qua khi giao các địa phương chủ động cấp phép khai thác, không ai quản lý nổi! Khi sạt lở, thì đổ do thiên tai, biến đổi dòng chảy,.. trong khi khai thác cát bừa bãi cũng tác động.

Chính vì bức xúc, mà người dân ở An Giang tự thuê ghe, ngăn các sà lan khai thác cát. Nhưng không dễ. Như ở Vĩnh Long, mới đây 2 người dân phải nhập viện vì bị các nhân viên trên sà lan hành hung dã man, khi bị ngăn cản.

Dày đặc các sà lan khai thác cát trên sông

“Cát là… cơm”, 1 phóng viên bí mật theo dõi hoạt động khai thác cát trên sông Tiền, đã nói vậy, để giải thích lý do các sà lan sẵn sàng cho người hành hung, làm khó… nếu bị cản trở. Không phải họ bức xúc vì cát đang khan hiếm, mà vì đồng lời khổng lồ của họ bị ngăn cản.

Tại các mỏ cát trên sông, các ghe “vệ tinh” chỉ mua với giá trên dưới 40.000 đồng/m3, chở về bán cho các cơ sở vật liệu xây dựng khoảng 90.000 đồng/m3. Còn người dân mua lại, phải chấp nhận với giá ít nhất 170.000 đồng/m3 đối với cát san lấp – loại rẻ nhất.

Còn các đơn vị được cấp phép khai thác cát, họ chỉ phải nộp cho ngân sách – như ở Vĩnh Long khoảng 600 đồng/m3. Lời kinh khủng! Phải nói thêm, Vĩnh Long có 28 mỏ đã cấp phép, sản lượng khai thác đến 3,6 triệu m3/năm. Đồng lời cỡ nào?

Khai thác cát lợi nhuận thậm chí còn hơn khai thác gỗ, phá rừng. Bởi “đăng ký” với địa phương số lượng khai thác là vậy, nhưng thực tế ai kiểm tra?

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP.Cần Thơ, nơi đây vừa qua tạm giữ hàng chục sà lan vận chuyển hơn 10.000 m3 cát nhưng chủ phương tiện chưa xuất được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc cát.

Nhiều chủ phương tiện xuất hoá đơn nhưng không đủ khối lượng vận chuyển thực tế. “Sà lan chở 500 m3 cát, nhưng chỉ xuất được hoá đơn 200m3”, 1 cán bộ cảnh sát đường thuỷ cho hay.

Nhiều chủ sà lan cho biết, việc xin hoá đơn từ các mỏ cát khai thác trên sông Tiền và sông Hậu thật không dễ dàng gì. Hoặc chủ sà lan mua 500 m3, nhưng đại diện chủ mỏ chỉ đưa hóa đơn từ 150 m3 đến 200 m3. Đó chính là kẽ hở, khi cơ quan chức năng chỉ kiểm tra sản lượng khai thác qua sổ sách, hóa đơn.

Và dĩ nhiên, để kiếm những số tiền lợi nhuận khổng lồ từ việc khai thác cát, những tay đầu nậu có cả những thế lực ngầm đằng sau lưng. Bởi vậy, như hồi đầu năm, khi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh không cho triển khai dự án nạo vét trên sông Đuống, Nguyễn Trọng Phương (SN 1980, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) còn dám nhắn tin khủng bố cả Chủ tịch tỉnh.

Các chuyên gia cũng đã cảnh báo, khi Lào, Thái Lan, Trung Quốc… đã và đang triển khai nhiều dự án xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong, thì lượng cát chảy về sông Tiền và sông Hậu sắp tới thậm chí không còn mà bổ sung.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, lúc đó, sạt lở tại ĐBSCL là hết sức ghê gớm do thiếu hụt bùn cát. Và nguồn bổ sung không có, mà chúng ta vẫn vô tư khai thác, không khác gì dùng súng bắn vào chân mình.

Tất nhiên, không thể đóng cửa tất cả các mỏ cát khi nhu cầu phục vụ xây dựng rất lớn, cũng như không thể lờ đi ý kiến người dân. Nếu khảo sát, phân tích và quản lý tốt việc khai thác các mỏ, công khai, rõ ràng, thì chính quyền sợ gì người dân phản đối? Trừ khi, làm… bậy.

Cát cần phải khai thác hợp lý. Sau khi nghiên cứu kỹ trữ lượng và tác động, phải áp dụng cơ chế đấu thầu khai thác, giúp tăng nguồn thu ngân sách và nâng cao hiệu quả sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển. Về lâu dài, như Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, Bộ Xây dựng phải chủ trì nghiên cứu ngay vật liệu thay thế cát xây dựng, cát san nền.

Tài nguyên không thể khai thác mãi, cái gì cũng phải cạn kiệt, nhất là khi lợi nhuận quá lớn mà chính quyền – vì lý do nào đó, không kiểm soát nổi.