Sargasso – “Sa mạc của đại dương”

ThienNhien.Net – Biển Sargasso là một khu vực trải dài ở ngoài khơi biển Bắc Đại Tây Dương, được bao bọc bởi những dòng hải lưu: ở phía tây là Gulf Stream – dòng nước ấm từ vịnh Mêxicô qua Đại Tây Dương đến châu Âu, ở phía bắc là dòng Bắc Đại Tây Dương, ở phía Đông là dòng Canary và phía nam là dòng xích đạo bắc Đại Tây Dương.

Biển Sargasso rộng 1.100 km và dài 3.200 km. Nó trải dài 70 độ – 40 độ kinh tây và từ 25 độ – 35 vĩ độ bắc, là một nơi ấm áp hơn, nồng độ muối cao hơn, xanh hơn và trong hơn bất kỳ nơi nào khác thuộc Đại Tây Dương.

Sargasso nổi tiếng vì thiếu sự sống, nó vốn được gọi là “sa mạc của đại dương”. Sargasso chỉ có một vài dấu hiệu của sự sống, chỉ có một vài loài tảo thuộc họ Sargassum (tảo đuôi ngựa) nổi trên bề mặt. Ngày nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra dòng xoáy mang nguồn dinh dưỡng tạo ra sự sinh sôi của loài tảo ở khu vực cằn cỗi giữa lòng đại dương này.

Sự phát triển với số lượng lớn của loại tảo này ở giữa biển Sargasso được coi là một điều bí ẩn. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã cho thấy oxy và một số thành phần khác được tiêu thụ với tốc độ nhanh hơn lý thuyết.

Một cuộc nghiên cứu của các nhà hải dương học ở Massachusetts đã cho thấy chính hệ thống dòng xoáy đã đưa dinh dưỡng từ đáy lên bề mặt đại dương. Sự kết hợp giữa ánh sáng và dinh dưỡng cho phép loài tảo này phát triển.

“Những dòng xoáy là kiểu thời tiết bên trong của đại dương, nó giống như những cơn bão trên đất liền vậy” – McGillicuddy, nhà khoa học, tác giả của nghiên cứu này, cho biết.