Dân chủ trong bảo tồn biển

Đúng Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay, buổi lễ công bố Quyết định thành lập Khu bảo tồn biển (KBTB) Phú Quốc sẽ được tiến hành tại vùng biển tuyệt vời này. Đông đảo thanh niên học sinh, người dân sẽ tham gia làm sạch vùng bờ như một thông điệp rằng từ nay họ sẽ chăm lo cho vùng biển quê hương.

Ý dân

Trong những ngày 29-30/5, đại diện dân thuộc KBTB được các chuyên gia tư vấn dự án Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh khu bảo tồn biển (LMPA) hướng dẫn đóng góp ý kiến cho Quy chế phân vùng bảo tồn, một việc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Thật bất ngờ, tại cả 3 địa điểm lấy ý kiến, hoàn toàn không có ý kiến phản đối, nhưng sự đồng ý chia làm nhiều cấp độ.

Tại An Thới, 60% số dân hoàn toàn đồng ý; 40 % đồng ý có điều kiện. Tỷ lệ này bị đảo ngược tại xã Hàm Ninh: hơn 30% đồng ý hoàn toàn, phần còn lại đồng ý có điều kiện. Trong khi đó 100% đại diện cho khoảng 3000 dân sống trên đảo Hòn Thơm thẳng thắn bày tỏ “cần chỉnh sửa để phù hợp với sinh kế của dân”. Chẳng hạn nếu cấm nuôi trồng thủy sản trong vùng phục hồi sinh thái sẽ ảnh hưởng đến 30% dân, còn nếu cấm đánh bắt thì khoảng 70% dân sẽ bị khó khăn. Anh Mười, ấp Bảy Trước nói “ Nghề câu, nghề mực, lưới ghẹ hiện nay là thu nhập chính, xảy ra chủ yếu tại Hòn Kim Quy và Hòn Khô thuộc vùng phục hồi sinh thái. Nghề cào nên cấm, nhưng các nghề chính của người dân cần phải được xem xét”.

Đây không phải lần đầu tiên LMPA thu thập ý kiến của dân đối với việc bảo tổn biển. Trong những cuộc trao đổi dân chủ này, người dân không chỉ chăm lo tới lợi ích của mình, mà còn thừa nhận việc đánh bắt bằng chất nổ, câu kiều, và khách du lịch đang làm gãy san hô tại Hòn Thơm là khu vực có rạn san hô tốt nhất Phú Quốc. Họ đưa ra sáng kiến việc cấm các hoạt động trong vùng phục hồi sinh thái cần chia theo mùa, theo tháng, vừa có thể bảo vệ được biển, vừa tạo nguồn thu nhập cho dân; hoặc cho phép duy trì nghề bắt ghẹ bằng lưới, bắt bạch tuộc bằng vỏ ốc và lưới nổi tại vùng phục hồi sinh thái. Kiến nghị “đính chính” tên các hòn đảo bằng tên địa phương hoặc đính kèm tên địa phương để người dân dễ hiểu…

Mở rộng mạng lưới

Trong hệ thống 15 KBTB được xác nhận trên phạm vi cả nước, sau KBTB Nha Trang và Cù Lao Chàm, Phú Quốc là KBTB thứ 3 được công nhận. Nhưng tháng 6 tới đây, Quy trình phê duyệt Đề án thành lập KBTB do LMPA thực hiện mới đưa ra thảo luận tại Hội nghị tư vấn.

Trong xu thế mở rộng mạng lưới bảo tồn biển, Bạch Long Vỹ được xếp vào tốp đầu. Hàng loạt công việc liên quan đến việc thiết lập KBTB đã tiến hành trong sự hợp tác tích cực giữa các chuyên gia dự án và Sở ban ngành liên quan tại Hải Phòng. Sắp tới, một cuộc hội thảo cấp tỉnh sẽ được tiến hành để lấy ý kiến hoàn thiện đề án với hy vọng quý 3/2007, nước ta sẽ có KBTB thứ 4. Nằm trong xêri này còn có Cồn Cỏ (Quảng Trị). Việc thành lập KBTB Cồn Cỏ không chỉ là công cụ bảo tồn tài nguyên biển, mà còn đóng vai trò hỗ trợ cho phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.

Vườn Quốc gia Côn Đảo là một trong 4 khu bảo tồn của nước ta có thành phần là biển, đã hai lần được đề nghị đưa vào danh sách KBTB. 13 hoạt động thí điểm đã được thử nghiệm tại Côn Đảo cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh.

Những nỗ lực “từ dưới lên” và “từ trên xuống” của LMPA trong năm 2007 đang khơi dậy ý thức trách nhiệm của từ người dân đến cấp thẩm quyền đối các KBTB nói riêng và biển nói chung, để phát triển kinh tế biển.