Điều chỉnh ranh giới, diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau

Tại Quyết định số 2606/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt thành lập Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau với tổng diện tích là 12.500 ha. Diện tích KBTB Hòn Cau đã được các nhà khoa học tính toán chi tiết để đảm bảo được các mục tiêu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loài động thực vật biển và một số loài quý, hiếm.

Xây dựng đề án điều chỉnh KBTB Hòn Cau

Thời gian qua, trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tại KBTB Hòn Cau có sự chồng lấn khoảng 917,69 ha của các hoạt động kinh tế, gồm: Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (519,84 ha), Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (194,13 ha), Dự án chứa chất nạo vét của cụm dự án điện và cảng quốc tế Vĩnh Tân (156,5 ha) và khu neo đậu tàu thuyền, vùng nuôi thủy sản lồng bè của ngư dân địa phương. Điều này không những ảnh hưởng đến chức năng của KBTB, khó đáp ứng được các mục tiêu bảo tồn đã đề ra mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội nêu trên.

Một góc yên bình ở Hòn Cau

Năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét cho ý kiến về việc cắt giảm một phần diện tích thuộc vùng phục hồi sinh thái phía bắc KBTB Hòn Cau, nhằm xử lý chồng lấn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện các dự án trọng điểm, động lực của quốc gia và của địa phương, nhưng không được sự đồng thuận của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Do vậy, tình trạng chồng lấn tại KBTB Hòn Cau trong nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm.

Ngày 8/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Trong đó, quy định về các phân vùng chức năng của KBTB có sự điều chỉnh lại so với Nghị định 57/2008/NĐ-CP trước đây. Cụ thể, KBTB được phân thành 3 phân khu chức năng là: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Phân khu phục hồi sinh thái; Phân khu dịch vụ – hành chính và Vùng đệm. Vì vậy, Chính phủ quy định các KBTB được lập trước đây phải tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý trước ngày 1/1/2020. Xuất phát từ yêu cầu trên, kết hợp xử lý chồng lấn tại KBTB Hòn Cau gắn với yêu cầu đảm bảo hài hòa công tác bảo tồn biển, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án “Rà soát, điều chỉnh phân khu chức năng và ranh giới KBTB Hòn Cau” (gọi tắt là Đề án).

Đây là nơi có hệ sinh thái đa dạng, quý hiếm cần được bảo tồn

Theo đó, Đề án sẽ triển khai khảo sát, đánh giá khoa học về hiện trạng đa dạng sinh học của KBTB và vùng phụ cận; đồng thời đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực có tác động đến hệ sinh thái KBTB, nhất là vùng ven bờ xã Vĩnh Tân, nơi đang diễn ra nhiều hoạt động kinh tế, điển hình là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân… Từ đó, cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn để điều chỉnh lại phân khu chức năng theo tiêu chí quy định, điều chỉnh lại ranh KBTB Hòn Cau, loại trừ các vùng có mức độ đa dạng sinh học thấp, vùng đang chịu tác động sự phát triển kinh tế – xã hội nếu tiếp tục quy hoạch bảo tồn sẽ không hiệu quả, kém bền vững. Đồng thời bổ sung vào quy hoạch các khu vực có tiềm năng đa dạng sinh học cao, đảm bảo tiêu chí theo quy định.

Mở rộng không gian phục hồi sinh thái

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, việc điều chỉnh ranh giới, diện tích KBTB Hòn Cau phải dựa trên các căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn. Về cơ bản giữ lại tối đa diện tích KBTB theo quyết định thành lập trước đây; chỉ điều chỉnh đưa ra ngoài phạm vi bảo tồn phần diện tích có sự suy thoái về hệ sinh thái, có tính đa dạng sinh học thấp hoặc vùng có nhiều tác động của các hoạt động kinh tế – xã hội hiện tại không còn phù hợp với mục tiêu bảo tồn. Đồng thời, bổ sung thêm các khu vực lân cận có tiềm năng bảo tồn, bù đắp lại phần diện tích đã đưa ra, mở rộng, tạo thêm không gian để phục hồi sinh thái, phát triển đa dạng sinh học và nguồn lợi. Việc điều chỉnh này nhằm tuân thủ theo quy định pháp luật tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, nhận diện và giảm thiểu tối đa các yếu tố tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, giải quyết hài hòa mục tiêu bảo tồn biển với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

Việc điều chỉnh KBTB nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học.

Theo đó, khu vực biển ven bờ phía bắc (bao gồm cả Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, khu vực neo đậu tàu cá của ngư dân) được điều chỉnh đưa ra khỏi phạm vi KBTB. Đồng thời, mở rộng KBTB về phía nam, khu vực qua khảo sát đáp ứng các tiêu chí về bảo tồn nhằm bù lại phần diện tích đã đưa ra và tăng thêm diện tích bảo tồn.

KBTB Hòn Cau sau điều chỉnh gồm vùng biển và đảo Hòn Cau có phạm vi nằm trong vùng biển ven bờ các xã: Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Liên Hương, Bình Thạnh. Ranh giới xác định bởi đường bờ biển các xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Liên Hương, Bình Thạnh và các điểm A1, B1, C, D, E, F1, F2, F3 có tọa độ xác định. Trong đó, điểm A1 (ranh giới trong bờ phía bắc của KBTB) thuộc xã Vĩnh Tân, cách ranh giới phía Nam của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 630 m; điểm B1 (ranh giới trong bờ phía Nam của KBTB) nằm phía Đông mũi La Gàn thuộc xã Bình Thạnh; các điểm C, D, E (ranh giới ngoài phía Đông của KBTB) giữ nguyên như trước đây tại Quyết định số 2606 ngày 15/11/2010 của UBND tỉnh; điểm F1 (ranh giới ngoài phía Đông Bắc của KBTB) cách luồng tàu của cụm Nhà máy nhiệt điện và cảng than 270 m.

Bản đồ điều chỉnh  KBTB Hòn Cau

Tổng diện tích KBTB Hòn Cau sau điều chỉnh là 16.535,5 ha, trong đó diện tích biển là 16.467,5 ha và đất (đảo Hòn Cau) là 68 ha, tăng 4.035,5 ha so với diện tích trước đây. Trong đó, phần diện tích biển tăng 4.107,5 ha. Riêng phần diện tích đất đảo Hòn Cau, trước đây là 140 ha, tuy nhiên qua đo đạc thực tế năm 2022 của UBND huyện Tuy Phong và báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất đảo Hòn Cau chỉ có 68 ha (trong đó: 0,33 ha đất tín ngưỡng thuộc cộng đồng dân cư – Lăng Ông Nam Hải; 26,06 ha đất quốc phòng; 41,66 ha đất bằng chưa sử dụng do UBND xã quản lý), giảm 72 ha so với số liệu trước đây.

Hòn Chim trên đảo Hòn Cau.

Theo phương án điều chỉnh, diện tích đề xuất đưa ra khỏi KBTB là 2.683 ha biển. Diện tích đề xuất đưa vào KBTB là 6.718,5 ha biển. Ngoài ra, KBTB Hòn Cau gồm 3 phân khu chức năng và vùng đệm gồm: Phân Khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích là 1.451,5 ha tăng 201,5 ha so với hiện trạng, bao gồm 2 khu vực là bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Cau (551,5 ha) và bãi cạn Brenda (900 ha). Phân khu phục hồi sinh thái có diện tích là 963,7 ha biển, tăng thêm 155,7 ha so với hiện trạng. Phân khu dịch vụ – hành chính có diện tích là 14.120,3 ha (gồm: 14.119,3 ha biển và 1 ha đất trên đảo Hòn Cau được điều chỉnh từ Vùng bảo vệ nghiêm ngặt trước đây sang phân khu dịch vụ hành chính để đầu tư các hạng mục công trình phục vụ Đề án phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng theo Quyết định số 3106/QĐ-UBND ngày 4/12/2019), tăng 4.887,3 ha biển và 1 ha đất so với hiện trạng. Cuối cùng là Vùng đệm có diện tích là 1.356 ha, được thiết lập nhằm ngăn ngừa, giảm nhẹ tác động gây hại từ bên ngoài đối với KBTB.