Biến đổi khí hậu nhấn chìm cả vùng biển Băngladesh

ThienNhien.Net – Bangladesh với vị trí địa lý và dân cư đặc trưng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nhiệt độ Trái đất tăng lên. Nếu không có biện pháp ngăn chặn và ứng phó với biến đối khí hậu toàn cầu, trong tương lai, đất nước này có thể sẽ bị nhấn chìm dưới mực nước biển.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người trên toàn thế giới. Tại ngôi làng Bhamia, Bangladesh, biến đổi khí hậu đã làm nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt trong vùng.

Chỉ mới vài năm trước đây thôi, trong vị giác của Samit Biswas, một người dân trong làng, nước ở các ao vẫn còn là nước ngọt. Nó làm tan biến những cơn khát của gia đình anh và họ còn được tắm rửa sạch sẽ. Thế nhưng giờ đây, mỗi khi uống nước, anh đều cảm thấy vị mặn nơi đầu lưỡi. Những hạt nhỏ li ti màu trắng xuất hiện trên da Biswas sau khi anh tắm rửa và cả trong quần áo anh sau mỗi lần giặt.

Các nhà khoa học cho rằng, sự thay đổi này là hậu quả của lũ lụt tăng cường gây ra bởi biến đổi khí hậu. Thời tiết ấm hơn và nước biển dâng lên khiến cho nước mặn tràn vào các con sông ở Bangladesh ngày càng nhiều với tần suất tăng cao. Nước biển tràn vào sẽ ngấm qua đất và nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn người dân.

Rõ ràng, người dân nơi đây đang phải hứng chịu ảnh hưởng từ những quốc gia ở cách xa họ như Mỹ, Trung Quốc và Nga – những nước đứng đầu trong danh sách phát thải khí cacbon và đang đẩy nhiệt độ Trái đất cũng như mực nước biển tăng lên. Một bản báo cáo đầu năm 2007 của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, do tác động của con người, nhiệt độ có thể tăng lên khoảng 80 C và bề mặt đại dương sẽ tăng lên khoảng 59 cm vào năm 2100.

Ngay tại vùng Tây Nam Bangladesh, dự báo về một tương lai ảm đạm đang dần trở thành hiện thực. Những trận lũ mạnh bất thường đã phá hoại nhà cửa và đồng lúa, làm các giếng nước bị nhiễm mặn, tàn phá cây cối và huỷ hoại các khu rừng ngập mặn – nơi vốn được coi là thành luỹ xanh của vùng vịnh Bengal.

Nếu mực nước biển tiếp tục tăng lên như hiện nay thì tới khi Bismas – một công dân 35 tuổi – về hưu theo quy định, ngôi nhà duy nhất của anh sẽ chìm dưới đại dương. Lúc đó, anh sẽ giống như hàng triệu người dân vô gia cư khác cùng cảnh ngộ – không thể tìm được một nơi để cư trú.

Bangladesh, một đất nước nghèo khổ và đông dân, chỉ góp một phần rất nhỏ bé vào việc tăng hiệu ứng nhà kính đang dần phá huỷ hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, sự kết hợp vị trí địa lý và dân cư khiến Bangladesh trở thành một trong các nước sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi Trái đất nóng lên. Gần 150 triệu người dân, tương đương với khoảng một nửa dân số Mỹ đang sống chen lấn trong một khu vực chật hẹp. Là nơi gặp gỡ của các con sông Bahmaputra, Ganges va Meghna, phần lớn diện tích Bangladesh là vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ, thường thấp hơn mực nước biển. Vì thế, lũ lụt rất dễ xảy ra do các dòng chảy khi mưa xuống, băng tan từ dãy Himalaya và sự xâm nhập của đại dương.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang góp phần vào thực trạng này và có lẽ sẽ còn khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Atig Rahman, Giám đốc trung tâm nghiên cứu cấp cao, đồng thời là lãnh đạo nhóm nghiên cứu môi trường của Bangladesh cho rằng: “Nhiệt độ tăng lên một chút, thay đổi khí hậu một chút, sẽ gây ra một sự tác động khuyếch đại đối với nơi này. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho người dân Bangladesh rất dễ bị tổn thương”.

Những nước có cùng nguy cơ như Bangladesh bao gồm Hà Lan và những đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương. Do vị trí địa lý, các nước này thậm chí có thể bị đại dương nuốt chửng hoàn toàn, tuy nhiên, dân số ở những nước này chỉ bằng một phần của Bangladesh.

Nếu nước biển dâng lên 30,48 cm vào năm 2040 theo như dự đoán thì thiệt hại gây ra có thể khiến Bangladesh bị tụt hậu khoảng 30 năm và ước tính có khoảng 12% dân số sẽ trở thành vô gia cư.

Trong trường hợp băng ở địa cực tan nhanh hơn và mực nước biển dâng cao khoảng 0,92 cm vào cuối thế kỷ thì Bangladesh sẽ bị tàn phá nặng nề. Một phần tư đất nước này sẽ bị chìm ngập. Thủ đô Dhaka hiện nằm ở trung tâm lãnh thổ quốc gia sẽ nằm trong vùng cách bờ 97 km, nơi những con tàu sẽ trôi nổi trên tàn dư của vô số những quảng trường, chợ búa, nhà cửa, trường học bị nhấn chìm. 30 triệu người sẽ trở thành người tị nạn trên chính mảnh đất của họ. Nhiều người trong số họ là những người nông dân tự cung tự cấp không có gì mang theo để sinh nhai. Rahman cho rằng, “sự nghèo đói ngày mai còn tồi tệ hơn nhiều so với ngày hôm nay”.

Trong nhiều năm qua, chính phủ Mỹ hoặc phủ nhận hoặc hạ thấp mối nguy cơ do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong đó, Bangladesh hầu như không được sự quan tâm đặc biệt nào. Tuy nhiên, trọng lượng của tiếng nói khoa học đã được nâng cao, bởi có những bằng chứng cho thấy mô hình khí hậu đang thay đổi và tạo ra những ảnh hưởng có hại trong vùng này. Nếu như trước đây các quan chức đã gạt bỏ vấn đề nóng lên toàn cầu và coi đó là một vấn đề viển vông thì bây giờ họ đang bắt đầu nhận ra đó là một thảm hoạ rõ ràng trước mắt.

Cách đây 3 năm, chính phủ Mỹ đã cho thiết lập một tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu ngay trong Bộ môi trường, tuy nhiên số lượng nhân viên rất ít và phụ thuộc nhiều vào tài trợ của Anh. Về sau các cơ quan bắt đầu kêu gọi các nước giàu có, những nước tiêu thụ nhiều nhiên liệu hoá thạch như Nhật Bản và các nước thuộc khối liên minh châu Âu (EU) giúp đỡ Bangladesh đối phó với thảm hoạ này.

Sabihuddin Ahmed, một đại sứ của Bangladesh tại Anh cho rằng, cuộc sống ở Bangladesh sẽ bị phá huỷ nếu không quan tâm đến những sai lầm do con người gây ra. Ông khẳng định: “Đối với những người dân phương Tây, sự tấn công dữ dội của biến đổi khí hậu có lẽ còn cách xa hàng thập kỷ, nhưng với Bangladesh đó là tương lai trước mắt”.

Trong vùng bờ biển phía Tây Nam Bangladesh – vùng Munshigạn giáp với biên giới Ấn Độ và khu rừng ngập mặn Sundarbans nổi tiếng, người dân thường xuyên phải đối mặt với sự xâm lấn của biển cả.

Cách đây 30 năm, một con đê được đắp lên để bao bọc lấy những dòng thuỷ lưu quanh làng, bảo vệ người dân khỏi những đợt thuỷ triều dâng cao. Tuy nhiên, theo ước tính của người dân, thuỷ triều đã dâng lên đến 10 feet và tàn phá nơi đây, chẳng hạn như thảm họa xảy ra vào tháng 9 năm ngoái và nhấn chìm hàng trăm nhà cửa nay đã trở nên phổ biến.

“Nước đã dâng tới đây”, Iman Ali Gain miêu tả, tay giơ ngang ngực trong khi những người đứng sau ông đang chở những thúng đất tạp để đắp lại đê. “Chúng tôi đã sợ hãi khi chứng kiến”.

Cũng giống như nhiều người khác trong vùng Munshiganj, ông Gain 65 tuổi không hiểu được những khái niệm như dấu vết của cacbon, hiệu ứng nhà kính, tầng ozon hay sự tan băng của địa cực. Đại đa số người dân vùng này đều bị mù chữ, chỉ có 1/5 số dân đã tốt nghiệp bậc tiểu học. Thế nhưng, ông Gain biết được cuộc sống của mình đã thay đổi ra sao trong vài năm qua. Ông đã trồng lúa để nuôi sống gia đình và bản thân, nhưng các vụ thu hoạch đã bị giảm sút do nhiễm mặn. Để ứng phó với tình hình mới, ông đã học theo mô hình của nhiều người hàng xóm và chuyển sang canh tác nuôi tôm để tận dụng nguồn nước bị nhiễm mặn tại các cánh đồng.

Mặc dù sự thay đổi này làm cho một số người trong làng có kế sinh nhai, nhưng cũng làm nảy sinh không ít những vấn đề đau đầu khác. Do canh tác nuôi tôm tốn rất ít nhân công lao động nên nó càng làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. Vì thế, hàng nghìn người dân đã phải di cư tới những vùng khác ở Bangladesh hay sang Ấn Độ tìm việc làm.

Hơn thế nữa, việc nuôi tôm đã tập trung natri trong đất, làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trong vùng. Ông Mohon Kumar Mondal, một nhà hoạt động xã hội địa phương cho biết: “Trước đây, chúng tôi sử dụng những cái ao trong vùng làm nước uống. Bây giờ chúng tôi phải đi 4- 5 km thì mới lấy được nước ngọt”. Ông Mondal đang cố gắng thúc đẩy nhận thức của người dân trong làng về thay đổi khí hậu và việc thích nghi với nó. Cái ao nhỏ của làng Bhamia với hình ảnh những người phụ nữ làng bên mang bình tới lấy nước thường in đậm trong ký ức của họ như một biểu tượng gần gũi thân quen. Nhưng nay, nó đang dần trở nên nhiễm mặn, và nguồn nước sạch thì cách làng tới gần 8,1 km.

Ngày càng có nhiều người mắc các căn bệnh như tiêu chảy, bệnh lỵ và bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, nước mặn còn khiến cho cây cọ và cây chà là bị chết và tàn phá các cây trồng khác vốn làm nên vẻ đẹp cảnh quan nơi đây.

Người dân trong làng chủ yếu theo đạo Muslims và Hindu. Phần lớn trong số họ cho rằng, thay đổi khí hậu và những thảm hoạ đang ập xuống đầu họ là do Chúa Trời. Theo đó, tai họa là sự trừng phạt và chỉ có cách ăn năn, cầu nguyện mới khiến cho Chúa động lòng thương cứu người dân khỏi những trận đại hồng thuỷ, những cơn lốc mạnh hơn và những mùa hè oi ả hơn mà họ đang gánh chịu.

Mondal biết rằng loài người phải chịu trách nhiệm về những vấn đề đang khiến cho cuộc sống khó khăn hơn và sẽ không thể khắc phục được nếu nhiệt độ và mực nước biển tiếp tục tăng lên.

“Điều đó là trách nhiệm của con người, đặc biệt là các nước phát triển. Tôi mong muốn mọi người hãy hiểu được thực trạng của Trái Đất. Hãy đưa ra những quyết định phù hợp với thực trạng trên. Và làm ơn hãy nghĩ tới những người nghèo khó như chúng tôi – những người không thải ra khí nhà kính. Làm ơn nghĩ đến thực trạng của chúng tôi”.