Cần Thơ : Ô nhiễm môi trường ở Thốt Nốt

Theo nhiều người dân ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, mấy tháng nay họ phải sống trong tình trạng môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là nguồn nước trên rạch Rạp có màu xanh, bốc mùi hôi thối làm ô nhiễm cả khu vực. Đặc biệt, người dân sống cặp theo con rạch này không sử dụng được nước cho sinh hoạt, ăn uống…Nguyên nhân là do Công ty TNHH Đại Tây Dương ở Khu Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp huyện Thốt Nốt thải nguồn nước thải từ chế biến cá tra, ba sa… xuất khẩu ra sông rạch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Khổ vì ô nhiễm

Cuối tháng 10/2007, qua tìm hiểu thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường ở dòng sông rạch Rạp, thấy nước sông ở đây bốc lên mùi hôi thối giống như mùi cá, cua, ốc ủ. Mùi hôi thối này càng nồng nặc ở vàm rạch và tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng tại khu vực này.

Đó là ngay vàm rạch Rạp có bãi bồi khoảng 3.000m2, là nơi chứa nước thải của Công ty TNHH Đại Tây Dương. Nước ở đây đen ngòm, bề mặt có một lớp màng màu vàng là bọt và mỡ cá.

Theo nhiều bà con sống dọc theo rạch Rạp, mỗi khi nước lớn từ sông Hậu chảy vào rạch thì nguồn nước này cũng chảy vào và mang theo mùi hôi thối, đặc biệt khi người dân tắm hoặc rửa tay chân trên dòng rạch đều bị ngứa, nổi mụn đỏ. Bây giờ không ai dám sử dụng dưới rạch để ăn uống, giặt giũ. Tình trạng ô nhiễm này xảy ra gần 2 tháng nay, người dân có phản ánh, nhưng Công ty vẫn thải nước thải trực tiếp ra ngay khu vực vàm rạch Rạp.

Điều đáng nói là dọc theo 2 bờ rạch Rạp có khoảng 300 hộ dân đang sinh sống, với số nhân khẩu trên 1.000 người. Bà con ở đây chưa có nước máy sử dụng nên lâu nay mọi sinh hoạt từ tắm rửa, giặt giũ, ăn uống đều sử dụng từ nguồn nước dưới dòng rạch Rạp. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước xảy ra, người dân phải dùng nước mưa cho sinh hoạt. Khi hết nước mưa, bà con phải chạy xuồng ra giữa sông Hậu múc nước về sinh hoạt.

Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, cho biết: “Địa phương biết tình trạng rạch Rạp ô nhiễm, bà con gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Chúng tôi đã ghi nhận sự việc và phản ánh đến ngành chức năng huyện, thành phố để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời tình trạng này”.

Nhà ở gần vàm rạch Rạp, gia đình chị Lê Thị Liên phải hứng chịu mùi hôi thối từ nước thải của Công ty TNHH Đại Tây Dương. Chị Liên cho biết: “Hiện nay, nhà tôi bị ngập nên nước thải của công ty cũng tràn vào nhà, bốc mùi hôi rất khó chịu. Ngửi mùi hôi này, mấy đứa con của tôi đều bị sổ mũi, nhức đầu. Đứa con nhỏ của tôi vừa mổ tim về, bây giờ hay lên cơn mệt vì khó thở. Còn về nước sinh hoạt thì tôi phải xài nước mưa, hết nước mưa thì xin nước khoan của bà con trong xóm xài. Nhưng xin hoài cũng thấy ngại nên tôi bơi xuồng ra sông Cái (sông Hậu) chở nước về xài. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng huyện, thành phố nhanh chóng can thiệp để Công ty TNHH Đại Tây Dương trả lại môi trường trong lành cho bà con nơi đây”.

Còn bác Lê Văn Giúp, hàng xóm chị Liên nói: “Gần 2 tháng nay, gia đình tôi không dám sử dụng nước dưới sông để tắm rửa, giặt giũ, vì sử dụng thì bị ngứa, phải sử dụng nước mưa cho sinh hoạt. Với môi trường như thế này, tôi sợ bệnh sốt xuất huyết sẽ tái phát. Vì, năm ngoái thời gian này ở đây là ổ bệnh sốt xuất huyết do nước hôi thối tồn đọng sinh muỗi truyền bệnh. Trong tháng 11 năm ngoái, 7 đứa cháu nội của tôi đều bị bệnh sốt xuất huyết, rất may qua khỏi. Chúng tôi tha thiết mong ngành chức năng thành phố sớm can thiệp để bà con nơi đây đỡ khổ”.

Ô nhiễm từ đâu?

Theo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thốt Nốt, vào đầu năm 2006 Công ty TNHH Đại Tây Dương đi vào hoạt động tại Khu Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp huyện Thốt Nốt trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, thức ăn gia súc, dầu cá, bột cá; sản xuất bao bì giấy và in ấn bao bì các loại…Tuy nhiên, trong thời gian đầu hoạt động, công ty này đã xả nước thải trực tiếp ra sông Hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Thanh tra Sở Tài nguyên- Môi trường TP Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản xử lý, yêu cầu khắc phục tình trạng này bằng cách xây dựng hồ xử lý nước thải.

Sau đó, Công ty xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp xử lý vi sinh nguồn nước thải, với công suất xử lý 3.500m3/ngày. Nhưng, qua 2 lần Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố kiểm tra mẫu nước thải đã xử lý của công ty, cho thấy các chỉ tiêu kiểm nghiệm mẫu nước thải đã giảm nhưng vẫn còn vượt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam cho phép.

Ngày 29/12/2006, Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố ra Quyết định số 01/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Đại Tây Dương. Quyết định này buộc Công ty TNHH Đại Tây Dương khắc phục triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường nước mặt, trước khi thải ra sông Hậu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải…

Trong thời gian Công ty báo đang khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tháng 05/2007, Sở Tài nguyên – Môi trường TP Cần Thơ tiến hành lấy mẫu nước thải sau khi xử lý của công ty để kiểm tra chất lượng, kết quả cho thấy trong đó có 3/5 chỉ tiêu vượt mức cho phép, do đó, Sở yêu cầu Công ty tiếp tục sửa chữa, nâng cấp kỹ thuật xử lý nước thải.

Đến tháng 08/2007, Sở Tài nguyên – Môi trường tiếp tục lấy mẫu nước của công ty để kiểm nghiệm, kết quả có 1/5 chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu. Công ty TNHH Đại Tây Dương báo đã tiếp tục nâng cao kỹ thuật xử lý nước thải và yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra chất lượng.

Ngày 23/10/2007, Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thốt Nốt kết hợp cùng Sở Tài nguyên – Môi trường TP Cần Thơ tiến hành lấy mẫu nước đã xử lý của Công ty để kiểm nghiệm và đang chờ kết quả. Tuy nhiên, trong thời gian này Công ty TNHH Đại Tây Dương lại để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh khu vực rạch Rạp (thuộc ấp Thới Thạnh, xã Thuận Hưng).

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Thừa Bửu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Tây Dương, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nước lũ lên cao, tràn ngập hồ chứa nước thải của Công ty nên nước thải chảy ra ngoài. Đồng thời, công trình xây dựng hệ thống thoát nước ở Khu Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Thốt Nốt đang xây dựng, làm ảnh hưởng đến đường dẫn nước thải của công ty, do đó nước thải bị rò rỉ ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân lân cận. Chúng tôi sẽ khắc phục tình trạng này”.

Còn ông Phạm Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thốt Nốt, cho biết: “Trong tháng 10/2007, chúng tôi nhận được phản ánh của Ban Quản lý Khu Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp huyện Thốt Nốt là người dân phản ánh hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH Đại Tây Dương đưa vào hoạt động nhưng không liên tục. Có khi Công ty thải nước thải (từ chế biến cá tra, ba sa, dầu cá, bột cá) trực tiếp ra sông, gây ô nhiễm môi trường nước.

Hiện nay, người dân ở rạch Rạp thuộc ấp Thới Thạnh, xã Thới Thuận hết sức bức xúc vì phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, với nguy cơ các dịch bệnh như sốt xuất huyết, thổ tả, đường hô hấp… đe dọa. Thiết nghĩ, Công ty TNHH Đại Tây Dương cũng cần nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất. Các ngành chức năng nên can thiệp kịp thời và có biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Đại Tây Dương, để trả lại môi trường trong sạch cho người dân ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt.