Đồng bằng sông Cửu Long: Gồng mình… chống hạn!

Các tỉnh ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm mặn gay gắt, đợt gió chướng trong mấy ngày gần đây đã đưa nước mặn từ biển tràn vào tận thị xã Bến Tre và TP Mỹ Tho. Tình hình thiếu nước ngọt sinh hoạt ngày càng trầm trọng, trong khi nhiều kênh rạch ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng… đã kiệt nước.

Theo Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, hiện nay nước mặn theo sông Cửa Tiểu tràn vào khu vực thành phố Mỹ Tho cách biển trên 50km, độ mặn trên 1‰. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang lo lắng: “Mặn năm nay về sớm hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10 ngày và diễn biến rất phức tạp. Hiện tại, dọc các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo… gần 80 cống ngăn mặn đã được đóng kín. 2 cống chủ lực ở thành phố Mỹ Tho đang gấp rút lấy nước ngọt trước khi độ mặn lên cao trong vài ngày tới…”. Tại Bến Tre, nước mặn tràn vào đất liền từ 40- 45km, vào đến thị xã Bến Tre và huyện Châu Thành, đe dọa hàng ngàn ha vườn cây ăn trái và hoa kiểng ở Chợ Lách.

Tại Kiên Giang, mặn xâm nhập vào thành phố Rạch Giá và các huyện thuộc bán đảo Cà Mau. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp chủ động đóng 76 cống ngăn mặn ở các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương… song song đó vận động bà con khẩn trương thu hoạch lúa đông – xuân, cày xới phơi đất chờ mưa xuống mới gieo sạ tránh thiệt hại. Thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT cho biết: “Tất cả hệ thống cống ngăn mặn được theo dõi chặt chẽ, tỉnh chỉ cho phép mở một số cống ở những vùng nuôi tôm khi cần thiết”. Ở Trà Vinh, mặn tấn công vào đất liền 60km, độ mặn ở cống Láng Thé lên đến 2,3‰.

Trong khi đó, ở Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… nhiều kênh rạch đã kiệt nước hoàn toàn. Ông Đỗ Vũ Hùng, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT An Giang cho biết: “Mực nước hiện nay ở các trạm chính lẫn trạm nội đồng đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,1m trở lên. Mực nước xuống thấp, trong khi kênh mương bồi lắng sẽ gây khó khăn cho vụ hè thu tới”. Hiện tại, nhiều nơi người dân phải bơm chuyền 2-3 cấp tốn kém chi phí rất cao.

Có thể nói, năm nào nông dân vùng sông nước ĐBSCL cũng vất vả chống hạn, nhưng đến nay vẫn thiếu giải pháp lâu dài.