Rừng phòng hộ ở Quảng Bình tiếp tục bị chặt phá

Một vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng đã xảy ra tại Tiểu khu 167: cả trăm hécta rừng ở hai xã Quảng Lưu và Quảng Châu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) tiếp tục bị tàn phá. Điều đáng nói là khi phát hiện vụ việc, chính quyền và ngành chức năng huyện Quảng Trạch vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn.

Người dân vô tư phá rừng

Sau khi nhận thông tin của người dân về cả trăm hécta rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Vực Tròn tại địa bàn hai xã Quảng Lưu và Quảng Châu (Quảng Trạch) lại bị chặt phá tan hoang, ngày 10/03/2007, phóng viên báo SGGP đã có mặt tại hiện trường. Tại Tiểu khu 167, khu vực khe Do và Sũng Nây, 3 ngọn đồi với diện tích ước tính cả trăm hécta đã bị chặt trắng.

Những cánh rừng dẻ, cây cao trên 3m, đường kính hơn 30cm vừa bị đốn hạ nằm ngổn ngang, thân cây còn ứa nhựa tươi. Hàng chục người dân đang vô tư đốn hạ cây một cách không thương tiếc, tiếng rìu, tiếng búa vang vọng cả cánh rừng.

Bên cạnh những khoảnh rừng dẻ vừa mới bị hạ, có khá nhiều khoảnh rừng sau khi đốn hạ, người dân còn đốt luôn. Điều khó hiểu là chính quyền hai xã Quảng Lưu và Quảng Châu và Hạt Kiểm lâm Quảng Trạch đã biết việc phá rừng, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một cán bộ nào.

Theo nguồn tin riêng của báo SGGP, việc chặt phá rừng ở đây diễn ra từ sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày có trên dưới 40 người dân vào rừng chặt phá. Và khởi nguồn của việc này là “người dân nghe tin xã có tờ trình lên huyện xin phê duyệt chuyển một phần diện tích rừng phòng hộ tại Tiểu khu 167 sang rừng sản xuất. Theo đó, rừng sẽ được giao cho địa phương quản lý, địa phương sẽ giao lại cho dân”… Vì vậy, người dân đã đua nhau phá rừng để “xí phần” đất trước, đặt chính quyền địa phương vào thế việc đã rồi, như đã từng diễn ra tại các xã: sau khi phá rừng, chính quyền lại giao chính diện tích đó để người dân… trồng rừng !?

Không riêng Tiểu khu 167, rừng tại các xã Quảng Thạch, Quảng Châu, Quảng Lưu cũng bị đốn hạ vô tư để sau đó… trồng lại rừng (chủ yếu là bạch đàn và keo lai).

Rừng mất, trách nhiệm là ở chủ rừng?

Phóng viên báo SGGP đã có buổi làm việc với ông Phan Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, người được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng. Thế nhưng rất bất ngờ khi chính ông Khoa cũng chưa có thông tin cụ thể về vụ này, dù rằng trước đó, ngày 08/03/2007, đã có đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đi kiểm tra hiện trường.

Sau khi gọi ông Nguyễn Thuận Nhơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện đến, ông Khoa mới có được kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Hạt Kiểm lâm, Huyện đội, UBND xã Quảng Lưu) và bản báo cáo của xã Quảng Lưu về việc rừng tại địa bàn xã bị chặt phá đề ngày 09/03/2007.

Theo biên bản của đoàn kiểm tra liên ngành, ngày 08/03/2007, tại vùng rừng khe Do, xã Quảng Lưu có 10ha rừng dẻ bị chặt, xã Quảng Châu có 40ha rừng bị chặt trắng. Đoàn kiểm tra đã có kiến nghị các cấp thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời, nhưng không hiểu sao, bản kiến nghị vẫn chưa đến… bàn ông Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực này để xử lý vụ việc. Điều này đã lý giải phần nào việc có kiểm tra nhưng không có động thái ngăn chặn, xử lý. Nếu như không có buổi làm việc với phóng viên, không biết đến bao giờ bản báo cáo của đoàn kiểm tra mới đến được tay ông Phan Văn Khoa(?!)

Điều đáng nói là đến thời điểm trên, địa phương có diện tích rừng bị chặt phá khá lớn là xã Quảng Châu vẫn chưa hề báo cáo với huyện và cuộc kiểm tra của đoàn liên ngành cũng không có mặt chính quyền xã Quảng Châu?! Điều khiến dư luận bức xúc là, BQL rừng phòng hộ Quảng Trạch đã “biến” đi đâu trong khi người dân ào ạt phá rừng ?

Biện pháp nào ngăn chặn tình trạng phá rừng ở Tiểu khu 167, ông Nguyễn Thuận Nhơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện trả lời: “Trách nhiệm này thuộc về BQL rừng phòng hộ Quảng Trạch, còn Hạt Kiểm lâm chỉ có trách nhiệm báo cáo sự việc”. Chúng tôi thắc mắc vì sao đoàn liên ngành của huyện đi kiểm tra lại không có mặt chủ rừng, ông Khoa cho rằng: “Do không biết địa chỉ và số điện thoại của BQL rừng phòng hộ Quảng Trạch, nên huyện không thể liên lạc được” (!?).

Trong khi rừng tiếp tục bị tàn sát, ông Nhơn kiến nghị với ông Khoa nên tổ chức lực lượng kiểm tra lại và làm việc với chủ rừng cũng như chính quyền địa phương các xã. Còn ông Khoa thì hứa sẽ lập ngay đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình phá rừng tại Tiểu khu 167, đồng thời yêu cầu chủ rừng lập biên bản, làm căn cứ cho cơ quan công an điều tra làm rõ việc phá rừng, từ đó có biện pháp xử lý hình sự hoặc hành chính đối với những người dân có hành vi phá rừng…

Vậy là đã rõ, chính quyền địa phương, đặc biệt là BQL rừng phòng hộ Quảng Trạch đã quá thờ ơ và buông lỏng quản lý, dẫn đến cả trăm hécta rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Vực Tròn (Tiểu khu 167) bị chặt trắng không thương tiếc.