Chơi hoa Thuỷ tiên

Ngày xưa hoa Thủy tiên là thú chơi của những nhà giàu có và lịch thiệp. Giàu mới chơi được vì Thủy tiên rất đắt. Lịch mới chơi được vì mua về phải biết gọt, gọt rất khéo, phải dùng lưỡi dao thật mỏng thật bén, thứ dao chuyên để gọt Thủy tiên.

Gọt phía nào, gọt bao nhiêu để hoa nở ngày nào, đêm giao thừa, sáng mồng một, mồng năm Tết, hay rằm tháng Giêng, để hoa nở thế nào, bên nào trước, bên nào sau… Chỉ có các cụ văn bút hoặc các cô con gái nhà sang mới biết gọt Thủy tiên. Mua hoa đã lắm tiền mà không biết chơi thì người ta cười cho là trọc phú, là “Trưởng giả học làm sang”.

Bây giờ chơi hoa Thủy tiên quá dễ. Gần Tết lên đầu dốc chợ Bưởi, có mấy chục ngàn cả hoa cả cốc. Như mọi thứ hàng hóa nhập từ Trung Quốc, thứ gì cũng rẻ đến bất ngờ. Che gió cẩn thận đem về là ngày Tết có hoa quý. Chả cần làm gì, chỉ cần mỗi tối rửa nhớt ở rễ, thay nước. Hoa quý thật, củ và rễ trắng muốt như ngọc, lá đẹp như nét tranh Tề Bạch Thạch, từng bông hoa nhỏ, tỏa hương thơm ngát, dịu dàng, ngọt ngào, thứ hương thơm tinh tế, đặc biệt thanh cao, không loài hoa nào sánh được.

Chợt nhớ ngày xưa có bài lục bát ngộ nghĩnh lắm về loài hoa này. Vẫn còn nhớ lõm bõm vài câu. Chắc phải hỏi ông bạn vong niên, cùng lớp đại học, vong niên vì anh là cán bộ đi học. Nhắc phôn lên, vừa nói đến Thủy tiên, anh hào hứng đọc ngay: “Thủy tiên cậy ở Tầu về/Thấy Hành nhỏ mọn bèn chê Hành rằng: /Con người đã bé lại hăng/Không hương không sắc sao bằng ta đây/Hương thơm nức tiếng Đông Tây/Miệng hoa chúm chím, tóc mây nõn nà./Hành rằng: Trời đất sinh ta/Quê hương một giải sơn hà Việt bang/Làm ăn quên cả điểm trang/Lấy gì lịch sự giỏi giang bằng người/Người sang giá đáng mười mươi/Ngày Xuân đi lại những nơi lắm tiền/Ta hèn yên phận tự nhiên/Lấy câu “phục vụ” làm duyên với đời” .

“Hay quá, hay quá ! Nhưng cái câu cuối…”. “Hai chữ “phục vụ” chứ gì. Tớ đọc bài này trên báo từ trước Cách mạng, lúc tớ mười tuổi, bây giờ quên mất đúng câu cuối, tớ thay đại vào đấy. Không ưng thì cậu thay vào bằng chữ “hòa hợp” hay chữ nào cũng được. Dân gian là thế mà”.