Huyền thoại về voi trắng

Từ xa xưa, nhân dân ta đã biết sử dụng voi phục vụ cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, chiến đấu chống kẻ thù. Từ người Việt, Chăm, Khơme cho đến các tộc người ở Tây Nguyên đều có nhiều huyền thoại, truyện cổ lý thú, hấp dẫn về loài voi. Những chiến tích, công trạng của con voi cũng được ghi lại trong nhiều tư liệu, thư tịch cổ.

Cũng như một số bộ tộc có nghề nuôi voi ở Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, đồng bào Tây Nguyên rất quý trọng con voi, nhất là voi trắng. Voi trắng có giá trị lớn về ý nghĩa tôn giáo và biểu tượng cho sự may mắn, cao sang và uy quyền. Nó là con vật đứng hàng đầu trong loài vật.

Đồng bào tin trằng, thần voi và hồn voi là lớn nhất và quan trọng nhất. Nhưng nếu là một con voi trắng thì được đồng bào đặc biệt coi trọng và tôn sùng gấp bội lần so với một con voi bình thường. Theo đồng bào, voi trắng rất thông minh, dạy một biết mười. Đồng bào M’nông gọi bạch tượng là ông trắng (Ngơilăng), vua của voi đen. Dưới góc độ sinh học, voi trắng thực ra là những con voi khác thường, đột biến về gene, chúng có bộ da xám nhạt pha hồng và chính là những trường hợp bị bạch tạng. Theo đồng bào M’nông, người may mắn, ăn ở phúc đức thì được thần Nguăch Nguăl (Thần voi) phù hộ, đi săn mới được bắt gặp voi trắng. Một con voi trắng giá trị bằng 100 con voi đen.

Đối với người M’nông, voi trắng liên quan đến việc phong “đẳng cấp” trong cánh thợ săn voi (gru). Trong thành phần săn bắt voi, đồng bào có quy định chức sắc hẳn hoi. Người ngồi trên đầu con voi gọi là gru, tức là thầy; người ngồi điều khiển phía sau gọi là rmăk, tức thợ phụ. Thợ phụ rmăk giúp việc cho gru, đến khi nào tham gia bắt được 15 con voi thì được phong chức lên gru. Lúc đó, anh ta mới được ngồi trên đầu con voi. Kể từ ngày phong chức lên gru điều khiển đầu voi, bắt được một con voi rừng gọi là gru 1, bắt được hai con gọi là gru 2, cứ thế mà phong chức lên. Nếu bắt được một con voi trắng thì trong đàn voi có con voi trắng đó có bao nhiêu con voi sẽ được tính bấy nhiêu cơ số của gru. Ví dụ, nếu trong đàn có con voi trắng có 100 con thì được tính gru 100. Vì theo đồng bào, đã bắt được con voi trắng là chúa của đàn voi nên việc phong chức như vậy để ghi nhận thành tích bắt voi. Do đó, trong đời người săn voi, ai cũng mơ một lần săn được voi trắng. Có người được phong là gru 300 như Ama Kông, được phong là “vua của những người thợ săn voi” ở Buôn Đôn cũng nhờ may mắn hai lần bắt được voi trắng. Năm 1961, ông đi săn được một con voi trắng. Con voi này sau đó được bán sang Tây Âu. Theo luật tục, người nào đắt được một con voi trắng đều phải cúng một con lợn đen, một con lợn trắng; một con gà đen, một con gà trắng; một con trâu đen, một con trâu trắng.

Người Êđê có truyền thuyết về voi trắng có liên quan đến hoa văn Mnga Kteh, một mẫu hoa văn giá trị nhất trên trang phục của họ. Chuyện kể rằng, thuở xưa đồng bào Tây Nguyên phát hiện ra một con voi trắng rất đẹp, có cặp ngà cong vút với nhiều hoa văn lộng lẫy. Các dân tộc ở Tây Nguyên gồm M’nông, Êđê, Bana, Gia Rai… thi nhau vây bắt, đặt bẫy vẫn không tài nào tóm được. Voi cứ chạy đi khắp vùng của cao nguyên. Một người tù trưởng Êđê nghĩ cách đào giao thông hào để vây bắt con voi. Cuối cùng, voi trắng bị rớt xuống giao thông hào của nhóm Krung và Adham của dân tộc Êđê. Nghe tin bắt được con voi trắng, các dân tộc ở Tây Nguyên đua nhau tới xem. Nhóm Kpa ở gần nhất nên mới là người đầu tiên xem được con voi; sau đó mới đến nhóm Krung, Adham, Mdhur của dân tộc Êđê. Tiếp theo các tộc người Gia Rai, Bana cũng lần lượt tới xem con voi quý. Họ cho rằng, nhóm dân tộc nào xem gần quá thì sự lộng lẫy của hoa văn trên ngà voi đã làm chói mắt họ và khi về đến nhà họ quên hết, không thể vẽ lại được. Dân tộc nào đứng xem với khoảng cách vừa tầm nhìn thì sẽ thấy rõ. Nhờ vậy mà các dân tộc ở xa hơn như Krông Buk, Ea H’leo ở huyện Krông Buk (DăkLăk) hiện nay vẫn giữ được nhiều loại hoa văn trang trí độc đáo, phong phú về đề tài, đa dạng về hình thức, trong đó có Mnga Kteh trở thành kiệt tác trong nghệ thuật tạo hình, làm đẹp trên trang phục của người Tây Nguyên. Ngoài nhóm người Êđê nói trên, dân tộc Bana, Gia Rai cũng còn lưu giữ nhiều hoa văn đẹp.

Trước đây, Y Thu, người M’nông cũng đã săn được bạch tượng. Ông chính là tù trưởng người đầu tiên của Buôn Đôn và là người sáng lập ra nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Năm 1861, ông bắt được một con voi trắng và đã tặng vua Thái Lan. Vua Thái Lan mỗi lần ngự giá thường đi trên con Bạch tượng trong tiếng tung hô của thần dân. Y Thu cũng là người từng dùng voi để chuộc nô lệ từ tay các tù trưởng trong vùng, Tương truyền, ông từng dâng một con voi trắng quý giá để chuộc lại một nô lệ nữ tên là Giá Vầm. Bà Giá Vầm tuy cai quản nhiều rừng núi đất đai, nhưng bà bị một bộ tộc người Gia Rai bắt làm tù binh. Để chuộc người tù trưởng có đất đai rộng lớn này, ông Y Thu đã dùng voi trắng làm lễ vật kèm theo lời thề kết giao hòa hảo giữa hai bộ tộc và xin nhận người Gia Rai “làm cha làm mẹ”. Biết ơn ông, bà Gia Vầm cắt một phần đất trong lãnh địa của mình cho Y Thu. Có đất, ông Y Thu liền tụ tập những người Êđê, M’nông, Lào… sống trên các đảo Par, đảo Klau giữa sông Sêrêpôk về một nơi trù phú, sau này gọi là Buôn Đôn. Vì thế, thời Y Thu lên làm tù trưởng, những xung đột về đất đai, tài sản, nô lệ… giữa các làng, các dân tộc được xóa bỏ. Các hoạt động săn bắn, hội voi đã góp phần tạo dựng và vun trồng sự đoàn kết giữa các dân tộc.

Sau Y Thu, nhiều người cũng săn được voi trắng. Rleo Knum, cháu của Y Thu cũng bắt được một con voi trắng và tặng cho vua Bảo Đại. Quanh chuyện con voi trắng của Bảo Đại này bây giờ vẫn còn rất nhiều huyền thoại bí ẩn đồn thổi cả hư lẫn thực. Y Prông Êban, còn gọi là Ama Kông, người lập kỷ lục “quán quân” trong nghề săn bắt voi với gần 300 con voi. Năm 1961, ông bắt được 1 con voi trắng. Con voi này sau đó được tặng Tổng thống Ngô Đình Diệm(vì không tặng cũng không xong). Ông được ngô Đình Diệm tặng lại một khẩu súng săn 2 nòng, 1 khẩu súng ngắn và 150 đồng. Tay thợ săn Y Đeng ở buôn Tul, là người lập kỷ lục thứ nhì sau Ama Kông về săn bắt voi rừng, ông săn được gần 200 con voi, trong đó có một con voi trắng.

Ngày nay, không ai còn thấy voi trắng xuất hiện nữa nhưng huyền thoại của nó vẫn tiếp tục được lưu truyền trong dân gian, làm đẹp cho vùng đất Tây Nguyên, xứ sở của loài voi.