Khô hạn ở Bắc Bộ ngày càng trầm trọng

Mùa vụ tới, các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất trầm trọng khi sông Hồng – nguồn cung cấp nước tưới chủ yếu cho vựa lúa đồng bằng Bắc bộ – đang dần trơ đáy.

Đây là vụ đông xuân thứ ba liên tiếp đồng bằng sông Hồng bước vào sản xuất trong tình trạng khô hạn và điều đáng lo ngại là mức độ khô hạn mỗi năm một trầm trọng.

Trong vụ đông xuân 2004-2005 (năm được coi là có mức hạn khốc liệt nhất trong vòng 40 năm qua ở miền Bắc) cùng thời điểm này, mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn còn ở mức 2,1-2,2 m. Nhưng năm nay, hiện mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã xuống tới mức 1,6m – mức thấp nhất so với cùng kỳ trong hơn 100 năm qua.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, do tình trạng khô hạn còn kéo dài và chưa xuất hiện lũ, dự báo trong thời gian tới, mực nước sông Hồng sẽ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Mực nước tại Hà Nội sẽ có nhiều ngày ở mức dưới 2m và thấp nhất ở mức 1,4m. Nguồn nước để đảm bảo hoạt động đường thuỷ và nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ rất khó khăn.

Các hồ chứa vùng trung du và miền núi cũng đang cạn kiệt dần. Từ đầu năm đến nay, lượng mưa tại khu vực miền núi chỉ đạt 80-95% so với trung bình nhiều năm, khu vực trung du và đồng bằng đạt 60-75%, khiến mực nước trong các hồ chứa thấp hơn rất nhiều so với mức thiết kế.

Hầu hết các hồ chứa trong khu vực đều không tích đủ mức nước, trong đó nhiều hồ chứa ở Bắc Giang, Hà Tây dung tích chỉ đạt 50-70% thiết kế. Dòng chảy trên các sông suối cũng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30% và đang tiếp tục giảm nhanh.

Với tình trạng trên, dự kiến vụ đông xuân 2006-2007 các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc bộ sẽ có khoảng 142.000-242.000ha khó khăn về nguồn nước tưới, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hưng Yên và Hải Dương. Tại các địa phương có công trình thuỷ lợi lớn vẫn có khoảng 123.000ha thiếu nước tưới.

Theo ông Trần Ái Quốc, Trưởng phòng quản lý tưới tiêu Cục Thuỷ lợi, giải pháp chống hạn quan trọng nhất vẫn là tích cực nạo vét kênh mương và làm thuỷ lợi nội đồng, đảm bảo dòng chảy khơi thông để dẫn nước tốt và tránh lãng phí nguồn nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây đã phê duyệt nguồn kinh phí 21 tỷ đồng phục vụ nạo vét khẩn cấp một số tuyến kênh dẫn nước của các hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, Sông Nhuệ và Bắc Nam Hà, phục vụ cấp nước sản xuất và sinh hoạt.

Các ngành chức năng cũng đã phối hợp tính toán, điều tiết xả nước hồ Tuyên Quang, phát điện của các hồ Hoà Bình, Thác Bà để bổ sung nguồn nước và tăng mực nước hạ du hệ thống sông Hồng-Thái Bình nhằm giữ mực nước ổn định. Theo đó, trong thời gian đưa nước làm đất sẽ đảm bảo mực nước sông Hồng từ 2,3 m trở lên để nông dân lấy nước phục vụ đổ ải. Ngành điện cũng sẽ ưu tiên đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm phục vụ việc tưới tiêu.

Cùng với giải pháp thuỷ lợi, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng là giải pháp được ngành nông nghiệp đưa ra. Dự kiến trong vụ đông xuân năm nay vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng trung du sẽ có khoảng 17.000ha phải chuyển đổi cây trồng.