Bắt sống voi rừng

Theo phong tục truyền thống, những ngày cuối năm, một số người dân ở bản Đôn lại vào rừng săn bắt voi, mặc dù Nhà nước đã ra lệnh nghiêm cấm săn bắt loài động vật hoang dã này. Một con voi đực khoảng 3 tuổi đã bị bắt và được đưa về thuần dưỡng. Số phận chú voi đang khá mong manh vì khả năng nó sẽ được bán ra nước ngoài để tránh sự cấm đoán của luật pháp Việt Nam.
Bắt voi

Bốn chủ voi chính tổ chức cuộc săn là Y Phôi ở buôn Ea Rông, Ay Nô, Ma Si La ở buôn Ea Mar, Ay Chít ở buôn Yang Lành. Tất cả đều ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (tên cũ là Bản Đôn, một trung tâm săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng cả vùng Đông Nam Á từ thuở xa xưa).

Trước khi xuất phát đi săn, theo phong tục, họ đã có một tuần âm thầm chuẩn bị thức ăn khô (ngày xưa là gạo, bắp rang, bây giờ là mì tôm, nước uống); cấm cửa suốt một tuần không đón khách đến nhà, không tiếp xúc với phụ nữ; suốt ngày cầu khấn Yàng (trời) và thần Ngoắc Nguan (vị thần quản lý chăm sóc loài voi theo quan niệm của đồng bào) để chuyến đi được may mắn, thành công.

Ngày 12/12/2006, với 4 con voi nhà của 4 chủ voi nói trên, cùng với 4 người đi phụ, tạo thành 4 cặp săn (Y Phôi – Y Tăng, Ma Si La – Ma Ben, Ay Nô – Y Ven, Ay Chít – Y Lân) với đầy đủ phương tiện bắt voi và thức ăn khô đủ cho nửa tháng ở rừng, họ rời nhà vào rừng, mở đầu chuyến săn ở khu vực rừng Yang Lành rồi đi ngược dần theo hướng tây bắc.

Họ phải đóng khố sạch, ở trần, dầm nắng, dầm sương để cho cơ thể không còn “mùi đặc trưng” của con người, nhằm làm cho voi rừng khó phát hiện, từ đó mới có thể đến gần voi rừng. Sau 5 ngày trèo đèo, lội suối, đến ngày 17.12.2006, họ đã gặp được một đàn voi khoảng 20 con ở vùng rừng Ia Chi Lây, huyện Ea Súp. Cả 4 cặp săn liền thúc 4 con voi nhà xông vào giữa đàn voi rừng. Cả voi và người đều thét vang, rung chuyển cả rừng khiến đàn voi rừng hoảng hốt bỏ chạy. Họ thúc voi nhà đuổi theo.

 
 Ma Si la đang diễn lại cách đưa thòng lọng vào chân voi (Ảnh: Lao động)

Trong đàn voi rừng có một con voi nhỏ hơn bị tụt lại không theo kịp đàn. Họ liền vây quanh dùng dây thòng lọng bện bằng da trâu rừng và dùng sào tung thòng lọng vào chân voi. Theo lời kể của Y Tăng thì Y Phôi là người may mắn nhất đã tung được thòng lọng vào chân sau bên trái của con voi, sau đó giật thòng lọng siết chặt, khiến con voi không chạy được, nhờ vậy cả toán đã bắt được con voi này đưa về buôn. Vì thế, Y Phôi sẽ là người được hưởng một nửa quyền lợi từ con voi, những người khác chỉ được hưởng một nửa còn lại.

Ngày 20/12/2006, họ đưa được con voi về buôn Ea Rông, tổ chức lễ cúng tạ Yàng, tạ thần Ngoắc Nguan, đặt tên cho nó là Khăm Pun, sau đó đưa vào rừng thuộc Khu du lịch sinh thái của Công ty cao su Đắc Lắc (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) để thuần dưỡng. Đây là chỗ có cây cao, bóng mát, gần suối nước khá mát mẻ, thuận lợi cho việc thuần dưỡng voi và cho các thợ săn nghỉ ngơi.

Khổ luyện cho voi

Ngày 28/12.2006 các phóng viên báo Lao động vào rừng, đến tận nơi xem nhóm thợ săn đang thuần dưỡng voi. Với đầy đủ đồ dùng: Gạo, rượu cần, xoong, nồi, bát, đĩa, tăng, võng… đủ cho khoảng 20 ngày, 2 người trong nhóm thợ săn đang trực tiếp cho voi ăn và dạy voi.

Con voi bị bắt sống là con voi đực khoảng 3 năm tuổi, chiều cao khoảng 1,5 m, dài khoảng 2m, đã có 2 cái ngà nhỏ, dài khoảng 20 cm. Người ta quàng một cái dây lớn qua cổ voi, rồi dùng một cái dây khác buộc vào dây quàng cổ treo lên 2 cây gỗ lớn ở 2 bên. Hai chân sau của con voi cũng bị buộc trong cái kiềng số 8 bằng dây mây và buộc vào gốc cây lớn, khiến con voi chỉ có thể xê dịch trong khoảng 1m, không thể cúi đầu, không thể quay dọc, quay ngang.

Theo Y Tăng, cách thuần dưỡng voi đầu tiên phải trị thói hung dữ của nó, bằng cách “cho ăn đói để nó yếu sức đi. Lâu lâu mới đút cho nó ăn ít cỏ, để nó quen dần với con người. Rồi thỉnh thoảng lại đến nói cho nó nghe để nó quen tiếng người. Sau đó sẽ dạy cho nó quỳ, dạy cho nó quay trái, quay phải.

Để cho voi dễ quen, dễ nhớ con người thì phải cho nó ăn thêm một ít muối, hoà muối vào chậu, vẩy vẩy vào thức ăn. Sau này voi có bỏ vào rừng thì nhớ vị mặn nó cũng quay về. Phải tập khoảng 15 – 20 ngày thì con voi mới tàm tạm nghe theo mình”. Trong thời gian thuần dưỡng, mỗi tuần lại phải cúng thần Ngoắc Nguan một lần, lễ cúng chỉ là một ché rượu nhỏ và một con gà.

Đứng quan sát, các phóng viên thấy con voi thực sự đang bị cực hình. Hai chân sau của nó bị kiềng bằng dây mây và dây thừng bện bằng da trâu rừng cứng đơ, do giằng kéo, xê dịch nên bị xây xát đến mức toạc một mảng da lớn, máu tươi đỏ ròng. Tôi lo lắng hỏi Y Tăng: Như vậy nó sẽ bị nhiễm trùng và chết? Nhưng Y Tăng bảo: “Không việc gì đâu. Lâu lâu nó lại được đổ thuốc vào vết loét mà”. Thuốc là một nồi lớn đang sôi sùng sục ngay bên cạnh chỗ buộc voi. Hai thứ vỏ cây chính làm thuốc là vỏ cây bằng lăng ổi và vỏ cây cam xe. Sau khi đun sôi trong nhiều giờ, nước thuốc sẽ có màu nâu đỏ, để nguội, tưới vào vết thương, vết thương sẽ khô không bị nhiễm trùng, Y Tăng bảo: “Không có loại thuốc nào của Nhà nước để chữa cho voi tốt bằng thuốc này đâu…”.

 
 Nấu thuốc cho voi (Ảnh: Lao động)

Quản lý con voi thế nào?

Bình thường, sau khi thuần dưỡng xong, người ta sẽ làm lễ cúng “nhập buôn” để cho con voi về sống chung với các con voi khác trong buôn được yên lành. Nhưng qua tiếp xúc với một vài người trong nhóm săn, chúng tôi thấy thái độ của họ có vẻ lo lắng. Họ biết việc đi săn bắt voi rừng hiện nay là vi phạm pháp luật, Nhà nước đã có lệnh cấm.

Vì thế, sau khi thuần dưỡng xong có thể họ sẽ tìm khách bán ngay. Nếu họ bán cho các cá nhân, tổ chức trong nước thì con voi vẫn còn trên đất nước mình, mặc dù việc mua bán này là bất hợp pháp. Nhưng nếu họ bí mật đưa sang bên kia biên giới Việt Nam – Campuchia bán thì coi như chúng ta mất một con voi, trong khi voi đang ngày càng trở nên quý hiếm và lượng voi nhà ở Đắc Lắc (trung tâm voi nhà của nước ta) đang giảm sút nhanh chóng (cách đây 5 năm còn trên 120 con, nay chỉ còn khoảng 40 con) thì đây sẽ là một điều rất đáng tiếc.

UBND tỉnh Đắc Lắc, Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) cần có biện pháp để bảo vệ và giữ lại con voi này cho Đắc Lắc. Trước mắt cần đưa ngay con voi này về quản lý tại Vườn quốc gia Yok Đôn là nơi có điều kiện về thiên nhiên, môi trường, lực lượng cán bộ có kinh nghiệm để chăm sóc bảo vệ. Đây là việc các ngành chức năng của tỉnh Đắc Lắc không nên chậm trễ. Công việc xử lý với nhóm săn bắt voi trái phép nhằm mục đích giáo dục, ngăn chặn các cuộc săn tiếp theo của người dân trên địa bàn là việc cần thiết, nhưng có thể tiến hành sau.