Tết cuối cùng ở làng chó sói A Xưa

A Vương khởi nguồn từ Lào chảy qua hai huyện Tây Giang và Đông Giang của Quảng Nam. Con sông ngắn, nhiều thác ghềnh, chảy dốc. Đó là xứ sở của Apui Aun. Đó cũng là xứ sở của những con ma nước ham mê sắc đẹp chiều chiều hiện ra trên bến sông nhìn trộm những cô gái Cơtu tắm khỏa thân để bắt về làm vợ. Xứ sở của những con sói tinh khôn lông màu hung, nanh màu trắng biết dùng nước tiểu của mình để vây hãm con mồi vào tuyệt lộ. Xứ sở của rắn rết cọp beo cùng với những huyền thoại như dây leo quấn quanh đời sống con người.

Xứ sở của chó sói
Đêm ở làng Axưa. Một ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Bôl Chơ Piêng. Phải leo lên một chiếc thuyền độc mộc vượt sông A Vương mới đến được làng này. Cả làng chưa đầy ba chục nóc nhà sàn nằm lẩn khuất giữa rừng. Đó là một đêm cuối năm rất Cơtu. Có mấy con cá niêng hun khói từ năm ngoái. Một ít thịt dơi khô của bếp nhà khác mang qua và can rượu sắn. Bếp lửa của nhà Alăng Zut bỗng ấm hẳn lên. Zut, ba mươi sáu tuổi, da đen, đôi mắt nhiều tròng trắng buồn buồn ngồi cúi đầu. Mãi lát sau Zut mới ngẩng đầu lên, thận trọng. “Axing à? Vừa rồi nó mới tấn công con của Mơ Hay. Thằng nhỏ đi bứt mây về. Nó vác 30 sợi mây trên vai. Thình lình axing nhảy vào tấn công. Nhờ có bó mây nên mới thoát được!”. Axing chính là chó sói. Con vật chúa tể rừng xanh trong mắt người Cơtu. Rapát Mơ Hay kể: “Hễ axing về thì cọp bỏ đi. Bà con mình sống ở vùng này lâu rồi nên mình biết. Axing mà đái nước đái lên cây dọc đường đi, con cọp đi qua dính nước đái đó vào thì nổ mắt ngay. Mỗi khi bắt mồi, axing phân công nhau đái một vòng chung quanh con mồi. Vòng vây bằng nước đái hẹp dần hẹp dần khiến con mồi không thoát được. Con cọp nó dữ lắm, hay bắt heo bắt bò và tấn con người. Axing “trị” nó cũng xứng đáng. Bà con mình quan niệm rừng có luật rừng hẳn hoi. Rừng của thần đất, thần rừng chứ không phải của cọp. Ai vi phạm luật rừng, cọp chỉ có nhiệm vụ đi trừng trị. Nếu cọp mà vi phạm luật rừng thì thần rừng trừng trị”. Nếu axing vi phạm luật rừng thì có bị trừng trị không? Có! Zut khẳng định chắc chắn như vậy. “Năm ngoái có hai con axing mò ra bắt bò. Hôm sau liền bị dính bẫy của Arất Hạnh. Arất Hạnh bữa đó bẫy được thêm một con rắn hổ chúa rất to nữa. Hai con axing thì cúi đầu chịu tội nhưng con rắn hổ chúa thì vùng vẫy dữ lắm. Arất Hạnh phải vật lộn với con rắn thời gian khá lâu mới đem về nhà được. Ngày hôm sau thì Arất Hạnh bị chết. Người ta nói cũng do thần rừng trừng phạt!”. Arất Hạnh là tay thợ săn nổi tiếng của làng Asờ, bị chết hồi cuối năm 2003 sau khi bắt con rắn hổ chúa. Triệu chứng của cái chết Arất Hạnh rất giống triệu chứng chết do rắn hổ chúa cắn nhưng người làng cho rằng vì đụng chạm đến thần rừng nên bị trừng phạt. Mọi chuyện tai ương ở trong thung lũng ven con sông A Vương này đều “có bàn tay” của thần rừng can thiệp. Người Cơtu không bao giờ săn bắn chó sói. Người ta bảo nếu săn bắn chó sói thì làng sẽ bị mất mùa ba năm liền. Axing trở thành con vật cấm kỵ.

Chỉ còn ký ức
Khi đã ngà ngà say, bếp lửa gần tàn, câu chuyện gần chấm dứt thì tôi mới hỏi: “Năm nay đã thấy chó sói ra chưa?”. Zut trầm ngâm: “Chắc nó không ra nữa!”. Vì sao vậy? Có con đường Trường Sơn đi qua xe chạy ầm ào, rồi thủy điện A Vương đang thi công… Axing sợ nên phải vào rừng sâu, sâu hơn, cách làng này xa hơn, xa hơn nữa nên không ai còn thấy nó. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về chiếc ấm xamovan trong một truyện ngắn của Nga. Một gia đình phải rời làng cũ của mình ra đi đến một ngôi làng mới vì làng cũ nằm trong lòng hồ thủy điện. Khi ra đi, người ta có thể bỏ lại tất cả nhưng không bao giờ bỏ chiếc ấm xamovan. Nó là vật bất ly thân của gia đình. Chiếc ấm chứa một phần ký ức của cả một dân tộc. “Qua cái Tết này phải dời làng vào T’rung anh thấy thế nào?”. Zơrâm Cần – một người làng năm nay gần 60 tuổi – bảo: “Nhà nước bảo mình đi mình phải đi. Vì thủy điện, vì chuyện chung của đất nước. Nhưng mình cũng tiếc làng cũ lắm. Ở đây lâu rồi quen. Quen con nước trên sông trên suối, quen cái cây trên rừng này. Đến chỗ khác thấy cái cây cũng lạ nên sợ lắm…! Người Kinh bảo: “Đến đây sông nước lạ lùng. Nghe con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”. Nói xong, Zơrâm Cần cụp ánh mắt xuống nhiều tâm tư. Chỗ mà chúng tôi ngồi trò chuyện hôm nay, năm 2007 sẽ chìm sâu xuống mực nước 300 mét của đập chính thủy điện A Vương. Những người như Alăng Zut, Zơrâm Cần… sẽ vĩnh viễn không còn được về thăm làng cũ nữa.

Sau gần một năm khi Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công, ngày 23-12-2004 A Vương chính thức được chặn dòng. Mười bốn chiếc xe tải, hai chiếc xe xúc Tamrock đồng loạt hú còi lên vào lúc 10 giờ 55 phút. Mười viên đá tượng trưng được các đại biểu ném xuống. Sông A Vương đã trở thành đập thủy điện A Vương với diện tích hồ chứa hơn 9 km2. Nằm trong diện tích này 5 ngôi làng gồm Azal, Ađền, Dharèng, T’gung và Asờ có 278 hộ phải dời đi nơi khác. Azal là làng lòng hồ phải di dời toàn bộ. Trong buổi lễ chặn dòng, tôi hỏi anh Arất Le – Chủ tịch huyện Tây Giang: “Trước khi chặn dòng bà con mình có tổ chức lễ cúng thần chứ?”. Arất Le chỉ cười cười. Đúng vậy! Đêm trước, già làng Azal đã làm một mâm lễ tế thần Vư Grung – thần rừng núi. Nghi lễ ở vùng núi rừng này đơn sơ hơn hẳn nghi lễ tế sơn thần của người Nhật trước khi khoan mũi khoan đầu tiên xây dựng hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân. Tôi chợt hiểu ra, thiên nhiên, dù ở đâu, phương Tây hay phương Đông, bao giờ cũng là một cõi tâm linh sâu thẳm của con người.

Làng Azal chính là tên gọi mới của làng Axưa. Làng của những người Cơtu nằm dưới ngọn Bôl Chơ Piêng. Đó là xứ sở của Apui Aun. Những con ma nước ham mê sắc đẹp chiều chiều hiện lên trên các bến sông nhìn trộm các cô gái Cơtu tắm khỏa thân để bắt về làm vợ. Câu chuyện cổ tích về ma nước Apui Aun hay nguồn gốc của tục đòi của của người Cơtu khi con trai đi bắt vợ chính xác bắt nguồn từ làng Axưa. Ngôi làng chỉ vỏn vẹn hơn ba chục nóc nhà sàn. Muốn đi vào phải lên thuyền độc mộc. Tết này, người Cơtu ở đó cũng ăn Tết theo tục lệ của người Kinh. Đây chính là cái Tết cuối cùng của họ. Ra Tết họ phải dời làng đi. Axưa chỉ còn lại trong ký ức của người Cơtu với những chuyện hoang đường về xứ sở của chó sói. Những con chó sói lông màu hung, nanh màu trắng biết dùng nước đái để vây con mồi vào tuyệt lộ…