Tại sao mình nhím mọc nhiều gai trâm?

Xa xưa trên thân nhím chỉ có lông phủ, đôi ba con ngẫu nhiên trên mình mọc ra vài cái gai trâm dài và cứng. Song, chính vũ khí ấy lại phát huy tác dụng tự vệ rất hữu ích trước những kẻ địch to khỏe. Đặc trưng này do đó được di truyền cho đời sau, dần dần tăng lên.
Thời gian trôi lâu dần, lông phủ biến thành gai trâm mọc dày trên cơ thể. Rồi những con nhím chỉ có lông phủ, mà thiếu gai trâm, thì chết dần do sự đào thải tự nhiên. Kết quả là nhím trông như quả cầu gai ngày nay.

Nếu gặp địch hại, việc đầu tiên là nhím ta dựng đứng những cái gai trâm nhọn hoắt, sau đó cọ xát các gai vào nhau làm phát ra tiếng “soa, soa, soa”, trong khi miệng kêu “iê, iê” để dọa dẫm. Nếu kẻ địch không hề chú ý đến việc cảnh báo này, mà cứ tiếp tục lao vào nhím, thì nó sẽ quay lưng đi lại giật lùi trúng kẻ địch, vật lộn với địch.

Thân mình nhím béo mập, nặng mười mấy kg, răng rất sắc, đầu hơi giống chuột, toàn thân màu nâu lá cọ, suốt từ lưng đến đuôi đầy những gai sừng cắm như một chùm mũi tên, gai sừng ở phần hông dài và tập trung, cái đuôi bé và ngắn hầu như bị gai châm che lấp hết. Chiếc gai trâm dài và thô nhất giống như chiếc đũa, hình thoi, cái dài nhất tới 0,4m, mỗi cái gai có đoạn màu đen, đoạn trắng xen kẽ nhau.

Nhím là động vật ưa hoạt động về đêm, ngày ẩn trong các hang hốc ở bãi cỏ hoặc rừng rậm ở dốc núi, đến đêm bò ra kiếm ăn; có lúc đi thành đàn nhỏ vài con để hoạt động. Mỗi năm nhím đẻ một lần, mỗi lần đẻ 2 – 4 con, gai trên thân của nhím mới đẻ rất mềm, song rất nhanh cứng lại. Nhím ăn thức ăn có tính thực vật, các loại nông sản như quả dưa, rau xanh, ngô, lạc, củ cải và khoai.