Những ngày lang thang trên đất Tây Nguyên nóng bỏng nắng gió, thật may khi đã được gặp già làng A Lưu – người hát sử thi của buôn làng Kon Klor2, người được tôn vinh là “linh hồn” của làng. Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nằm chênh vênh trên sườn đồi vắng, người đàn ông nhỏ bé, có nước da bánh mật ấy đã hát về những câu chuyện bi hài tưởng như bất tận của người Tây Nguyên qua lời hát ngọt ngào mà đầy huyền bí…
“Báu vật sống” của người Ba Na
Ngay từ nhỏ, cậu bé A Lưu đã được người mẹ của mình kể cho nghe những câu chuyện thần thoại về chàng Giông, về sức mạnh phi thường của thần sét hay về ông già Prôn hay đi đánh nhau để bảo vệ lẽ phải. Rồi những câu chuyện ấy cứ theo A Lưu lớn dần lên theo năm tháng. Mới hơn 10 tuổi, A Lưu đã thuộc vanh vách những câu chuyện dài như con suối, như vực sâu của thôn làng Kon Klor2. Rồi không biết tự khi nào, A Lưu đã trở thành “người lưu giữ kho báu” sử thi huyền thoại của người Ba Na. Dấu chân ông đã băng qua biết bao bản làng, đồi nương để hát sử thi cho đồng bào mình nghe.
Hiện nay, già A Lưu vẫn cùng vợ con lên rẫy lao động sản xuất. Nhưng cứ sau một ngày lao động mệt nhọc, buổi tối bà con lại thường tụ tập tại nhà già A Lưu để nghe hát sử thi. Những câu chuyện ấy như dòng suối ngọt lành theo năm tháng cứ bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người dân làng Kon Klor2 lớn lên. Nhưng cũng có khi ở ngay trên rẫy, những lúc nghỉ ngơi, mỗi lần cao hứng A Lưu lại cất cao giọng hát làm xua tan đi bao mệt nhọc, gian khó của cuộc sống thường ngày. Mỗi lần được nghe ông diễn xướng sử thi là mỗi lần người nghe lại có dịp khám phá thêm những điều mới mẻ về sức sáng tạo nghệ thuật của người nghệ nhân tài hoa này.
Ông là “báu vật sống” của cộng đồng người Ba Na. Cho đến giờ, chính già A Lưu cũng không nhớ hết mình đã diễn xướng bao nhiêu lần cho đồng bào mình nghe những áng sử thi bất hủ và càng khó biết mình đã thuộc bao nhiêu tác phẩm. Sử thi “Giông, giỗ mồ côi từ nhỏ” đã được già A Lưu diễn xướng gần 14 tiếng đồng hồ. Chỉ cần một không gian yên tĩnh vài li rượu cho cảm xúc dâng trào là ông có thể diễn xướng bất cứ lúc nào.
Mỗi khi trong làng có người qua đời, người ta lại đến tìm già A Lưu. Và ông già ấy lại khăn gói lên đường. Người Ba Na cho rằng: “Khi nghe hát sử thi, những người chết về Yàng (trời) sẽ không còn buồn tủi nữa”. Và họ luôn say mê lời hát của già A Lưu, những câu chuyện về lòng vị tha, về tình nghĩa anh em sâu nặng bền chặt, về ý chí vượt qua gian khổ, về lòng tin và đức hi sinh. Mỗi khi già A Lưu xuất hiện, là ở nơi đó từ người già đến trẻ nhỏ đều tụ tập rồi xếp thành một vòng tròn ngồi nghe ông hát. Vào những dịp đám thanh niên trai trẻ “ngủ đoàn kết” tại nhà Rông, chỉ cần yêu cầu là già A Lưu tới. Những câu chuyện của già A Lưu hát thì dài lắm, bình quân một câu chuyện ông phải hát trong một ngày, có khi đến ngày rưỡi, hai ngày. Dân làng thích nhất là câu chuyện vui về chàng Giông đi tán gái, chàng Giông đi săn chó…
Nỗi niềm người “giữ lửa”
Sử thi là di sản văn hóa quý giá của dân tộc, là loại hình nghệ thuật sống động, khi diễn xướng có sức hấp dẫn và cuốn hút mọi lứa tuổi, tầng lớp. Nhưng hiện nay sử thi đang dần dần bị mai một. Cả tỉnh Kon Tum chỉ còn lại 3 người biết hát sử thi là già A Lưu, A Bech, A. Ă.- những người đó lại đã già yếu mà chưa hề có tầng lớp kế cận.
Bằng nét mặt buồn rầu, xen lẫn lo lắng, già A Lưu tâm sự: “Những người như già này rồi cũng sắp về với sông, với suối, với cội nguồn tổ tiên thôi. Nhưng còn “cái sử thi” kia thì ai lưu giữ? Rồi đây buôn làng người Ba Na lấy ai mà hát sử thi cho con cháu nghe. Rồi chúng sẽ quên hết cả những điều tốt đẹp về cội nguồn, phong tục, đạo đức, lối sống của người Ba Na ta thôi… Ta lo lắm! Tuổi của chúng ta ngày càng cao, sức khỏe cũng theo thời gian mà cạn kiệt. Để sử thi Tây Nguyên được lưu truyền, ngoài việc đầu tư kinh phí để điều tra, sưu tầm, xuất bản, thì cơ quan chức năng cũng cần đầu tư để chúng ta mở lớp dạy hát sử thi cho lớp trẻ”. Đó là mong ước, nguyện vọng tha thiết của “người còn sót lại cuối cùng” biết hát sử thi Tây Nguyên của thôn Kon Klor2.
Sau những giờ lên rẫy, già A Lưu lại trầm ngâm trong ngôi nhà nhỏ của mình, tự sự với những bản trường ca Tây Nguyên dài bất tận. “Ta sẽ hát sử thi Tây Nguyên cho đến khi trở về với đất mới thôi. Người Ba Na cũng muốn vậy mà”- già A Lưu nói. Vượt lên những khó khăn, vất vả của cuộc sống thường ngày, người “nghệ nhân dân gian” ấy vẫn một lòng trắc ẩn với việc truyền dạy sử thi cho thế hệ mai sau. Hy vọng rằng, mong ước của già A Lưu cũng như của bà con làng Kon Klor2 sẽ sớm được thực hiện.