Thông tin về các vụ buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép ĐVHD điển hình

ThienNhien.Net – Buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép ĐVHD đã và đang là một vấn đề bức xúc, được sự quan tâm của toàn xã hội. Dưới đây là một số thông tin về tình hình một số vụ nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán ĐVHD điển hình trong thời gian gần đây được giới thiệu bởi Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).

19 con hổ bị nuôi nhốt trái phép tại một công ty bia

Hiện tại 19 chú hổ được nuôi nhốt trái phép tại tỉnh Bình Dương vẫn đang chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ nhằm tìm ra một cơ sở hợp pháp để cứu hộ. Theo nguồn tin nhận được thì 4 trong số chúng có nguồn gốc từ Campuchia được buôn lậu sang Việt Nam, sau đó sinh sản được thêm 15 cá thể hổ con nữa. Vấn đề đặt ra là cần tìm được một cơ sở chuyển giao thích hợp đối với số hổ này. Các trung tâm cứu hộ hiện tại, kể cả Sở thú Hà Nội và Sở thú Sài Gòn đều không có đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận thêm các cá thể hổ khác. Một số chuyên gia kiến nghị nên tiến hành kiểm tra DNA đối với 4 chú hổ bố mẹ để xác minh nguồn gốc chính xác của chúng và để xác định xem đó là giống hổ thuần Đông Dương hay là giống lai. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi nuôi nhốt hổ mà không được sự cho phép của chính quyền. Giả sử 4 con hổ bố mẹ đúng là có nguồn gốc từ nước ngoài, thì xét về lý tổ chức CITES phải cấp giấy phép cho phép số hổ này được vận chuyển vào Việt Nam.

Quyết định xử lý 15 con gấu ở Vĩnh Long chưa được gắn chip

15 chú gấu ngựa này được đề nghị chuyển về Trung tâm cứu hộ Gấu Tam Đảo ngay sau khi trung tâm này đi vào hoạt động. Theo Quyết định số 02/QĐ-BNN ban hành ngày 5/1/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau này được bổ sung bởi Quy chế 47 ban hành tháng 6/2006), tất cả mọi cá thể gấu đang được được nuôi nhốt trên toàn quốc đều phải được đăng ký và gắn chíp trước ngày 28/2/2005. Sau thời hạn này, bất cứ đối tượng nào nuôi nhốt gấu chưa được gắn chíp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Thời hạn gắn chíp được quy định nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán gấu trái phép và hạn chế sự xuất hiện của những con gấu mới chưa được đăng ký. Các cơ quan chức năng có thể thực thi pháp luật một cách nghiêm minh dựa trên việc gấu có được gắn chíp hay không. Trên thực tế, 15 con gấu ở tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa được đăng kí gắn chíp và đang bị nuôi nhốt trái phép.

Voi hoang dã Việt Nam đang trong tình trạng nguy cấp

Một chú voi đực 3 tuổi bị săn bắt tại tỉnh Đắk Lắk vẫn đang bị nuôi giữ trái phép trong khi các quan chức tỉnh đang tìm kiếm biện pháp thích hợp cho vụ việc. Một số thợ săn trên địa bàn tỉnh săn được chú voi hoang dã này ở huyện Buôn Đôn vào tháng 12 với dự định sẽ thuần hoá thành voi nhà.

Con vượn ở Cần Thơ chết trước khi được cứu hộ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tp. Cần Thơ, con vượn bị nuôi nhốt trái phép tại một khu du lịch trên địa bàn thành phố này đã chết trước khi các cơ quan chức năng kịp tịch thu và chuyển giao về trung tâm cứu hộ. Con vượn bị nuôi nhốt và trưng bày làm sinh vật cảnh tại Khu du lịch sinh thái Phù Sa Eco và theo kế hoạch sẽ được chuyển giao đến Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp – Vườn quốc gia Cúc Phương. Cái chết của con vượn là một ví dụ điển hình cho thấy các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý kịp thời đối với các vụ việc liên quan đến ĐVHD – đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm.