Sư tử TikTok và nạn nuôi động vật hoang dã làm thú cưng ở Campuchia

Vụ bắt giữ một con sư tử châu Phi bị nuôi làm thú cưng ở Phnom Penh đã khiến các nhà bảo tồn môi trường đặt vấn đề về lỗ hổng trong luật bảo vệ động vật hoang dã ở Campuchia.

Cảnh sát Campuchia ngày 27/6 đã tịch thu một con sư tử 18 tháng tuổi được một người đàn ông Trung Quốc ở Phnom Penh nuôi làm thú cưng, theo Khmer Times.

Trước đó, con sư tử nặng 70 kg được nuôi nhốt trong khuôn viên của một biệt thự ở khu Khan Boeung Keng Kang thuộc thành phố Phnom Penh.

Tổ chức phi chính phủ Wildlife Alliance, đơn vị hỗ trợ cuộc đột kích nhằm tịch thu con sư tử, cho biết móng vuốt và răng nanh của con vật đã bị cắt bỏ.

Bắt sư tử nhờ video TikTok

Sau vụ bắt giữ trên, các nhà bảo tồn môi trường đã cảnh báo về tình trạng ngày càng nhiều động vật hoang dã bị bắt làm thú cưng ở thủ đô của Campuchia.

Các nhà chức trách thông tin rằng họ biết đến sự tồn tại của cá thể sư tử ở Khan Boeung Keng Kang sau khi thấy con vật xuất hiện trong một video đăng tải trên mạng xã hội TikTok vào tháng 4.

Một ngày trước khi con sư tử bị thu giữ, người dùng Twitter Stephen Higgins đã chia sẻ bức ảnh từ flycam chụp con vật đi dạo trong khuôn viên căn biệt thự ở khu Khan Boeung Keng Kang.

Con sư tử hiện đã được chuyển đến Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Phnom Tamao ở tỉnh Kandal lân cận, theo South China Morning Post.

Con sư tử được nuôi nhốt trong khuôn viên của một biệt thự ở khu Khan Boeung Keng Kang thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Reuters.

Giám đốc Cục Lâm nghiệp Campuchia Keo Omaliss cho biết trước đây cơ quan của ông chưa từng xử lý trường hợp nào liên quan đến sư tử, vốn không phải là loài động vật hoang dã bản địa ở Campuchia.

“Thật đáng sợ khi thấy một con sư tử đi lòng vòng ở Phnom Penh”, giám đốc Omaliss nói. Ông nói thêm rằng con sư tử nhiều khả năng được đưa đến Campuchia khi còn non vì “khi nó còn bé, chẳng ai biết liệu đây có phải chó hay loài gì đó khác không”.

Ông Omaliss cho biết giới chức Campuchia phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để trấn áp việc buôn bán động vật hoang dã ở nước này mỗi lần một tháng. Chim, rùa, lợn và gấu chó là các loài động vật hay được thu giữ nhất.

“Nếu phát hiện một loài động vật quý hiếm, chúng tôi sẽ phản ứng rất nhanh”, ông Omaliss nói.

Lỗ hổng trong luật

Theo Thomas Gray, nhà sinh vật học bảo tồn ở Phnom Penh, người có nghiên cứu sâu rộng về buôn bán động vật hoang dã, Campuchia không cấm người dân sở hữu các loài động vật không phải bản địa, đơn cử như sư tử châu Phi.

“Vụ bắt giữ con sư tử này quả thật là khá hiếm gặp, song đây hẳn không phải loại vật nuôi không phù hợp duy nhất ở Phom Penh và các nơi khác trên khắp Campuchia”, ông Gray nói.

Ông Gray cho biết các lệnh cấm rời rạc của Campuchia hiện nay chỉ áp dụng cho một số loài động vật cụ thể như voi châu Phi. Ngoài ra, luật pháp nước này cũng cấm hoạt động buôn bán các bộ phận của những loài động vật cụ thể.

Bộ Môi trường Campuchia cho biết trường hợp cá thể sư tử ở Khan Boeung Keng Kang bị thu giữ theo Luật Lâm nghiệp của nước này, quy định cấm săn bắt động vật hoang dã hoặc khai thác lâm sản mà không đóng thuế.

Con sư tử nặng 70 kg được đưa khỏi nhà người đàn ông Trung Quốc ở Campuchia. Ảnh: Reuters.

Campuchia từng lên kế hoạch triển khai chiến dịch cấm buôn bán các loài động vật có tên trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Tuy nhiên, dự thảo này đã bị hoãn lại từ năm 2016 đến nay.

Việc ban hành chính sách nói trên được cho là sẽ giúp cụ thể hóa những loài động vật cần được bảo vệ. Bởi theo ông Gray, “người Campuchia vẫn gặp khó khăn trong việc nắm bắt danh sách cập nhật các loài được bảo vệ bởi luật pháp nước này”.

“Tôi chắc chắn hầu hết quan chức Bộ Môi trường Campuchia không biết những loài cụ thể được bảo vệ bởi luật pháp”, ông Gray nói.

Ngoài sư tử, ông Gray cho rằng vẹt và chim săn mồi là các loài động vật bị mua bán trao đổi nhiều ở Campuchia.

Cộng đồng mua bán chim công, diều hâu và vẹt đã xuất hiện trên các hội nhóm Facebook ở Campuchia. Các cửa hàng cà phê chim cảnh cũng trở nên phổ biến hơn ở quốc gia này.

Nhiều cá thể vẹt và chim lạ khác trên thị trường Campuchia được cho là đã bị bắt từ môi trường tự nhiên ở Indonesia. Trong nhiều năm, các nhà bảo tồn đã cảnh báo rằng việc săn bắt và buôn bán quá mức đang khiến một số loài quý hiếm ở xứ vạn đảo bị tuyệt chủng.

Ông Gray cho biết nhiều loại chim cánh diều đen, chim ưng mào trắng và những giống chim bản địa Campuchia cũng được rao bán trên thị trường nước này trong những năm gần đây.

Cà phê sân vườn với lồng chim ngày càng phổ biến ở Campuchia. Ảnh: SCMP.

Quan điểm trái chiều của cộng đồng

Các nhà chức trách Campuchia đang gặp khó khăn trước nhiều luồng quan điểm trái chiều của người dân về công tác bảo tồn động vật hoang dã, theo South China Morning Post.

Một cuộc khẩu chiến xoay quanh vụ bắt giữ con sư tử ở Phnom Penh đã nổ ra trên mạng xã hội ở Campuchia. Trong khi nhiều người cảm thấy thương cảm cho điều kiện bị nuôi nhốt của con sư tử, một số khác lại cho rằng con vật không nên bị tách khỏi chủ như vậy.

Một người dùng Facebook ở Campuchia tên Qi Xiao, tự nhận là chủ nhân con sư tử, đã đăng tải bài viết bằng tiếng Khmer yêu cầu giới chức sở tại trao trả con sư tử cho mình. Bài đăng này đã nhận được hơn 26.000 lượt chia sẻ.

Ông Omaliss cho biết quyết định tiếp theo đối với con sư tử phụ thuộc vào tòa án thành phố Phnom Penh.

“Tôi không nghĩ (tòa án) có kế hoạch trả lại con sư tử”, ông Omaliss nói. “Chuyện này phụ thuộc vào công tố viên. Ai vi phạm luật thì người đó phải chịu phạt thôi”.

Đại Hoàng (Theo South China Morning Post)

Nguồn: