Ủy ban châu Âu cập nhật quy tắc chống săn trộm và buôn lậu ngà voi

Ngày 16/12/2021, Ủy ban châu Âu (EU) thực hiện các bước tiếp theo nhằm cấm triệt để hầu hết các hình thức buôn bán ngà voi của EU, như đã được công bố trong Chiến lược đa dạng sinh học năm 2030. Các biện pháp mới được thông qua tái khẳng định và đưa ra cam kết của EU trong việc thực hiện các hành động tiếp theo nhằm chống lại nạn săn trộm voi và buôn bán ngà voi trên toàn cầu. Bước bổ sung này diễn ra sau khi Ủy ban thông qua đề xuất vào đầu tuần này về Chỉ thị mới của EU trong việc trấn áp tội phạm môi trường.

Ủy viên phụ trách Môi trường, Đại dương và Thủy sản Virginijus Sinkevičius cho biết: “Thế giới đang mất dần động vật hoang dã với tốc độ đáng kinh ngạc. Hàng nghìn cá thể voi bị giết mỗi năm và ngà của chúng thường bị bán ra thị trường quốc tế. Để đảo ngược xu hướng toàn cầu này và để bảo vệ đa dạng sinh học, mỗi chúng ta đều cần phải hành động. Với các biện pháp hiện nay, chúng tôi đang thực hiện lời hứa trong việc hành động hơn nữa chống lại nạn buôn bán ngà voi và gửi một tín hiệu rõ ràng rằng ngà voi ở EU không còn có thể được giao dịch như các mặt hàng khác và cũng không nên tồn tạ ở các nơi khác. Chúng tôi muốn loại bỏ mọi rủi ro còn lại mà các hoạt động ở EU gián tiếp cung cấp cho thị trường ngà voi bất hợp pháp ở nước ngoài”.

Luật về ngà voi của EU sẽ ngày càng cứng rắn hơn, phù hợp với luật của Vương quốc Anh (Ảnh: Pawan Sharma)

Theo thông cáo do EU phát hành, Hướng dẫn sửa đổi của Ủy ban về cơ chế EU quản lý hoạt động buôn bán ngà voi – được thông qua ngày 16/12/2021 – tuân theo các biện pháp đã được thực hiện trong Kế hoạch hành động nhằm chống buôn lậu động vật hoang dã để loại bỏ ngà voi bất hợp pháp khỏi thị trường EU. Theo đó, toàn bộ hoạt động buôn bán ngà voi thô trên thị trường EU bị cấm hoàn toàn ngoại trừ mục đích duy nhất là sửa chữa các đồ vật chứa ngà voi cổ.

Cùng với các sửa đổi đổi được thực hiện đối với Quy định 865/2006 của Ủy ban, Hướng dẫn cũng đình chỉ hoạt động buôn bán các mặt hàng ngà voi đã qua xử lý trong nội khối EU trừ khi các điều kiện nghiêm ngặt được đáp ứng. Theo các quy định mới, việc buôn bán các mặt hàng ngà voi đã qua chế tác trong nội bộ EU chỉ được phép nếu các mặt hàng được đề cập trước năm 1947 và các giao dịch thương mại chỉ được phép khi có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng các quốc gia thành viên. Những giấy chứng nhận này vẫn có thể được cấp cho hoạt động buôn bán nhạc cụ có chứa ngà voi trong nội khối EU từ trước năm 1975 trong khi các hạn chế bổ sung sẽ áp dụng đối với việc nhập khẩu và tái xuất khẩu ngà voi từ EU.

EU đã có những quy định rất nghiêm ngặt về buôn bán ngà voi. Năm 2017, Ủy ban châu Âu công bố phiên bản đầu tiên của Hướng dẫn, đình chỉ tái xuất khẩu ngà voi thô và khuyên các nước EU áp dụng giám sát đặc biệt trong việc đánh giá các đơn đăng ký từ các nhà giao dịch tiềm năng. Điều này đã góp phần hạn chế các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ngà voi trên khắp EU.

Việc EU thắt chặt hơn nữa các quy định về buôn bán ngà voi theo các biện pháp trước đó được thực hiện trong bối cảnh EU đã có kế hoạch hành động chống buôn bán động vật hoang dã năm 2016, đặc biệt là lệnh cấm xuất khẩu ngà voi thô được quyết định vào năm 2017.

Theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), việc buôn bán quốc tế ngà voi bị cấm với các trường hợp miễn trừ có giới hạn nghiêm ngặt. Công ước CITES được thực hiện ở EU thông qua “các quy định về buôn bán động vật hoang dã của EU ”, tuy nhiên, bản thân Công ước lại không điều chỉnh hoạt động buôn bán ngà voi nội địa bao gồm nội khối EU.

Huyền Trang

Nguồn: