Vượt hàng trăm cây số bàn giao động vật quý hiếm cho Vườn quốc gia Cúc Phương

Một người dân tỉnh Bắc Giang đã vượt hàng trăm km để bàn giao chim đại bàng đầu nâu, loài động vật rừng cực kỳ quý hiếm cho Vườn quốc gia Cúc Phương.

Ngày 14/3, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận, cứu hộ 01 cá thể động vật rừng cực kỳ nguy cấp, quý hiếm từ người dân tại Bắc Giang.

Cá thể động vật nói trên là chim đại bàng đầu nâu (Aquila heliaca), loài động vật này thuộc nhóm IB danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ. Đây là loài động vật rừng cực kỳ quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN.

Chim đại bàng đầu nâu, loài động vật rừng cực kỳ quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN

Được biết chim đại bàng đầu nâu này là cá thể chưa trưởng thành đã sà xuống khu vườn 1 nhà dân cạnh cánh đồng tại xã Mai Trung (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và không bay lên được. Sau đó người dân tại đây bắt được và tìm cách nuôi dưỡng.

Qua tìm hiểu, người dân đã biết được đại bàng đầu nâu là loại động vật rừng cực kỳ nguy cấp, quý hiếm được luật pháp bảo vệ và Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật – Vườn quốc gia Cúc Phương là cơ quan chức năng được nhà nước giao nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã nên người dân nơi đây (đại diện là anh Nguyễn Văn Quế) đã chủ động liên hệ nhờ hỗ trợ và đề nghị tiếp nhận, cứu hộ.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, Vườn quốc gia Cúc Phương đã cử cán bộ xác minh và hướng dẫn người dân về loại thức ăn và cách chăm sóc, cho đại bàng ăn sơ bộ để đảm bảo sức khỏe, khẩn trương chuyển về Vườn quốc gia Cúc Phương chăm sóc, nuôi dưỡng.

Vượt hàng trăm km để bàn giao động vật quý hiếm cho Vườn quốc gia Cúc Phương

Ngay từ 4h sáng sớm ngày 13/3, anh Quế và 1 số người dân tại xã Mai Trung đã di chuyển hàng trăm km nhanh chóng đến Vườn quốc gia Cúc Phương, tận tay chuyển giao cá thể đại bàng trên cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật.

Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật cùng những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương vô cùng cảm kích trước hành động đầy nhân văn này.

Qua việc làm ý nghĩa của anh Quế cùng những người dân tại Hiệp Hòa, Bắc Giang không những chỉ cứu sống 1 cá thể động vật cực kỳ quý hiếm có cơ hội sống xót để trở về với “ngôi nhà” của mình, mà còn giúp lan tỏa trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã tới cộng đồng.