Cam kết mạnh mẽ tại COP26 mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho Việt Nam

Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quang cảnh Hội thảo trực tuyến công bố kết quả hội nghị COP26 – Hành động của Việt Nam, ngày 7/12. (Ảnh: VT)

Chiều 7/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu phối hợp Đại sứ quán Anh và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố kết quả Hội nghị COP26 – Hành động của Việt Nam và Kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam (phiên bản cập nhật năm 2020).

Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ hơn 450 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Việt Nam cam kết tham gia vào nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành một thách thức lớn nhất, một vấn đề khẩn cấp đối với nhân loại trên toàn cầu, cùng với đại dịch Covid-19 gây ra tác động kép và có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với nhau.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình trạng nước biển dâng đang tác động đến cuộc sống của mọi người dân trên Trái đất, đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Điều này đã đặt ra cho Hội nghị COP26 nhiệm vụ phải giải quyết một vấn đề hết sức hệ trọng với thế giới.

Bộ trưởng cho biết, với việc bám sát, phân tích kỹ lưỡng diễn biến tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, dự báo sát xu thế của thời đại, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức kịp thời, quyết liệt để Việt Nam tham gia cùng các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp vào thành công của Hội nghị.

Cụ thể, tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra lời kêu gọi đoàn kết để đạt được mục tiêu chung trong bối cảnh hiện nay còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau trong từng khối, nhóm nước. Nhiều nội dung cam kết hành động đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra.

Theo Bộ trưởng, đây là những quyết định mang tính cách mạng và một quyết tâm chính trị lớn, bao gồm cam kết cùng cộng đồng thế giới đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải khí methane đến năm 2030, tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch và tiến tới không sử dụng năng lượng hóa thạch, Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất…

“Là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế, trong khi lại chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, và mong muốn nhận được sự hợp tác từ cộng đồng quốc tế trong các vấn đề chuyển giao công nghệ, chia sẻ tri thức, đóng góp tài chính để thực hiện nhiệm vụ cao cả, nhưng vô cùng khó khăn này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực thảo luận để ký kết các chương trình, kế hoạch hợp tác với nhiều đối tác quan trọng, trong đó có các đối tác phát triển và các nước, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0. Bộ trưởng kêu gọi các nước, các tổ chức trong và ngoài nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sớm triển khai các hoạt động hợp tác, chung tay cùng Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm thực hiện các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: VT)

Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu

Trình bày kết quả hội nghị COP26 và triển khai thực hiện kết quả COP26 tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tấn nhận định, Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển thế giới, từ dựa trên năng lượng hóa thạch sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng 0.

Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì và phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái

Cùng với Gói Thỏa thuận khí hậu Katowice được thông qua tại COP24 năm 2018, Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại COP26, Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris cơ bản được hoàn tất, là cơ sở để các quốc gia triển khai Thỏa thuận Paris trong nước, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp đầu tư cho ứng phó biến đổi khí hậu.

“Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Tấn cho hay.

Theo ông, Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao. Việc cam kết đưa phát thải ròng về 0 và tham gia cam kết giảm phát thải khí methane đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Nhấn mạnh phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển, ông Tấn cũng nêu những thách thức trong quá trình thực hiện tại Việt Nam. Cụ thể, việc huy động và duy trì sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, với quyết tâm kiên định thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn; nguồn lực trong nước rất thiếu, nguồn lực nước ngoài dồi dào nhưng khó vào Việt Nam do vướng cơ chế, thủ tục hành chính. Ngoài ra, nguồn nhân lực trong nước hiện chưa đáp ứng để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.

Tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế chúc mừng Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ trong khuôn khổ Hội nghị COP26, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa các cam kết này.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward:

“Việc Việt Nam công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã thể hiện một cách ấn tượng vai trò lãnh đạo về khí hậu của quốc gia, đồng thời gửi thông điệp quan trọng tới cộng đồng quốc tế về hướng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Trong tương lai, Vương quốc Anh cùng các đối tác phát triển cam kết thúc đẩy và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu mới thông qua tăng cường những đề xuất về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.

Chúng tôi muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tìm ra phương thức kết hợp phù hợp giữa tăng cường đầu tư công, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi để giảm chi phí cho quốc gia và đưa ra những biện pháp quản lý thích hợp, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những khoản đầu tư xanh trong 20 năm tới”.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam:

“Chúng tôi chúc mừng Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu. Chúng tôi đặc biệt khen ngợi cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao tham vọng và tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu. Đã đến lúc phải điều chỉnh lại các chính sách, khung pháp lý, chiến lược, kế hoạch đầu tư để đạt được những mục tiêu mới này.

Mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được với sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ. UNDP cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các đối tác phát triển, doanh nghiệp, nhà khoa học, phụ nữ, thanh niên và cộng đồng địa phương, để theo đuổi phương pháp tiếp cận toàn Chính phủ và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa các tham vọng mới này”.