Tam Đảo: Du lịch sinh thái hay… phá sinh thái?

Mới đây, làm việc với báo chí để giải thích về dự án Tam Đảo đang gây xôn xao dư luận. UBND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên bố, tỉnh không làm kinh tế bằng mọi giá. Tuy nhiên, tỉnh vẫn … trình dự án, chờ xét!
Trao đổi với báo chí vào chiều 21/6 về việc tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến chuyển mục đích sử dụng 300 ha tại vùng lõi Vườn quốc gia Tam Đảo (VQG) thuộc địa phận Tam Đảo 2 để xây dựng một khu du lịch sinh thái, ông Phùng Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, hiện nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, có thể được hoặc có thể không được phê duyệt thực hiện!
300 triệu USD cho khu du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia
UBND tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sẽ sử dụng gần 200 ha đất tại vùng lõi VQG Tam Đảo để xây dựng Khu du du lịch sinh thái (thực chất đây là một khu nghỉ cao cấp có khu villa, sân gold, sòng bạc…).
Ông Nguyễn Ngọc Tung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, đơn vị chủ trì thực hiện các thủ tục cơ bản của ’’dự án’’ Tam Đảo 2  cho biết, việc Vĩnh Phúc dự kiến thực hiện xây dựng Tam Đảo 2 vì ba lý do: Xuất phát từ ý tưởng người Pháp đã làm từ trước 1954, có cơ sở hạ tầng đường sá, có lợi thế về độ cao, khí hậu, mặt bằng, phong cảnh phục vụ cho phát triển du lịch; tiếp đó, Vĩnh Phúc nằm trong chiến lược phát triển du lịch cả nước trong đó có Tam Đảo. Lý do cuối cùng được nêu ra là, trong Quy hoạch phát triển du lịch cũng như Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và phát triển đô thị của Vĩnh Phúc từ 2010-2020 và trong Nghị quyết của tỉnh cũng nêu vấn đề phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn và tập trung nghiên cứu khai thác Tam Đảo, dãy Tam Đảo có thể phát triển du lịch sinh thái, trong đó có Tam Đảo 1 và Tam Đảo 2.
Theo ông Tung, người Pháp đã mở đường từ Tam Đảo 1 đến Tam đảo 2 được 5-6km nhưng sau giải phóng (1945) thì không thực hiện được nữa, nhưng đường đi bộ nối 2 khu dài khoảng 10km vẫn có.

 
Làm đường chuẩn bị cho khu du lịch? Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, việc làm đường bộ nối từ Tam Đảo 1 sang Tam đảo 2 chỉ là ’’cải tạo tuyến đường cũ người Pháp để lại’’ (Ảnh: K. Minh)


Điều này đã được ông Phùng Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận. Theo ông Hùng, ý tưởng khai thác Tam Đảo 2 hình thành bởi đây là khu vực có không khí trong lành, lại cách Hà Nội khoảng 1,5 giờ đi đường nên có thể trở thành điểm nghỉ dưỡng lý tưởng. Chính vì vậy, Vĩnh Phúc muốn xây dựng Tam Đảo 2 bài bản, hiện đại vì Tam Đảo 1 hầu như không theo quy hoạch, ô nhiễm, nhà xây kín, bê tông hoá, đất đai cũng chuyển đổi nhiều…
Trước ý tưởng đó, Công ty Belt Collin Hawaii Ltd và Công ty Vietnam Patrers LLC (Hoa Kỳ) đã đưa ra 3 phương án xây dựng Tam Đảo 2. Cụ thể, phương án 1 tập trung phát triển phần lớn cho khu vực lòng chảo hoặc thung lũng ở phía trên các khu đất. Phương án này duy trì vùng đất ướt và vùng đệm như là công viên thiên nhiên và trở thành không gian mở đặc thù của vùng.
Ở đây sẽ có một trung tâm môi trường gồm các hạng mục trong nhà và ngoài trời. Đây không phải là vườn thú, bể cá hay vườn thực vật mà gồm tất cả các công trình này gộp lại thành một khu nhà tập hợp 3 vùng sinh thái của miền Bắc Việt Nam (vùng rừng nhiều mưa Tam Đảo, vùng đất nông nghiệp miền trung du và đồng bằng sông Hồng).
Tại đây cũng sẽ xây khu nhà nghỉ cao cấp, Trung tâm Hội nghị và sòng bạc (nếu được cho phép) công trình gồm 200-400 phòng sẽ được bố trí tuỳ thuộc phương thức khai thác khách sạn, chiều cao và hình khối nhà, chỗ đỗ xe và các công trình phụ trợ. Đồng thời, xây dựng một sân golf 9 lỗ và các khu giải trí: công viên thiên nhiên, chuồng ngựa, thuỷ cung, thuỷ viên, vườn thú, vườn ươm và vườn ươm thực vật…
Phương án 2 và phương án 3 hầu như giữ nguyên các hạng mục, chỉ thay đổi vị trí của khu nghỉ cao cấp, các khu giải trí, sòng bạc chính (nếu được cho phép).
Hiện có 2 nhà đầu tư sẵn sàng bỏ kinh phí khoảng 300 triệu USD để biến ý tưởng thành hiện thực.
Du lịch sinh thái hay… phá sinh thái?

Vườn quốc gia Tam Đảo: Lá phổi điều hoà khí hậu cho cả miền Bắc.

Tam Đảo cách HN 86km, là một trong 30 VQG của cả nước. Đây là một địa danh nổi tiếng về du lịch với những ưu thế đặc trưng về khí hậu. Tam Đảo cũng là nơi hội tụ của hơn 490 loài thựuc vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm nhiư Sam bong, Pơ mu, Thông tre, Kim giao, Lèn xanh, Sa nhân, Đỗ Quyên cùng các loại phong lan, địa lan nổi tiếng. VQG Tam Đảo có đến 281 loài như hổ báo, khỉ, voọc đen má trắng, hươu, nai, gà lôi, chồn hương…trong đó có loài đặc hữu đặc biệt quý hiếm như Sa Dông (Cá Cóc), gà so cổ đỏ cùng hang trăm loài côn trùng độc đáo…

Vùng đất ướt của VQG Tam Đảo bắt đầu từ độ cao 1.100m cho đến độ cao 1.403m (khu lòng chảo) được đánh giá độc đáo hơnc ả. Nơi đây được coi như lá phổi điều hoà kkhí hậu cho cả miền Bắc.

Tuy nhiên, dự án này gặp phải sự phản ứng mạnh từ các nhà khoa học, nhà quản lý.

Theo TS Nguyễn Ngọc Sinh-Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam: Việc khai thác     phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Tam đảo chắc chắn sẽ gây ra những tác động xấu đến toàn bộ diện tích còn lại của VQG, đến các hệ sinh thái, các loài, nguồn gene…
Đặc biệt, việc làm này sẽ tạo tiền lệ không tốt cho việc thực thi các quy định bảo vệ VQG, làm mất lòng tin của nhân dân… UBND tỉnh Vĩnh Phúc nên xem xét lại và ngừng ngay dự án.
Trước phương án này, GS.TSKH Nguyễn Văn Trương, Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái nhận định: Tính chất kinh doanh nhiều hơn là bảo vệ môi trường sinh thái.
TS. Lê Khắc Côi – Trưởng phòng Lâm Nghiệp của WWF Việt Nam cho rằng : Đối với VQG, vùng lõi là nhân tố quyết định. Nếu mất đi vùng lõi thì đa dạng sinh học không còn và do đó, về thực chất, VQG không còn là VQG nữa ngoại trừ tên gọi của vườn.
TS Côi khẳng định : « Thực chất của dự án này là xóa sổ VQG để làm du lịch. Tôi muốn hỏi các nhà quản lý và kế hoạch rằng phải chăng cách làm du lịch sinh thái duy nhất là phải sử dụng đất của vùng lõi của Vườn Quốc Gia ngoài ra không còn cách nào khác? »
Trong khi đó, ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng phụ trách vấn đề Lâm nghiệp (Bộ NN& PTNT) cho rằng: việc cho phép xây dựng khu du lịch theo đề nghị của chủ đầu tư vẫn cần phải xem xét. Hiện Bộ NN & PTNT đang lắng nghe ý kiến của các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học trước khi đưa ra những ý kiến tham mưu cụ thể cho Chính phủ. Tam Đảo xây dựng theo… ý tưởng của người Pháp
Tỉnh không làm kinh tế bằng mọi giá, nhưng… cứ trình dự án 
Trong khi các nhà quản lý về môi trường, các nhà khoa học và đông đảo người dân quan tâm đến việc xây dựng Tam Đảo 2 có rất nhiều ý kiến phản đối, cho rằng hãy để Tam Đảo tồn tại như nó vốn có, tiếp tục bảo tồn khu vực này.
Thậm chí, có ý kiến của Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam còn cho rằng không nên đặt ra để xem xét dự án này. Nhưng cũng có những luồng dư luận khác ủng hộ cho rằng, đây là khu vực rừng đã bị khai thác còn rất ít những cây gỗ quý, đa dạng sinh học ở đây tương đối thấp so với toàn VQG Tam Đảo…
Một cuộc khảo sát thực tế, nghiên cứu tại Tam Đảo 2 do Đại học Khoa học tự nhiên làm chủ để tài cũng cho kết luận: mức độ đa dạng sinh học và giá trị bảo tồn của khu vực Tam đảo 2 tương đối thấp, không có rừng lùn, các loài quý hiếm không còn như tài liệu trước đây nêu. Nên xây dựng khu du lịch sinh thái ở đây sẽ ít ảnh hưởng đến sự tồn vong của đa dạng sinh học.
Trao đổi với báo chí, ông Phùng Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Tam Đảo 2 đang là ý tưởng và trong giai đoạn nghiên cứu tổng thể, nếu kết quả nghiên cứu cho thấy không thể thực hiện được thì Vĩnh Phúc sẽ dừng, tỉnh không làm kinh tế bằng mọi giá.
Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay Tam Đảo 2 cũng chưa có nhà đầu tư nào do chưa có quy hoạch thì không thể có đầu tư.
Theo đó, ’’đường đi’’ của Tam Đảo 2 đang ở chặng đường do ĐH Khoa học Tự nhiên làm báo cáo đánh giá tác động môi trường.  Sau đó, xin ý kiến hai Bộ là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường rồi trình và chờ ý kiến của Thủ tướng quyết định.
Trong một văn bản mới đây (21/5) của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phúc đáp một số báo thì, việc xin chuyển đổi diện tích 300 ha rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Tam Đảo để xây dựng dự án Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 chỉ còn… 195 ha.
Trước các câu hỏi: Tại sao lại rút ngắn diện tích xây dựng Tam Đảo 2 còn 195 ha rừng so với 300 ha theo dự kiến ban đầu? có được xây dựng khu du lịch sinh thái trong vùng lõi vườn quốc gia hay không? Liệu Tam Đảo 2 có đi lại vết xe đổ như của Tam Đảo 1 về bê tông hoá và ô nhiễm môi trường? Hiện trạng Tam Đảo 2 có thực sự nêu như trong khảo sát (không có rừng lùn, mức độ đa dạng sinh học và giá trị bảo tồn thấp)?…
Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ khẳng định một câu rất chung: Tất cả mới chỉ là ý tưởng và hiện chưa có đủ tư liệu để trả lời.