Cá heo nước ngọt trên toàn thế giới đối diện nguy cơ tuyệt chủng

Tucuxi (Sotalia fluviatilis) là loài cá heo sông đặc hữu của Amazon. Trong nhiều thập kỷ, đây là loài cá heo nước ngọt duy nhất trên thế giới không bị đe dọa bởi hoạt động của con người. Tucuxi vẫn tồn tại ngay cả khi các loài tương tự ở Nam Mỹ và châu Á bị săn bắt ráo riết. Tuy nhiên, trong đánh giá mới nhất cho Danh sách Đỏ về các loài bị đe dọa của IUCN, Tucuxi đã bị liệt vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng do các mối đe dọa đến từ đập thủy điện, hoạt động đánh bắt cá và nhiễm độc thủy ngân. Đây cũng là những yếu tố đe dọa loài cá heo sông hồng (Inia geoffrensis) ở Amazon và khiến loài này bị tuyên bố có nguy cơ tuyệt chủng từ năm 2018.

Việc Tucuxi bị tuyên bố có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ IUCN có nghĩa là tất cả các loài cá heo nước ngọt trên thế giới hiện đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Thậm chí, Tucuxi có thể tiếp nối con đường của cá heo sông Dương Tử (Lipotes vexillifer) ở Trung Quốc – loài được coi là đã tuyệt chủng sau một đợt xây đập dọc theo sông Dương Tử – nếu những mối đe dọa tiếp tục gia tăng.

So với Tucuxi, cá heo sông hồng (Inia geoffrensis) có màu sắc bắt mắt hơn và là đối tượng dễ nghiên cứu của các nhà khoa học. Một nghiên cứu được công bố năm 2019 về hai loài cá này ở khu vực sông Tefé và hồ Tefé thuộc Amazonas, Brazil chỉ ra rằng trong khi tucuxi xuất hiện với số lượng nhiều hơn ở những môi trường sống dễ dàng di chuyển thì cá heo sông hồng, với cơ thể linh hoạt hơn, có thể khám phá những dòng suối hẹp hơn, nông hơn mà không bị mắc kẹt.

Cá thể cá heo sông hồng (Ảnh: Mariana Paschoalini Frias)

Tuy có vài điểm khác biệt cơ bản, song cả hai hiện đang phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự. Nghiên cứu năm 2018 dọc theo 30 km đường thủy bên trong Khu bảo tồn phát triển bền vững Mamirauá ở Amazonas cảnh báo số lượng cá heo sông hồng cứ 10 năm lại giảm một nửa trong khi với tucuxi là 9 năm. Mặc dù dữ liệu chỉ bao gồm một đoạn nhỏ trong số 25.000 km sông có thể đi lại ở lưu vực Amazon nhưng điều đáng chú ý là Mamirauá là một khu vực được bảo vệ dưới áp lực môi trường ít hơn so với phần lớn phần còn lại của Amazon, do đó sự suy giảm của quần thể cá heo ở bên ngoài có khả năng còn diễn ra nghiêm trọng hơn.

Trong số các mối đe dọa đối với cá heo Amazon thì việc xây dựng các nhà máy thủy điện, đánh bắt cá, săn bắt trái phép, nhiễm độc thủy ngân được coi là các mối đe dọa chính. Các đập Santo Antônio và Jirau hoạt động trên sông Madeira lần lượt từ năm 2012 và 2013 là một ví dụ về những gì có thể xảy ra nếu các đập mới được xây dựng ở Amazon: môi trường sống của cá heo bị chia cắt và hiện có khoảng 50 – 100 cá thể bị kẹt giữa hai con đập khiến chúng bị nhiễm bệnh hoặc chết vì sự bần cùng hóa di truyền. Vậy nhưng Kế hoạch điện 10 năm của chính phủ Brazil vẫn kêu gọi xây 3 đập lớn khác ở Amazon vào năm 2029; Kế hoạch Điện lực Quốc gia năm 2050 thậm chí còn đòi hỏi nhiều hơn.

Ngoài đập thủy điện, đánh bắt cá cũng là vấn đề nghiêm trọng không kém, cá heo bị mắc vào lưới và bị chết đuối sau đó, chưa kể hoạt động đánh bắt cá heo của ngư dân để lấy thịt, sử dụng làm mồi cho một loại cá da trơn khác vốn là thực phẩm phổ biến ở Amazon.

Marcelo Oliveira, một chuyên gia bảo tồn tại WWF Brazil cho biết việc tìm kiếm các giải pháp để giúp người đánh cá và cá heo sông cùng tồn tại là rất quan trọng nhưng điều này sẽ không xảy ra khi các con đập mới vẫn được xây dựng hoặc việc khai thác vàng tiếp tục diễn ra. Các con đập không chỉ đe dọa cá heo mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực của những người sống trong rừng với nguồn thực phẩm từ thủy sản, còn khai thác vàng thủ công lại gây ra một mối nguy hiểm khác thông qua việc thải thủy ngân ra sông. Thủy ngân xâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua những con cá nhỏ, cuối cùng xâm nhập vào cá heo và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đối với loài động vật quý hiếm này.

Mariana Paschoalini Frias, một nhà nghiên cứu tại Viện Aqualie cho biết: “Nếu chúng ta nhìn vào những gì đã xảy ra ở châu Á, chúng ta sẽ có một ý tưởng về quy mô của vấn đề mà chúng ta có thể phải đối mặt trong thời gian ngắn tới ở Nam Mỹ”. Một đợt xây dựng đập ở châu Á đã dẫn đến sự chia cắt và suy thoái của quần thể cá heo ở đó, cụ thể là thúc đẩy sự suy giảm của cá heo sông Hằng (Platanista gangetica) ở Ấn Độ và Bangladesh, và cá heo sông Dương Tử (Lipotes vexillifer) ở Trung Quốc. Cá heo sông Dương Tử đã được coi là tuyệt chủng sau khi Trung Quốc xây đập Tam Hiệp cùng hàng loạt đập khác trên sông Dương Tử.

Một phân loài của cá heo sông Hằng, P. gangetica minor, cũng đang phải đối mặt với những thách thức sau khi quần thể của nó bị chia cắt bởi 17 con đập. Còn “tại Brazil, chúng tôi đang bắt đầu thấy quá trình này được thực hiện với cá heo Araguaian (Inia araguaiaensis) – loài mới được mô tả vào năm 2014 nhưng hiện đang bị mắc kẹt giữa 4 con đập và nhiều kế hoạch đang được triển khai cho vùng Tocantins-Araguaia khiến quần thể loài có thể bị phân tách thành 12 nhóm”, Frias nói. Đập Tucuruí là một trong những đập đầu tiên làm phân mảnh quần thể loài này trên sông Tocantins. Các chuyên gia cho biết sẽ mất nhiều năm nghiên cứu để thực sự hiểu được tác động của sự phân mảnh đối với cá heo Araguaian, bao gồm việc trao đổi thông tin di truyền và sự phân bố của con mồi.

Chia sẻ về giải pháp bảo tồn cá heo, Oliveira cho biết: “Hiện chúng tôi có một Sáng kiến ​​về cập nhật bản đồ phân bố cá heo cho toàn bộ Nam Mỹ”, đó là một nền tảng sống được duy trì bởi nhiều cộng tác viên với nguồn dữ liệu được thu thập từ 42 cuộc thám hiểm do WWF Brazil tài trợ dọc theo 47.000 km đường thủy, một số cuộc thám hiểm kéo dài 25 ngày và rất công phu.

Để hiểu rõ hơn về cách các loài động vật lưu thông khắp khu vực, các cuộc thám hiểm đã được thực hiện từ năm 2017 để cài đặt các thẻ vệ tinh trên vây lưng của cá heo, cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi vị trí của chúng trong thời gian thực.

Khi dữ liệu được tải lên nền tảng River Dolphins Dashboard, nó sẽ giúp làm sáng tỏ xu hướng dân số của các loài cá heo Amazon khác nhau. Các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng máy bay không người lái để đếm số động vật kể từ năm 2015. Ngoài việc hỗ trợ các cuộc thám hiểm, máy bay không người lái đã được thử nghiệm để thu thập thông tin ở những khu vực mà tàu thuyền lớn không thể tiếp cận.

Bản đồ từ River Dolphin Dashboard cho thấy sự phân bố của tucuxi dựa trên dữ liệu do Sáng kiến ​​Cá heo sông Nam Mỹ thu thập. Hình ảnh do SARDI / WWF Brazil cung cấp.

River Dolphins Dashboard được ra mắt vào tháng 10/2020 bởi các chuyên gia tham gia Sáng kiến ​​Cá heo sông Nam Mỹ (SARDI). Nền tảng này tập hợp các công việc đang được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở Brazil, Peru, Colombia, Bolivia và Ecuador, đồng thời cung cấp dữ liệu tham chiếu địa lý được thu thập trong 20 năm qua về các loài cá heo nước ngọt khác nhau và môi trường sống của chúng.

Oliveira cho biết WWF đang đàm phán với ICMBio, cơ quan hành chính của Bộ môi trường Brazil, “để xem nền tảng River Dolphins Dashboard có thể giúp theo dõi những tiến bộ của kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn các loài động vật có vú ở Amazon như thế nào”, đồng thời lên kế hoạch hợp tác với Ủy ban săn bắt cá voi quốc tế về quản lý bảo tồn cá heo sông.

Mai Lan (Theo Mongabay)

Nguồn: