Cò, vạc rao bán tràn lan trên “chợ mạng”

Lướt mạng xã hội Facebook những ngày gần đây, người dân Hà Tĩnh không khó để bắt gặp các bài đăng giới thiệu bán chim trời như: cò, cói, vạc, diệc…

Chủ tài khoản Trần P. (TX Kỳ Anh) chào bán thịt chim trời công khai trên Facebook. (Ảnh chụp màn hình)

“Thành quả ngày hôm nay hoàn thành xuất sắc cho khách, diệc và cói không làm cho khách thất vọng”; “Chủ cói gọi đơm được mấy chục đôi cói hương mai khách ăn báo em ạ”; “Chiều có cói béo múp khách ngủ dậy ăn inbox em nha”… là những dòng chào mời được tài khoản Trần P. (xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh) đăng tải công khai trên Facebook.

Qua giới thiệu của chủ tài khoản, người này có mối quen chuyên cung cấp các loại chim trời như: cò, vạc, diệc… mỗi ngày.

Một chủ tài khoản “khoe” thành tích bán chim trời trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Không hề e ngại lực lượng chức năng, chủ tài khoản Trần P. còn thường xuyên đăng tải các buổi livestream sơ chế chim hoang dã với số lượng từ 20-30 con.

Tùy vào loại chim mà người bán đưa ra các mức giá khác nhau. Đặc biệt, chủ tài khoản Trần P. nhấn mạnh, đã “bao giá” toàn khu vực TX Kỳ Anh. Theo đó, 1 con diệc có cân nặng 1,7- 1,8 kg được người này bán với giá 450-500 nghìn đồng; vạc có giá từ 240-260 nghìn đồng/cặp; cói được bán với giá 100 nghìn đồng/cặp; các loại chim nhỏ hơn thì có giá từ 50-90 nghìn đồng/cặp.

Tương tự, nhiều chủ tài khoản trên Facebook cũng buôn bán các loại chim tự nhiên nhưng theo một cách kín đáo hơn.

Chủ tài khoản Nguyễn M.A. (TP Hà Tĩnh) thường xuyên đăng tải các bài viết rao bán thịt cò, vạc và các loại chim trời. Theo một cách khéo léo hơn, tài khoản này sử dụng các cách viết như “V ạ c chà bá nha mẹ”, “Hôm nay em về được ít c.ó.i, hết hàng em xóa bài” để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng và thuật toán của Facebook.

Thịt chim hoang dã đã sơ chế được rao bán công khai trên chợ mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Các loại chim này đã được sơ chế sạch sẽ, bán kèm cùng các loại gia vị nên có giá từ 270 nghìn đồng/cặp chim vạc hoặc 120 nghìn đồng/cặp chim cói… Dù mức giá trên không phải là rẻ nhưng hầu như ngày nào người này cũng bán được hàng chục cặp chim trời.

Khi được hỏi về nguồn gốc số chim hoang dã được bán, một số tiểu thương online cho biết, đa phần cò, cói, vạc, diệc… được các mối buôn nhập từ các huyện trong tỉnh, Nam Định, Nghệ An…

Tránh sự chú ý của lực lượng chức năng và thuật toán Facebook, các chủ tài khoản đã sử dụng các viết khác trong các bài đăng. (Ảnh chụp màn hình)

Hiện nay, việc buôn bán các sản phẩm trên mạng Internet tại Việt Nam được quản lý theo Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và Nghị định 52/2013/ND-CP về thương mại điện tử. Theo đó, những mặt hàng cấm buôn bán trên mạng bao gồm động, thực vật hoang dã nguy cấp được pháp luật bảo vệ. Những người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định áp dụng với hành vi buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép tại cửa hàng, cửa hiệu.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc tiêu huỷ dụng cụ bẫy chim trên cánh đồng xã Thường Nga. (Ảnh: Văn Chung)

Thực tế cho thấy, bên cạnh kiểm tra, xử lý hoạt động đánh bắt, lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương cũng cần xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo, kinh doanh trực tuyến trái pháp luật các loài chim hoang dã và các công cụ bẫy, bắt chim.

Đồng thời, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc chung tay bảo vệ các loài chim, nói không với sử dụng các món ăn được chế biến từ chim tự nhiên nhằm bảo vệ môi sinh, môi trường, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.