“Náo loạn” ở Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong tương lai (kỳ 2)

Chỉ thị 01 của UBND tỉnh Khánh Hòa về tăng cường quản lý đất đai ở huyện Vạn Ninh (đặc biệt là tại các khu vực dự kiến hình thành Đặc khu Kinh tế – hành chính Bắc Vân Phong) ban hành mới đây đã không đủ sức răn đe các đối tượng cố tình “xà xẻo” đất đai, núi non ở nơi này, hòng trục lợi.

Rừng bị phá ở Hòn Trì, vịnh Vân Phong. Ảnh: N.B

Đua nhau “cạo” núi rừng chiếm đất

Núi non ở xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) hiện đang bị “bức tử” với tầm mức chưa từng có từ trước tới nay. Anh K (một người dân thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) cho biết, tình trạng chặt phá cây cối ở các khu vực Hòn Trì, Hòn Ngang, Hòn Mới, Hòn Đỏ… (vịnh Vân Phong) là rất đáng quan ngại. “Thay vì chặt phá vào ban ngày, nay họ còn lén lút phát dọn vào ban đêm. Riêng tại Hòn Đỏ, khu vực có nhiều cây cối lớn nhưng nay trụi lủi, gần như chỉ còn cái chóp (đỉnh)” – anh K nói.

Theo khảo sát của anh K, diện tích cây cối bị phá trên các ngọn núi, các hòn đảo ở vịnh Vân Phong là khá rộng. Tại khu tái định cư Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh), PV Báo Lao Động chứng kiến các khoảnh rừng bị chặt phá, lấn chiếm. Trên trục đường dẫn từ xã Vạn Thọ dẫn xuống xã Vạn Thạnh cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tượng từng khoảnh núi rừng bị “cạo đầu”. Theo một người dân giấu tên: “Một nhóm người được ai đó thuê đến đây phát dọn, nhưng ai là người đằng sau “điều khiển” nhóm người đó thì chúng tôi không rõ. Nhóm người này còn phát dọn sang khu vực của người dân và xảy ra mâu thuẫn”.

Ông Trần Ngọc Khiêm – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh – cho biết, đã bố trí một tổ công tác liên ngành (công an, kiểm lâm, bộ đội biên phòng…) đi tuần tra, kiểm soát ở xã Vạn Thạnh. PV hỏi qua kiểm tra bước đầu, huyện có phát hiện đối tượng vi phạm không, ông Khiêm nói “có phát hiện”, nhưng sau khi phát hiện thì họ chạy lên núi cao để trốn. “Dưới đó phức tạp lắm. Xã vừa đảo, vừa bán đảo mà. Địa bàn rộng quá. Xã kham không nổi” – ông Khiêm nói, và cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện, tiếp tục nắm tình hình, chủ yếu là tìm ra người chủ mưu đứng đằng sau các vụ phá rừng đó để xử lý.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa – cho biết, đã nắm được sự việc cây cối bị chặt phá ở các đảo Hòn Trì, Hòn Ngang… (thuộc xã Vạn Thạnh, vịnh Vân Phong).

Rừng bị các đối tượng chặt phá, hòng chiếm đất “đón” đặc khu ở xã Vạn Thanh, huyện Vạn Ninh. Ảnh: N.B

Nhốn nháo bán-mua, “thổi” giá đất

Tại khu tái định cư Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh), ngày nào cũng có hàng chục ôtô mang biển số Khánh Hòa, Hà Nội, TPHCM đến đây lượn lờ hỏi mua đất. Những lô đất tái định cư chưa kịp xây nhà, bỏ hoang bỗng dưng thành đất kim cương, nhất là hướng về phía vịnh biển. Theo người dân địa phương, vì “đón” Đặc khu Hành chính – Kinh tế Bắc Vân Phong nên nơi này đất sốt chưa từng có. Đất và nhà ở khu tái định cư này gần như đã bán hết hoặc có người đặt cọc mua với giá cao ngất ngưởng. Tại đây cũng xuất hiện nhiều “cò đất” liên tục sang nhượng đất mua được cho nhau để ăn chênh lệch. Theo một “cò đất” tên M: “Đất Vĩnh Yên giá lên từng ngày, đầu tư bây giờ để sinh lợi nhuận cao”.

Theo tìm hiểu của PV, đất trồng cây lâu năm ở đây cũng bị “thổi” giá lên cả hàng tỉ đồng. Bà Ng, một người dân sống tại Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh) cho biết, đã có người trả 20.000m2 của bà với giá 10 tỉ đồng, nhưng bà chưa bán. “Một ngày có rất nhiều người đến đây hỏi mua đất nên tôi chưa chốt mức giá cụ thể. Ai trả giá được hơn thì tôi bán” – bà Ng cho hay.

Dọc tuyến đường qua xã Vạn Thọ cũng xuất hiện nhiều điểm mua bán đất đai, thậm chí quán cà phê cũng thành điểm ký gửi đất, bán lại kiếm hoa hồng. Còn tại thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh), nhiều lô đất chạy dọc bờ biển đa phần đều có chủ mới. Giá đất ở đây cao nhất đến 30-40 triệu đồng/m2. Chị H.B.L cho biết, giá đất ở đường Hùng Vương (thị trấn Vạn Giã) đang lên từng ngày. “Bên em có lô đất cách đường Hùng Vương 20m, giá 1,5 tỉ đồng/100m2”. PV hỏi về nguồn gốc đất, L khẳng định đây là đất của Cty mà L đang làm việc.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Đình Quý – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa – cho biết, nhóm đầu cơ đất ở 2 nơi sắp lên đặc khu khác là Vân Đồn và Phú Quốc đã tràn về vịnh Vân Phong gom đất và tự “thổi” giá lên cao.

“Cái này cũng hình thức như đa cấp vươn vòi vậy thôi. Người trước lừa người sau để ăn chênh lệch. Tất cả xuất phát từ lòng tham mà ra. Phải thấy rằng, giữa việc tầm nhìn sâu, tầm nhìn xa khác tầm nhìn tham lam” – ông Quý nói.

Theo ông Quý, đến giờ phút này, cơ chế hình thành đặc khu vẫn chưa được Trung uơng phê duyệt, mà mới chỉ là phương án ban đầu và đang được các đơn vị liên quan tiếp tục góp ý, bàn bạc. Ông Quý cho rằng, lẽ ra ngay từ đầu, chính quyền phải có tuyên truyền, cảnh báo thật cụ thể đến người dân huyện Vạn Ninh để họ hiểu mà ứng phó với giới đầu cơ đất thì có thể đã không xảy ra viễn cảnh như bây giờ.

“Chính quyền cần họp báo càng sớm càng tốt về vấn đề này và cần cứng rắn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phân lô, hạn chế công chứng trên địa bàn tỉnh. Còn nếu nói lực lượng mỏng không quản lý được thì nên thay người đứng đầu chính quyền các xã sắp lên đặc khu” – ông Quý quả quyết, và cho rằng nên đưa vào luật những ai không thuộc địa phương, mua đất phải chịu thiệt hại, kể cả tái định cư cũng không được luôn. “Chỉ có cách đó, chứ Nhà nước bỏ ra quá nhiều tiền để đền bù thì có phải chúng ta tự hành hạ chúng ta hay sao?” – ông Quý đặt vấn đề.

Chỉ thị 01 của UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu huyện Vạn Ninh cần tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra các vi phạm về sử dụng đất đai và trách nhiệm công vụ để xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý cố ý hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra nhiều vi phạm trên địa bàn quản lý. Đã xuất hiện đơn tố cáo ông Nguyễn Thành Nam – Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh – buông lỏng quản lý đất đai, quản lý rừng, dẫn đến tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng tràn lan xảy ra trên địa bàn xã. Ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – đã giao các đơn vị có liên quan xác minh, làm rõ. N.Băng

Kỳ I: Nhức nhối cơn sốt đất ở nơi sắp thành đặc khu: Giá tăng dựng đứng, “cò” đất lên ngôi