“Vàng tặc” lại nở rộ ở Tương Dương

ThienNhien.Net – Vượt hơn 200km chúng tôi lại về thăm các xã “4 Yên” tại huyện Tương Dương (Nghệ An) gồm: Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa và Yên Thắng vào những ngày cuối tháng 3, khắp các khe suối, đặc biệt từ đầu nguồn khe Chà Hạ kéo dài hơn 3-4km tình trạng khai thác vàng sa khoáng vẫn diễn ra công khai, đầy đủ các loại máy móc, đào xới hàng chục hecta đất hòng tìm kiếm vận may…

Thay vào những cánh đồng lúa tươi tốt là những cồn cát, hố hốc - hệ lụy của việc khai thác vàng trái phép
Thay vào những cánh đồng lúa tươi tốt là những cồn cát, hố hốc – hệ lụy của việc khai thác vàng trái phép

Nông nhàn – tìm vàng kiếm sống 

Có mặt tại các bản như bản Bón, bản Xiềng Nứa, bản Na Pu (xã Yên Na), bản Cành Khỉn (xã Yên Hòa) thấy khung cảnh khai thác vàng của người dân giống như trẩy hội. Từ một đoạn khe Chà Hạ mà theo chúng tôi quan sát khoảng gần 1km có tới gần 7 máy khai thác vàng, với một tổ máy từ 7-10 người, ngoài ra còn có hàng chục hộ dân cũng tranh thủ đào – đãi thủ công, thậm chí có cả học sinh tranh thủ giúp bố mẹ tìm vàng. “Giờ đang rảnh rỗi, không có việc chi làm, ta đi đãi vàng kiếm tiền mua gạo chứ không chết đói à. Với lại ta thấy nhiều người tham gia đào vàng thì ta cũng đào thôi”, một người dân cho biết.

Quả thật, theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày đầu tháng 2 đến nay người dân các xã ở đây lại đua nhau khai thác vàng trái phép là do thời gian nông nhàn. Hầu hết người dân không có việc làm, việc phát thực bì để làm nương rẫy cũng hạn chế nên người dân đành kiếm kế sinh nhai bằng hình thức này. “Biết là khai thác trái phép nhưng ta thấy có ai bị bắt đâu, vì thế ta cũng đi đãi thôi”, một chị chừng 45 tuổi nói chen vào.

Sự việc người dân các xã 4 Yên này tham gia khai thác vàng trái phép các cấp chính quyền đều biết. Ông Lô Hoài Thơm – Chủ tịch UBND xã Yên Na (Tương Dương) nhìn nhận: “Vấn đề này (tức khai vàng trái phép) có từ lâu rồi, khó xử lý lắm, hôm nay đuổi mai lại đâu vào đấy. Hầu hết tuần nào công an xã cũng tiến hành kiểm tra, kiểm soát, thậm chí xử phạt, đẩy đuổi nhưng không ăn thua”.

Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua, làm cho nguồn nước suối đây vẩn đục, đỏ ngầu và rất nhiều bùn, các guồng quay nước phục vụ cho tưới tiêu không thể hoạt động. bên cạnh đó, nguồn nước bị ô nhiễm làm cho mùa khô tại nơi đây đều bị hạn, cây trồng cháy khô.

Làng quê ô nhiễm và tiêu điều vì vàng sa khoáng 

Đó là câu nói đầy suy nghĩ của cụ Đặng Văn Nhơn (79 tuổi) trú tại bản Bon, xã Yên Na (Tương Dương). Theo cụ Nhơn, hơn 7 năm qua việc khai thác vàng chỉ một số lượng nhỏ những người được hưởng lợi, nhưng hàng trăm người dân ở đây (chủ yếu là người Thái) vì sự ô nhiễm nguồn nước quá trầm trọng đã “quên” mất việc tắm khe suối, được ăn con cá, tép bơi lượn từ đấy.

Cụ nhớ lại, ngày xưa khi ông và người dân bản làng nơi đây lớn lên, dòng khe Chà Hạ đã có từ bao giờ, cây cối um tùm rậm rạp, dưới khe có biết bao loài cá từ cá mát, cá lăng đến thú rừng, chim chóc rất nhiều và là nguồn thức ăn cho đồng bào. Vậy nhưng, từ những năm 2005, các công ty, doanh nghiệp tập trung máy móc tiến hành đào xới, lật tung từng khúc suối, đoạn sông để khai thác vàng, và cũng từ đó “cơn lốc vàng” đã cuốn người dân ở các xã 4 Yên này xoáy theo.

Lỗi của người dân khai thác trái phép chỉ là phần nhỏ. Nguyên nhân chính vẫn là việc cấp phép vô tội vạ trong mấy năm qua của ngành chức năng khi cấp phép cho hàng chục doanh nghiệp, công ty. Khi họ rút đi thì người dân lại tìm đến đào xới, ngay cả ruộng lúa mình sản xuất cũng tự khoét sâu dẫn đến mất dần đất sản xuất. Ông Lô Hoài Thơm cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, xã đã tiến hành ký cam kết với huyện, đồng thời ký cam kết với các trưởng bản, với người dân không được khai thác vàng trái phép, thậm chí xử phạt mỗi lần vi phạm từ 2 triệu đồng, tịch thu máy hút.

Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm tức thời, vì cơn lốc vàng đã ăn sâu vào ý nghĩ của người dân khắp các vùng 4 Yên này. Được biêt, trong năm vừa qua, chính quyền xã Yên Na đã tịch thu hơn chục chiếc máy khai thác, nhưng hiện nay qua quá trình kiểm tra vẫn còn gần 20 chủ máy đang hoạt động. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra thì ước mơ được trở về ngày xưa tắm khe, suối và đánh cá trên khe Chà Hạ của cụ Nhơn, người dân nơi đây khó trở thành hiện thực.