Thu phí phát thải phản ánh sự chủ động của Việt Nam trong bảo vệ môi trường

Theo chuyên gia của Đại học RMIT Việt Nam, dự thảo gần đây về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của Việt Nam là một bước tiến đáng khen ngợi. Việc đưa ra phí phát thải phản ánh quan điểm chủ động của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường.

Phí phát thải nhấn mạnh cam kết chống biến đổi khí hậu

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo nghị định quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (phí phát thải) nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí và của toàn xã hội.

Thu phí bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội. Ảnh minh họa

Theo đó, dự thảo nghị định đề xuất, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường là bụi, khí thải xả ra môi trường của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định. Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại nghị định này là các cơ sở xả khí thải.

Theo Bộ Tài chính, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là khoản thu mới, dự kiến khi thực hiện chính sách này làm tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước. Số tiền này góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương nơi có nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí.

Bình luận về dự thảo nghị định này, TS. Samuel Buertey – giảng viên kế toán (Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam), cho rằng thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của Việt Nam là một bước tiến đột phá và đáng khen ngợi.

Theo TS. Samuel Buertey, với những lo ngại về khí hậu toàn cầu ngày càng tăng, các chính phủ trên toàn thế giới đang chịu sức ép gia tăng, buộc họ phải triển khai những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ trái đất. Tính cấp thiết trong việc hạn chế suy thoái môi trường đã trở thành vấn đề sống còn của con người. Nhiều quốc gia trong những năm gần đây đã áp dụng nhiều hình thức cải cách chính sách xanh khác nhau, bao gồm thuế bảo vệ môi trường và phí ô nhiễm.

“Việc đưa ra phí phát thải phản ánh quan điểm chủ động của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường. Mặc dù mức phí áp dụng vẫn đang trong giai đoạn đề xuất, dự thảo nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc chống biến đổi khí hậu, dẫn lối tới môi trường bền vững cho các thế hệ mai sau” – TS. Samuel Buertey nhấn mạnh.

Bắt đầu với mức phí khiêm tốn và tăng dần là phù hợp

Chia sẻ với phóng viên, TS. Samuel Buertey cho rằng, việc đưa ra phí phát thải phản ánh quan điểm chủ động của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không thể bỏ qua sự phức tạp của nỗ lực này. Đạt được cân bằng giữa việc khuyến khích thay đổi hành vi và tránh gánh nặng không cần thiết cho cá nhân và doanh nghiệp vẫn là một thách thức đáng kể.

Phí cao có thể tác động đến các công ty, đặc biệt là những đơn vị phụ thuộc vào lượng khí thải cao, dẫn đến mất việc làm và gây ra hậu quả xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy mức phí thấp cũng được chứng minh là không hiệu quả trong việc giảm lượng khí thải, chủ yếu là do doanh nghiệp thiếu động lực kinh tế để giảm phát thải.

Việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên đóng vai trò then chốt để đảm bảo các doanh nghiệp, ngành nghề và cá nhân tuân thủ những hướng dẫn về phát thải. Ảnh minh họa

Ông đưa ra so sánh mức phí của Việt Nam đề xuất với một số quốc gia. So với mức thuế carbon của hai quốc gia châu Âu có mức thuế thấp nhất – Ukraine (1,03 USD/tấn) và Ba Lan (0,08 USD/tấn), phí phát thải hàng năm được đề xuất của Việt Nam là 3 triệu đồng (tương đương với khoảng 126,58 USD) với mức thuế suất tương đối thấp, dao động từ 500 đồng (0,02 USD) đến 800 đồng (0,03 USD) mỗi tấn.

Có thể thấy, mức phí phát thải mà Việt Nam đang đề xuất là tương đối thấp. Tuy nhiên, theo TS. Samuel Buertey, chiến lược bắt đầu với một mức thuế khiêm tốn và tăng dần theo thời gian phù hợp với phương pháp mà nhiều quốc gia đã áp dụng khi giới thiệu các loại thuế xả thải. Ví dụ, năm 2012, Nhật Bản đã đưa ra “thuế giảm nhẹ biến đổi khí hậu” ở mức xấp xỉ 1,21 USD/tấn CO2. Mức phí này sau đó đã được nâng lên lần lượt là 1,90 USD và 2,78 USD vào năm 2014 và 2016.

“Cần lưu ý rằng, mặc dù tỷ lệ phát thải thấp hơn có thể không giúp các công ty giảm lượng khí thải đáng kể nhưng một kết quả tích cực là nguồn doanh thu tiềm năng được tạo ra. Chính phủ Việt Nam có thể sử dụng nguồn vốn này vào các dự án năng lượng tái tạo, sáng kiến trồng rừng và chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó góp phần giảm khí thải” – TS. Samuel Buertey lưu ý.

Theo vị chuyên gia của Đại học RMIT, việc đưa ra phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là một bước tiến đột phá, tuy nhiên, cần thừa nhận rằng tác động của dự thảo phụ thuộc vào việc thực hiện chu toàn và đánh giá định kỳ. Việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên đóng vai trò then chốt để đảm bảo các doanh nghiệp, ngành nghề và cá nhân tuân thủ những hướng dẫn về phát thải của Chính phủ. Các biện pháp kiểm tra này sẽ ngăn chặn những người có khả năng vi phạm, thúc đẩy văn hóa chịu trách nhiệm và đảm bảo.

Đồng thời, việc thiết lập một hệ thống giám sát mạnh mẽ sẽ cho phép các cơ quan chức năng theo dõi chính xác lượng khí thải, xác định xu hướng và giải quyết các lĩnh vực cần quan tâm ngay lập tức. Hơn nữa, các công ty cần có trách nhiệm thiết lập những cơ chế ghi chép và báo cáo minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho mục đích giám sát và đảm bảo.

Theo chuyên gia, các công cụ kinh tế như phí ô nhiễm, giấy phép có thể giao dịch và thuế được coi là những công cụ hiệu quả để đạt được môi trường bền vững. Những công cụ này cung cấp cho doanh nghiệp lựa chọn hoặc trả tiền và gây ô nhiễm, hoặc đầu tư vào các hoạt động sạch hơn đồng thời điều chỉnh mối quan tâm của doanh nghiệp theo các mục tiêu mà chính sách đề ra.