Brazil bỏ rơi tàu sân bay trên biển: Báo động về thảm họa môi trường

Ở đâu đó tại Nam Đại Tây Dương lúc này, một hàng không mẫu hạm 34.000 tấn đang nổi vô định trên các con sóng. Con tàu, vướng vào một tranh chấp quốc tế về chất độc hại bên trong, sắp trở thành một trong những mảnh rác lớn nhất trên đại dương.

Số phận lận đận của con tàu

Sao Paulo, tên con tàu sân bay vừa được nhắc đến, đã bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng suốt 5 tháng qua. Hải quân Brazil đã bán chiến thuyền 60 tuổi từng là soái hạm của họ, cho một xưởng đóng tàu tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2021 để rã ra làm phế liệu.

Tàu sân bay Sao Paulo trước đây có tên là Foch, soái hạm của Hải quân Pháp, được Brazil mua lại vào năm 2000. Ảnh: Reuters

Vào tháng 8/2022, tàu Sao Paulo khởi hành đến Thổ Nhĩ Kỳ từ một căn cứ hải quân ở Rio de Janeiro (Brazil). Nhưng trong khi nó đang di chuyển đến eo biển Gibraltar thì cơ quan môi trường Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ thông báo rằng con tàu sẽ không được phép cập bến nước này nữa.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ buộc phải làm như vậy vì hải quân Brazil không thể chứng minh rằng tàu Sao Paulo không có amiăng – một loại khoáng chất độc hại được sử dụng để đóng nhiều con tàu của thế kỷ 20. Thế là thuyền quay đầu.

Nhưng Brazil không muốn Sao Paulo trở lại. Vào tháng 9, cảng Suape tại bang Pernambuco đã ngăn con tàu cập bến. Quan chức của cảng này lập luận rằng có quá nhiều nguy cơ con tàu sẽ bị bỏ lại, qua đó đặt họ vào tình thế buộc phải mất tiền di chuyển nó và xử lý amiăng.

Quyết định đó khiến Sao Paulo phải đi vòng quanh bờ biển Brazil, cho đến ngày 20/1, khi hải quân nước này thông báo rằng họ đã đẩy con tàu ra vùng biển quốc tế, cách bờ 315 km. Hải quân cho biết họ phải làm như vậy vì con tàu cũ kỹ, vốn đã hư hại thân vỏ, có thể mắc cạn hoặc chìm trên bờ biển Brazil, đe dọa các tàu thuyền khác và động vật hoang dã ven biển.

Với hành động ấy, có vẻ như hải quân Brazil sẽ chọn giải pháp bỏ rơi tàu Sao Paulo trên đại dương. Một số nguồn tin quân sự nói với tờ Folha de Sao Paulo của Brazil hôm thứ Bảy (29/1) rằng việc đánh chìm con tàu bằng chất nổ là cách duy nhất để chấm dứt những tranh cãi xung quanh nó.

Báo động đỏ về môi trường

Câu chuyện về tàu Sao Paulo đang trở thành trường hợp nghiêm trọng mới nhất về việc tàu bị bỏ rơi – một vấn đề gây đau đầu cho các nhà bảo tồn biển và cộng đồng ven biển trên khắp thế giới. Các cơ quan giám sát đại dương nói rằng đánh chìm một chiếc tàu lớn và cũ kỹ như Sao Paulo sẽ là một thảm họa môi trường.

Theo Mạng lưới hành động Basel (BAN), một tổ chức phi chính phủ, Sao Paulo chứa hàng nghìn tấn amiăng và các chất độc hại khác trong hệ thống dây điện, sơn và nhiên liệu dự trữ. Jim Puckett, giám đốc điều hành của BAN, cho biết việc bỏ rơi nó trên biển sẽ cấu thành “sự cẩu thả nghiêm trọng” và vi phạm 3 công ước quốc tế về môi trường.

“Chúng ta đang nói về một con tàu chứa cả vật liệu nguy hiểm và vật liệu có giá trị – nó phải được đưa vào lãnh thổ Brazil và được quản lý theo cách thân thiện với môi trường. Bạn không thể đánh chìm nó được”, Jim Puckett nói.

Với trọng tải 34.000 tấn, tàu sân bay Sao Paulo chứa rất nhiều chất độc hại, ví dụ như amiăng. Ảnh: Marinha do Brasil

Chuyện không chỉ của Brazil

Chuyện tàu thuyền bị bỏ rơi không phải là hiếm bởi chúng rất tốn kém để duy trì và xử lý đúng cách. Hàng chục nghìn tàu không mong muốn – thường nhỏ hơn nhiều so với tàu sân bay Sao Paulo – bị bỏ lại trong bến cảng, trên bãi biển hoặc trên biển mỗi năm.

Tại Nigeria, hàng nghìn tàu chở hàng và tàu đánh cá thương mại bị đắm tạo thành những khối sắt vụn lớn trên bờ biển, phá hủy hệ sinh thái, làm trầm trọng thêm tình trạng xói mòn bờ biển và khiến các tuyến đường thủy trở nên nguy hiểm đối với cộng đồng địa phương.

Ở Venice (Italia), khoảng 2.000 du thuyền nhỏ bị bỏ rơi đang làm tắc nghẽn một vùng đất ngập nước. Tại Mỹ từ năm 2013 đến năm 2016, có tới 5.600 chiếc thuyền bị bỏ rơi trong vùng biển của nước này. Nhưng theo Nancy Wallace, giám đốc chương trình rác thải biển của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, vấn đề lớn hơn là những gì còn lại trên các con tàu đó sẽ không ở lại trên thuyền.

Wallace nói: “Bất cứ khi nào có một con tàu bị bỏ lại trên biển, điều đầu tiên cần nghĩ đến là các hóa chất độc hại, có thể ảnh hưởng rất lớn đến động vật hoang dã. Những chiếc thuyền bị bỏ rơi với bất kỳ kích cỡ nào đều có thể gây ra sự cố tràn dầu và làm rò rỉ hóa chất, sơn và hạt vi nhựa vào nước”.

Các tàu cũ cũng thường chứa PCB, một nhóm hóa chất có khả năng gây ung thư cao thường được sử dụng trong hệ thống dây điện trước những năm 1970 và đã bị cấm trên toàn cầu theo Công ước Stockholm năm 2001. Các nhà khoa học cho biết, Khi được đổ vào đại dương, PCB sẽ tác động rất lớn tới chuỗi thức ăn biển, ảnh hưởng đến mọi thứ từ động vật giáp xác nhỏ đến cá kình.

BAN ước tính tàu Sao Paulo, được đóng tại Pháp vào những năm 1960, chứa khoảng 300 tấn PCB, dựa trên phân tích của con tàu chị em với nó là hàng không mẫu hạm Clemencau vốn do hải quân Pháp vận hành trước đây.

Jim Puckett, giám đốc điều hành của BAN đang kêu gọi Tổng thống mới của Brazil Luiz Inacio Lula da Silva can thiệp. Puckett nói rằng hải quân Brazil phải kéo tàu Sao Paulo về căn cứ, sửa chữa thiệt hại cho thân tàu, và sau đó ký hợp đồng tái chế với các nhà máy đóng tàu ở châu Âu – nơi có thể loại bỏ amiăng một cách an toàn trước khi tháo dỡ.

Theo tờ Folha de Sao Paulo, chính phủ của Tổng thống Lula cũng bày tỏ lo ngại về tác động môi trường của việc từ bỏ con tàu. Nhưng dường như họ không sẵn sàng bắt đầu một cuộc xung đột với hải quân vì mối quan hệ của ông Lula với các lực lượng vũ trang đang căng thẳng nghiêm trọng sau vụ bạo loạn gần đây ở thủ đô Brasilia.

Vì vậy, với rất ít dấu hiệu về sự thay đổi quan điểm của hải quân Brazil, có vẻ như tàu Sao Paulo đang trên dường trở thành một ngôi mộ khổng lồ chứa đầy chất độc hại giữa lòng đại dương.