“Vua rừng” thung lũng Cù Bai

Lâu nay, ai có dịp về Cù Bai (Hướng Hoá, Quảng Trị) đều không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh bạt ngàn của cây rừng và sự đổi thay của đời sống bà con Vân Kiều. Bà con hồ hởi, đó là nhờ công “vua rừng” Lê Đình Hoan.

Lên rừng lập nghiệp

Tình cờ gặp anh khi anh đang mang giống cây về vườn ươm ở Cù Bai. Anh kể, quê anh ở xã Hải Thiện (Hải Lăng, Quảng Trị), từng là lính biên phòng từ năm 1978, đến 1982 thì xuất ngũ. Thời gian là lính biên phòng, anh đã đi qua không biết bao nhiêu bản làng ở biên giới, được cùng ăn, cùng ở với dân bản, chứng kiến và hiểu được cái nghèo khó của bà con dân tộc những nơi này.

Anh nhận ra một thực tế: sự sống của bà con Vân Kiều nhờ cả vào núi rừng, nương rẫy, nên cái nghèo khó cứ bám riết dai dẳng. Vì thế, đến lúc xuất ngũ, anh không về quê mà quyết định ở lại Hướng Hoá để lập nghiệp và quan trọng hơn là có điều kiện giúp đỡ bà con.

“Thời gian đầu, tui lặn lội khắp các bản làng làm nghề buôn bán phế liệu chiến tranh để kiếm sống.Thu nhập cũng không đến nỗi nào. Nhưng nỗi trăn trở với cái nghèo khó của bà con cứ luôn thôi thúc tôi, mình phải làm một việc gì để giúp đỡ họ” – anh tâm sự.

Nhận thấy đất đai ở Hướng Việt, Hướng Lập rất nhiều, có thể phát triển kinh tế rừng để làm giàu, anh bắt tay vào làm ngay. Năm 1999, từ số tiền gom góp được từ nghề buôn bán phế liệu, anh dùng vào việc ươm giống cây để trồng rừng, đồng thời vận động bà con dân tộc cùng làm.

“Nghĩ thì dễ nhưng thực tế không đơn giản chút nào. Tui phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Bà con dân tộc nơi đây bao nhiêu đời chỉ biết đốt phá rừng làm rẫy chứ có biết trồng rừng bao giờ, đối với họ việc trồng rừng để làm giàu hoàn toàn xa lạ. Một khó khăn nữa là đồng bào Vân Kiều ở Cù Bai cuộc sống còn rất nghèo khó, việc có tiền để lo giống cây là không thể”, anh chia sẻ.

Vì thế, khi anh đến từng gia đình vận động, hầu hết bà con đều trố mắt nhìn anh và không nghe theo những lời anh nói. Không khuất phục khó khăn, lại từng là lính biên phòng nên anh biết được phải bắt đầu từ đâu. Anh phải đi đến gặp các già làng, trưởng bản, và nhờ sự giúp sức của những người lính biên phòng ở Đồn biên phòng 605 tham gia vận động bà con dân tộc tham gia trồng rừng.

“Anh ấy lặn lội khắp các bản Trăng, Xa Đưng. Cà Tiêng, Tà Rùng của xã Hướng Việt và Xa Lỳ, Cù Bai, A Xóc, Xê Pu, Tà Păng của xã Hướng Lập không biết bao nhiêu lần, rồi cũng vận động được bà con tham gia trồng rừng”, chị Nguyễn Ái Vân kể về chồng, không giấu được niềm tự hào.

“Vua rừng” ở Cù Bai

Bán mảnh vườn được 100 triệu đồng, cộng với số tiền lương góp nhặt bao nhiêu năm trời của người bố, anh đầu tư cho việc trồng rừng của bà con. “Có nhiều người bạn lúc đó bảo tui là gàn dở vì đem tiền ném ra giữa núi. Nhưng tui chỉ cười bởi tui hiểu được ý nghĩa của việc mà mình theo đuổi”.

Anh lặn lội vào một trường lâm nghiệp ở Tây Nguyên để mua các giống cây trầm gió, bời lời, quế… đem về Hướng Hoá để trồng. Anh hỗ trợ từ giống cây, tiền vốn, phân bón cho đến kỹ thuật trồng rừng cho bà con.

Nhận thấy việc vận chuyển giống cây từ Tây Nguyên về Quảng Trị vừa khó khăn, tốn kém, mặt khác điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Cù bai không mấy phù hợp với loại giống cây mang từ Tây Nguyên về, anh bắt đầu tập trung nghiên cứu tài liệu, sách vở, lặn lội đến các trại giống nhiều nơi để học hỏi kỹ thuật ươm giống.

Từ đó, anh lập ra 2 vườn ươm, với trên 6.000 cây giống mỗi năm để cung cấp cho bà con. Giống cây do anh ươm ra rất thích hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở Cù Bai, nên khi bà con đem về trồng sinh trưởng tốt. Tiếng thơm đồn xa, nhiều hộ dân ở các huyện Mường Nọng, Sê Pôn của tỉnh Savanakhet (Lào) cũng tìm đến anh mua cây giống.

Từ sự chủ động về giống cây và sự nhiệt tình giúp đỡ của anh, diện tích rừng của bà con Vân Kiều ở Cù Bai tăng lên nhanh chóng.

Không chỉ tích cực trồng rừng, anh còn giúp bà con Vân Kiều phát triển những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như xoan đỏ, điều cao sản… “Một vài năm tới, bà con Vân Kiều ở Hướng Việt và Hướng Lập sẽ thu hoạch một diện tích rừng rất lớn, thu nhập sẽ lên tới hơn 400 tỷ đồng. Tui sẽ cùng bà con Vân Kiều ở Cù Bai không để trống một khoảng đất nào”, anh nói, mắt nhìn thẳng vào những đồi cây bời lời, trầm gió xanh bạt ngàn, ánh niềm vui…