Phạt tiền không phân loại rác: Chưa thể!

Phải đợi đến khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn thì các địa phương mới có căn cứ xử phạt hành vi không phân loại rác thải tại nguồn. Lộ trình thực hiện phải sau ngày 31-12-2024

Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (gọi tắt là Nghị định 45) được Chính phủ ban hành ngày 7-7-2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), hoặc không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nhiều ý kiến băn khoăn việc xử phạt có áp dụng từ thời điểm trên hay không?

Xử phạt theo lộ trình

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn. Theo ông Thịnh, ngày 25-8 là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, một số chế định ghi trong luật cũng phải thực hiện có lộ trình.

Ông Thịnh cho biết thêm Luật Bảo vệ Môi trường quy định UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh, thành triển khai hướng dẫn thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với điều kiện của địa phương. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31-12-2024. “Như vậy, đến ngày 1-1-2025, phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính” – ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo Nghị định 45, CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm và CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định thì các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng cần có lộ trình dài hơi cho các địa phương chuẩn bị các hạ tầng kỹ thuật liên quan đến thiết kế các điểm thu gom, lưu giữ, vận chuyển và trang bị các phương tiện như 3 loại thùng đựng chất thải theo đúng quy định của Luật Bảo vệ Môi trường. Để làm được điều này, vai trò hạt nhân của mỗi gia đình sẽ là yếu tố tiên quyết.

Còn nhiều việc phải làm

Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Hà Nội, cho rằng việc đưa quy định xử phạt hành vi không thực hiện phân loại rác tại nguồn vào chế tài xử phạt là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ông Thái cũng khẳng định để thực hiện việc này thì phải làm tốt quy định phân loại rác thải tại nguồn. Muốn phân loại được thì cần kết hợp rất nhiều yếu tố: Đầu tiên phải có quy định, hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Tiếp đó, cần đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phân loại, phương tiện thu gom, vận chuyển cũng như cơ sở xử lý phù hợp sau phân loại. Điều này đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian thực hiện. Hiện nay, Sở TN-MT đang chủ trì xây dựng “Đề án phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến 2030”, theo kế hoạch số 168/KH-UBND của UBND thành phố ngày 16-7-2021. Dự kiến đề án hoàn thiện trong quý IV/2022 để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở đề án này, Sở TN-MT sẽ xây dựng lộ trình cụ thể cho công tác phân loại rác và trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn.

Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ TN-MT, Sở TN-MT TP Đà Nẵng tham mưu UBND thành phố vẫn tiến hành theo phương thức chung đối với các thành phần CTRSH như tái chế, nguy hại và còn lại; đồng thời triển khai các nghiên cứu thí điểm về tính toán phương thức tổ chức, thu gom và thu phí theo khối lượng. Trước mắt, có thể làm trên 1-2 địa phương trên địa bàn thành phố trong năm 2023 để đến năm 2024 sẽ tham mưu việc thực hiện theo quy định.

Việc xử phạt vi phạm không phân loại rác thải tại nguồn sẽ không hiệu quả nếu khâu thu gom rác vẫn trộn lẫn các loại rác thải như hiện nay Ảnh: TẤN THẠNH

Về thời điểm xử phạt vi phạm, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, thông tin Đà Nẵng dự kiến áp dụng từ ngày 1-1-2025. Dù vậy, ông Hùng nói: “Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 bắt đầu xử phạt nếu hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn, đơn vị thu gom không phân loại rác khi vận chuyển,…thì Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm. Như việc cung cấp trang thiết bị thu gom, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Nhìn lại những câu chuyện Đà Nẵng đã và đang làm thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này, cần những giải pháp hoàn thiện, bảo đảm sự bền vững hơn”.

Với tỉnh Khánh Hòa, khó khăn của địa phương này không nằm ở vấn đề bao giờ xử phạt mà là năng lực, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xử lý rác. Hiện nay, với quy mô dân số toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 1,2 triệu người, lượng chất thải sinh hoạt hằng ngày hơn 1.000 tấn. Để giải quyết quá tải rác thải, tỉnh đã quy hoạch 19 cơ sở xử lý chất thải rắn, trong đó có 13 bãi chôn lấp. UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch kiểm soát chất thải phát sinh, bao gồm cả phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, tổng kinh phí toàn bộ chương trình quản lý chất thải rắn lên đến hơn 5.400 tỉ đồng thì chưa biết lấy đâu ra. Trong khi đó, việc triển khai phân loại rác tại nguồn gặp nhiều trở ngại do ý thức người dân vẫn chưa cao.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, thành phố đang xây dựng kế hoạch để triển khai Nghị định 45. Liên quan đến việc xử phạt vi phạm, ông Thắng nói trong dự thảo Sở TN-MT trình UBND thành phố có đề cập nội dung này. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền. “Phải làm sao cho phù hợp với thực tế. Mục tiêu là hiệu quả, điều chỉnh hành vi để giúp người dân nâng cao ý thức chứ không phải đặt mục tiêu số tiền thu được” – ông Thắng nêu quan điểm.

Cần sớm ban hành hướng dẫn

Thảo luận về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 14 mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần sớm nghiên cứu ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác để làm cơ sở thực hiện Nghị định 45. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc đưa ra hình thức xử phạt này là bất cập khi chưa có văn bản hướng dẫn phân loại rác từ phía Bộ TN-MT. P.Anh

 

TS PHẠM VIẾT THUẬN – Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM:

Càng chậm, càng thiệt hại

Trong 2 năm qua, chương trình phân loại rác tại nguồn đã được triển khai thực hiện trên diện rộng. Ý thức về việc phân loại rác tại nguồn của người dân đã có chuyển biến rõ rệt. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 45 sẽ giúp thúc đẩy phân loại rác mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Luật Bảo vệ Môi trường cũng vừa có hiệu lực, để triển khai đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, Bộ TN-MT cần có hướng dẫn để sớm triển khai đồng bộ việc phân loại rác tại nguồn, nhất là ở các đô thị lớn. Càng chậm phân loại rác, thiệt hại sẽ càng nhiều.

GS-TS ĐẶNG KIM CHI – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam:

Phải có giải pháp đồng bộ

Hà Nội từng thí điểm phân loại rác thải tại nguồn. Khi đó, các phương án đưa ra là sử dụng túi đựng rác thải (theo màu sắc): Túi màu xanh đựng rác thải hữu cơ; túi màu đen/hoặc đỏ đựng rác thải vô cơ hay đổ rác theo giờ… Tuy nhiên, hiệu quả thu được không cao do người dân có thể phân loại rác thải từ đầu nguồn nhưng nhân viên thu gom rác lại sử dụng một xe thu gom duy nhất, sau đó tập kết tại điểm cố định. Xe chở rác lại đưa tất cả các loại rác (đã phân loại) lên một chiếc xe và đưa về bãi tập kết.

Vì vậy, cần phải có giải pháp đồng bộ, nếu không sẽ dẫn tới việc rác được phân loại từ đầu nguồn nhưng sau đó lại bị trộn lẫn trong quá trình vận chuyển, thu gom.

T.Hồng – H.Thanh ghi