Châu Phi hoang dã trước mối đe dọa từ thảm họa tự nhiên

Lũ lụt tàn phá ở Nam Phi cùng với nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác trên khắp lục địa thời gian gần đây đang khiến các loài động vật hoang dã đối mặt vô số rủi ro.

Từ hệ sinh thái trên đất liền

Châu Phi đã phải đối mặt với vô số thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu trong năm qua, năm 2021: từ trận lũ lụt chết người, liên tục kéo theo các cơn lốc xoáy không ngừng ở phía nam, đến mức nhiệt độ khắc nghiệt ở các khu vực phía tây và phía bắc, cùng đợt hạn hán tồi tệ hiện đang ảnh hưởng nặng nề đến khu vực miền đông, miền trung và vùng Sừng châu Phi.

Đội tìm kiếm và cứu hộ đang giải cứu các thi thể tại Thác Umzinyathi sau trận lũ lụt ở Inanda, gần vùng Durban, Nam Phi (Ảnh: AP)

Các nhóm bảo tồn và động vật hoang dã cho rằng, việc bảo vệ các loài động vật hoang dã khỏi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu do chính con người gây ra là nhiệm vụ tiên quyết vô cùng quan trọng.

Shyla Raghav, Người đứng đầu bộ phận biến đổi khí hậu tại tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International) cho biết: “Biến đổi khí hậu đang phá vỡ các hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sự tồn tại, cùng khả năng thích ứng của các loài hiện sinh tồn trong môi trường sống tự nhiên bình thường”.

“Sự phá vỡ hàng loạt đối với sự ổn định của hệ sinh thái sẽ xảy ra nếu các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp không được thực hiện. Cần phải kết hợp việc chống chịu với khí hậu tại các khu bảo tồn của chúng ta. Bằng cách đó, con người sẽ có thể tăng cường khả năng phục hồi của tự nhiên”, Shyla nhấn mạnh.

Một cây cầu bị sập trên đường cao tốc Griffiths Mxenge sau trận lũ lụt ở Durban, Nam Phi. Ảnh: AP.

Rất nhiều loài, bao gồm cả động vật đất liền nổi tiếng của vùng Châu Phi, cùng các sinh vật trên cạn và dưới biển khác, đều nằm trong nhóm dễ bị tổn thương do mất dân số đáng kể.

Nhà côn trùng học Paul Matiku, người đứng đầu nhóm theo dõi đa dạng sinh học Nature Kenya cho biết, các mô hình mưa thay đổi và nhiệt độ tăng không kiểm soát đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các quần thể chim.

Biến đổi khí hậu đã gây ra sự thay đổi bất thường theo mùa về lượng mưa, nhiệt độ và thức ăn cho các loài chim. Matiku nói rõ: “Do quá trình sinh sản bị gián đoạn, một điều tất yếu là quần thể chim sẽ tự động giảm theo thời gian”.

“Các loài chim ở đầm lầy bị ảnh hưởng bởi việc giảm mực nước do hạn hán. Sa mạc Sahara ngày càng nóng lên, và một số loài chim di cư chết dọc đường di cư do nhiệt độ quá cao và mất nước”, ông nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định rằng một số loài chim đã quá yếu do các chuyến di cư khỏi các vùng đất khắc nghiệt, nên chúng hầu như không còn sinh sản nữa.

Cư dân lội qua dòng nước lũ quanh nhà sau trận mưa lớn ở Antananarivo, Madagascar (Đông Phi). Ảnh: AP.

Xuống hệ sinh thái dưới biển

Theo Ibidun Adelekan, Giáo sư địa lý tại Đại học Ibadan ở Nigeria, các hệ sinh thái phát triển mạnh dọc theo những bãi biển cát trắng nổi tiếng của châu Phi cũng đặc biệt dễ bị tổn thương. Các bờ biển của châu Phi có nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái rạn san hô do tẩy trắng, xâm nhập mặn tiềm tàng trên các tầng chứa nước ngọt và các cơn lốc xoáy nhiệt đới ngày một dữ dội hơn.

Giáo sư Adelekan cảnh báo rằng, mức thiệt hại lớn hơn đối với sự đa dạng sinh học ven biển của châu Phi cũng sẽ gây ra những hậu quả đáng kể đối với các quần thể ở các thị trấn và thành phố dọc theo bờ biển của khu vực.

“Việc con người liên tục tước đoạt các hệ sinh thái trên cạn và dưới biển, trực tiếp đẩy các cộng đồng ven biển và hải đảo trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các tác động từ biến đổi khí hậu”, bà nhấn mạnh.

Một gia đình sơ tán sau một tuần mưa lớn ở Antananarivo, Madagascar (Ảnh: AP)

Mối quan tâm của bà đã được nhắc lại bởi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, tổ chức hồi đầu năm đã cảnh báo rằng các bờ biển châu Phi với “tỷ lệ cao các khu định cư không chính thức và các quốc đảo nhỏ bị ảnh hưởng và rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng rằng việc cải thiện quản lý vùng ven biển đối với các khu bảo tồn biển và các hạn chế tốt hơn đối với ngành đánh bắt cá sẽ hạn chế tác động đến đa dạng sinh học biển.

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng tương lai của các rạn san hô sẽ tốt hơn nhiều nếu các biện pháp hạn chế nghề cá và các khu bảo tồn được áp dụng hiệu quả trong toàn khu vực”, Tim McClanahan, Nhà động vật học bảo tồn cấp cao tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, người đã nghiên cứu hơn 100 địa điểm ở phía Tây Ấn Độ Dương cho biết.

Một ngôi nhà đổ nát sau cơn bão Batsirai ở Mananjary, Madagascar (Ảnh: AP)

“Mặc dù biến đổi khí hậu có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của địa phương, nhưng kết quả xấu sẽ giảm bớt nếu nghề cá được quản lý nghiêm ngặt để giảm tác động có hại đến các rạn san hô tự nhiên”.