“Tê tê vô tội” chinh phục cuộc thi vẽ tranh cổ động bảo vệ động vật hoang dã

Bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, nhiều loài động vật đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc bảo vệ ĐVHD sẽ giúp bảo vệ những nguồn gen quý hiếm, không những thế còn giúp cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo môi trường sống bền vững cho con người.

Bức tranh “Tê tê vô tội” (bên phải ảnh) được trao giải Nhất cuộc thi. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật hoang dã. Thói quen tiêu thụ động vật hoang dã đã tạo điều kiện cho nhiều virus lạ tiến sang người và gây ra những đại dịch với sức tàn phá khủng khiếp.

Từ các đại dịch trong lịch sử cho đến hiện nay là Covid-19, chúng ta đều thấy rõ được nguyên nhân đều do sự lây truyền virus từ ĐVHD sang con người. Trước đó, các đại dịch SARS (2002-2003), MERS (2012) và cả Ebola (2014) cũng đều được xác định là bắt nguồn từ loài dơi, truyền sang các động vật trung gian như cầy hương, quạ, linh trưởng và lạc đà rồi gây bệnh cho người.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về một số chủng virus corona có nguồn gốc từ động vật có thể lây truyền sang con người. Theo các nghiên cứu, SARS-CoV được truyền từ dơi sang cầy hương rồi sang người, và MERS-CoV được truyền từ lạc đà sang người…

Với mong muốn nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên trong việc bảo vệ ĐVHD; thay đổi thái độ, hành vi tham gia bảo vệ các loài động vật thông qua hoạt động vẽ tranh cổ động tuyên truyền từ đó tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ ĐVHD, Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT cùng với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động “Bảo vệ động vật hoang dã”.

Ông Vũ Minh Lý – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, sau hơn 2 tháng phát động cuộc thi đã có hơn 200 tác phẩm ở các độ tuổi là học sinh THCS, THPT và Cao đẳng, Đại học trên cả nước, những tác phẩm rất ấn tượng, thể hiện tình yêu của các thí sinh đối với các loài ĐVHD.

Ban tổ chức đã lựa chọn và trao giải Nhất cho tác phẩm “Tê tê vô tội” của tác giả Lâm Ngọc Huyền sinh năm 1999 và tác phẩm “Gấu con mất mẹ” của tác giả Hoàng Phước Đại sinh năm 2012; giải Nhì cho tác phẩm “Bảo vệ động vật là bảo vệ chính mình” của tác giả Nguyễn Xuân Quân sinh năm 2002 và tác phẩm “ Động vật cũng cần được yêu thương” của tác giả Lê Gia Hưng…