Trồng rừng theo tiêu chuẩn: Nhìn từ thực tiễn

Từ chủ trương đến thực tiễn, thay đổi tư duy về trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng theo chứng chỉ bền vững đang tạo ra những đột phá ở nhiều địa phương.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khảo sát mô hình trồng rừng bền vững ở Quảng Trị. (Ảnh: Công Điền)

Thực tiễn ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị

Với tổng kinh phí dự toán khoảng 1.645,8 tỷ đồng, Bộ NN-PTNT đang xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2025” nhằm thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 5 vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung thuộc địa bàn 11 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, qua đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả ra cả nước.

Một trong những mục tiêu của đề án là xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) tại các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế với diện tích khoảng 22.900ha.

Cụ thể vùng gỗ rừng trồng tại Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị sẽ tập trung thực hiện các nội dung như thành lập 24 hợp tác xã vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, xây dựng các bãi tập kết gỗ, đặc biệt là xây dựng các mô hình khuyến nông như mô hình “tỉa thưa và thâm canh rừng trồng có chứng chỉ”, mô hình “chuyển hóa gỗ dăm sang gỗ lớn” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mô hình “tỉa thưa và thâm canh rừng trồng có chứng chỉ” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế…

Hàng loạt chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, tín dụng, cơ giới hóa và nguồn kinh phí khoảng 327,4 tỷ đồng để thực hiện, có thể khẳng định không lâu nữa vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị sẽ được hình thành.

Cuối tháng 11/2021, trong chuyến khảo sát ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi về nhận thức, tư duy ở nhiều mô hình, hợp tác xã về trồng rừng bền vững, đặc biệt là tư duy phát triển rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ.

Tại Thừa Thiên – Huế, xây dựng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ đã được triển khai trên địa bàn 4 huyện (Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới) và 2 thị xã (Hương Trà và Hương Thủy). Thừa Thiên – Huế cũng đã ký hợp tác liên kết với các công ty để tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ đối với các hợp tác xã, lâm hộ trồng rừng có quy mô nhỏ và thành viên hợp tác xã, thành lập được 25 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, mỗi hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể và rõ ràng, sản xuất gắng với liên kết theo chuỗi giá trị.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Đình Đức cho biết, trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng chứng chỉ bền vững là chủ trương, định hướng lớn và UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã giao nhiệm vụ cho Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch hỗ trợ bà con nông dân giai đoạn 2021 – 2025 về xây dựng mở rộng quy mô rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng tối thiểu là 12.000ha với ít nhất trên 2.250 hộ nông dân/40 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, có doanh nghiệp đầu mối bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ lớn trên địa bàn.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã thành lập Hội Chủ rừng phát triển bền vững (FOSDA) với chức năng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các chủ rừng hộ gia đình quy mô nhỏ trong hoạt động kinh doanh rừng bền vững; đồng thời có nhiệm vụ thúc đẩy các chủ rừng tích cực hưởng ứng tham gia vào hoạt động quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn được Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế công nhận.

Tại Quảng Trị, từ năm 2010, tỉnh này đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hợp tác với các tổ chức quốc tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ dăm qua mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC). Nhờ vậy, Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 22.067 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Đặc biệt, đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các doanh nghiệp có chứng chỉ CoC ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các hợp tác xã nói riêng với giá cao hơn với so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 15 – 18%.

Đề án Phát triển trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh dự kiến phát triển vùng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn đến năm 2025 đạt khoảng 16.700 ha, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng và cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu.​

Từ chính quyền, người dân đến các hợp tác xã, doanh nghiệp đang tạo thành chuỗi liên kết rừng gỗ lớn, rừng chứng chỉ bền vững ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị. Tất nhiên là còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng thực tiễn cho thấy đây chính là chủ trương đã tạo ra những bước đột phá ở hai địa phương này.
Trồng rừng gỗ lớn ở Thừa Thiên – Huế. (Ảnh: Tiến Thành)

Thí điểm mua bảo hiểm cho rừng

Theo Bộ NN-PTNT, sau gần 8 năm thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và gần 4 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp nói chung và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, vì vậy, Bộ NN-PTNT chỉ đạo xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2025” nhằm thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 5 vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung thuộc địa bàn 11 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, qua đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả ra cả nước.

Đề án được thực hiện trên địa bàn 184 xã thuộc 50 huyện của 11 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Gia Lai, Đăk Lăk, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang). Các địa điểm lựa chọn vùng dự án đều nằm trong quy hoạch vùng trồng và phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trong quá trình xây dựng đề xuất của địa phương, các cơ quan chuyên môn của địa phương đã rà soát và đềxuất vùng trồng phù hợp với quy hoạch hiện hành, dựa trên cơ sở các vùng trồng đã được hình thành, không phát triển vùng trồng mới.

Đối với vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS…) tại các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế , Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của các địa phương trong phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

“Để triển khai đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững tại miền Trung phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2025, Bộ NN-PTNT cam kết sẽ hỗ trợ địa phương trong việc đảm bảo hạ tầng vùng sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực, quản trị, giống keo lai nuôi cấy mô… cho các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy hoạch của đề án. Xây dựng mô hình thí điểm về hỗ trợ mua bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, đặc biệt là rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC để hạn chế rủi ro để các hợp tác xã, người trồng rừng yên tâm đầu tư trồng rừng có chứng chỉ với thời gian kinh doanh dài. Hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp trong việc sản xuất theo chuỗi giá trị”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.