Tái định cư ở thủy điện An Khê – Ka Nak: Bĩ cực hơn trước

ThienNhien.Net – Trong cuộc họp HĐND tỉnh Gia Lai vừa qua, ông Phạm Đình Thu – Chủ tịch HĐND tỉnh – cho hay: “Qua thực tế, người dân ở huyện Kbang, TX.An Khê ở các khu tái định cư hiện đều lâm vào cảnh khó khăn, bĩ cực hơn trước, đất sản xuất chưa có…”.

Thiếu đất, tiệt đường 

Khi quy hoạch phát triển thủy điện An Khê – Ka Nak, riêng huyện Kbang ảnh hưởng đến 1.160 hộ và 2.500ha đất rừng, đất sản xuất; An Khê có 890 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một điều rất vô lý là trước khi chặn dòng tích nước, Ban 7 của EVN trực tiếp quản lý công trình thủy điện An Khê -Ka Nak vẫn chưa hoàn thành việc đền bù, cấp đất cho người dân, khiến cuộc sống của họ rất khó khăn.

Hiện tại, địa bàn xã Cửu An (TX.An Khê) có khoảng 260ha đất của người dân bị chia cắt do kênh dẫn nước của thủy điện. Mặc dù đã có cầu sắt, nhưng chiều rộng quá hẹp, khiến việc vận chuyển hoa màu rất khó khăn. Tại xã Đắk Smar (huyện Kbang), nhiều diện tích đất trên địa bàn xã không có đường đi vào sản xuất. Không những vậy, đất tái định canh của làng K’Rối (102 hộ) cũng còn nhiều vướng mắc. Tổng diện tích cấp cho bà con là 30,6ha; nhưng thủy điện lại chia đất cho dân ở những chỗ dốc và đất xấu, nên người dân không thể sản xuất được.

Ông Nguyễn Ngọc Thu – Chủ tịch xã Đắk Smar – cho hay, hiện còn thiếu 1,7km đường vào khu sản xuất của làng Cam. Còn công trình nước sạch, khi bàn giao cho xã thì máy bơm hay bị hỏng. Ông Đinh Rai -già làng K’Rối – kể: “Nhà già có 6 người, chỉ có gần 4 sào đất cũ, đất sản xuất đến giờ vẫn chưa được thủy điện cấp, phải leo bộ qua dốc ngọn núi kia để trồng cấy. Chủ yếu trồng bắp và lúa, năm nay chuột ăn hết, nắng hạn, mất mùa, đói thôi”.

Ông Phạm Đình Thu cho rằng, đây là khuyết điểm khi lập dự án. Hồ chứa nước ngập đường dân sinh, buộc dân phải đi vòng rất xa; nông sản, gia súc không đưa về bán được, cầu dân sinh bỏ giữa chừng không làm…

Sông Ba đang ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng (Ảnh: L.Đ.Dũng)
Sông Ba đang ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng (Ảnh: L.Đ.Dũng)

Ô nhiễm trầm trọng

Hiện tại, trên dòng sông Ba có 7 nhà máy thủy điện hoạt động. Cuộc sống người dân gần như bị đảo lộn vì dòng sông này đang bị biến thành dòng sông chết và ô nhiễm trầm trọng. Ông Phạm Đình Thu cho hay, điều tiết dòng nước từ sông Ba về sông Côn để phát điện đã làm hạn chế và hủy hoại đời sống văn hóa của 400.000 người dân ở hạ du sông Ba chứ không phải riêng gì An Khê và Kbang.

Ông Lê Văn Tín – người dân P.An Bình, TX.An Khê – bức xúc: “Người già và trẻ nhỏ đều bị ảnh hưởng sức khỏe, chú thấy mùi thế này ai chịu được. Đã có nhiều hộ phải đi chở nước nơi khác về ăn uống và sinh hoạt. Chúng tôi cũng nói hoài với các cấp chính quyền rồi, nhưng chưa được giải quyết”. Còn bà Võ Thị Trám – ở đường Quang Trung – thì cho hay: “Nước bị ô nhiễm là từ mấy nhà máy đường trên kia kìa, có hôm nửa đêm về sáng nó xả. Nó xả trực tiếp ra sông, ầm ầm luôn, như mình xả bồn cầu ra sông đó”.

Về vấn đề này ông Thu đề nghị thủy điện An Khê – Ka Nak lúc cao điểm phải xả 8 – 10m3/s để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Hiện Gia Lai có 7 thủy điện đã vận hành với tổng công suất là 1.844MW. Tổng số quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ là 74 công trình với 33 thủy điện đang hoạt động, 13 thủy điện đã khởi công, 9 thủy điện đang làm thủ tục, 19 công trình đã quy hoạch và chưa có chủ trương đầu tư. Tỉnh cũng đã quyết định thu hồi 9 dự án thủy điện với lý do chậm tiến độ, không đảm bảo môi trường; hiện đang xem xét loại 7 thủy điện chưa có chủ trương đầu tư ra khỏi quy hoạch.